Nhà khoa học nữ 30 năm góp sức nâng tầm nông sản Việt

30 năm gắn bó với khoa học, PGS, TS Nguyễn Minh Tân đã viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng về sự đam mê, cống hiến và khát vọng nâng tầm trí tuệ Việt. Cuộc trò chuyện của chúng tôi không chỉ xoay quanh sự nghiệp nghiên cứu đầy ấn tượng của chị mà còn là những chiêm nghiệm đa chiều về văn hóa học thuật cùng những suy tư dung dị về giá trị của cuộc sống.

Hóa học hóa cuộc đời

Đúng giờ hẹn với PGS, TS Nguyễn Minh Tân, chúng tôi đến Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên - INAPRO, Đại học Bách khoa Hà Nội. Cánh cửa mở ra cũng là lúc tôi hơi bất ngờ khi trước mắt mình là một giảng viên với mái tóc tém cá tính, nụ cười rạng rỡ cùng phong thái nhanh nhẹn đang niềm nở chào đón những vị khách lạ. Tôi dùng từ “bất ngờ” là bởi PGS, TS Nguyễn Minh Tân trông rất khác so với những hình dung của tôi về một nhà khoa học - Giám đốc Viện Nghiên cứu của một trường đại học hàng đầu cả nước, đồng thời còn là tác giả đứng đầu của 7 bằng sáng chế tại Việt Nam và 1 công bố sáng chế quốc tế PCT; chủ nhiệm 5 đề tài các cấp đã hoàn thành và nghiệm thu...

PGS, TS Nguyễn Minh Tân vừa dẫn chúng tôi lên phòng làm việc, vừa kể về cái duyên và sự gắn kết đặc biệt giữa chị với Đại học Bách khoa Hà Nội. “Ước mơ ngày còn bé của tôi là luật sư vì tôi thích lập luận, thích những lý lẽ logic, chặt chẽ, thuyết phục. Lớn hơn một chút thì tôi bắt đầu thích hóa học…”. Đến ngày đăng ký thi đại học, với sự tự tin “ngất trời” cùng một chút lòng hiếu thắng, cô gái trẻ Minh Tân đã đánh cược với đám con trai trong lớp rằng muốn trở thành “anh hào” thì nhất định phải thi đỗ Bách khoa. Thế mà chị đỗ thật, và rồi trở thành tân sinh viên K35 ngành Công nghệ Hóa học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau này, nghe theo lời tư vấn của người thân, chị quyết định lựa chọn chuyên ngành Quá trình Thiết bị Công nghệ Hóa học và trở thành nữ sinh K35 duy nhất theo học chuyên ngành này.

 PGS, TS Nguyễn Minh Tân chia sẻ về những công nghệ được lắp đặt ngay trong trường để phục vụ nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu.

PGS, TS Nguyễn Minh Tân chia sẻ về những công nghệ được lắp đặt ngay trong trường để phục vụ nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu.

Năm 1995, Nhà trường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên kế cận nên chị và hai bạn học khác được giữ lại trường. Đến năm 2000, khi đã hoàn thành xong chương trình thạc sĩ, PGS, TS Nguyễn Minh Tân giành được học bổng của Tổ chức Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và theo học tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden (TU Dresden) tại CHLB Đức rồi tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Johanes Kepler Linz, Áo. Đầu năm 2005, chị trở về Đại học Bách khoa Hà Nội, tiếp tục sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu tại nơi đây cho đến nay.

Khoa học vị nhân sinh

Với PGS, TS Nguyễn Minh Tân, làm khoa học không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là một trách nhiệm, một niềm đam mê và hành trình khám phá không ngừng. Chị tìm thấy niềm vui trong việc giải quyết những bài toán khó, trong việc nhìn thấy những ý tưởng của mình trở thành hiện thực và mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Theo đó, quan điểm của chị khi nghiên cứu khoa học là “Không nghiên cứu những gì mình có, mà nghiên cứu những gì xã hội cần” và làm gì thì cũng phải “máu lửa”, nhiệt huyết, không được bỏ cuộc.

Một trong những mục tiêu lớn mà PGS, TS Nguyễn Minh Tân và các cộng sự đang hướng tới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chị trăn trở: “Tôi luôn nghĩ đến việc làm sao để dân mình đỡ vất vả. Để nội lực đất nước mạnh hơn, giống như một cơ thể khỏe mạnh có sức đề kháng tốt, thì khoa học chính là con đường. Những vấn đề lớn của quốc gia, từ kinh tế đến xã hội, đều cần đến sự chung tay của khoa học để tìm ra hướng đi đúng đắn, phục vụ tốt nhất cho người dân. Khoa học phục vụ dân sinh là ở chỗ đấy”.

Điều này có thể được thấy rõ thông qua những công trình nghiên cứu của chị. Trăn trở về câu chuyện “được mùa mất giá” của nông sản Việt, PGS, TS Nguyễn Minh Tân cùng các đồng nghiệp đã hợp tác với nhóm nghiên cứu của Giáo sư Samhaber, Viện Quá trình Thiết bị (Đại học Johannes Kepler Linz, Cộng hòa Áo) nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ JEVA (Juice EVAporation Technology) - một công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng nhằm giữ được hương vị, màu sắc và các hoạt chất sinh học có lợi trong sản phẩm chế biến. Đặc biệt, tại thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, công nghệ JEVA đã được áp dụng như một biện pháp quan trọng để “giải cứu” thị trường nông sản Việt Nam. Công nghệ này cho phép các doanh nghiệp thu mua hoa quả với chất lượng đa dạng để chế biến thành sản phẩm nước quả cô đặc có thể bảo quản ở nhiệt độ thường mà không cần chất bảo quản, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

 PGS, TS Nguyễn Minh Tân tại Phòng thí nghiệm Viện INAPRO (Đại học Bách khoa Hà Nội).

PGS, TS Nguyễn Minh Tân tại Phòng thí nghiệm Viện INAPRO (Đại học Bách khoa Hà Nội).

Bên cạnh đó, PGS, TS Nguyễn Minh Tân cũng phát triển quy trình hạ thủy phần mật ong bằng công nghệ JEVA, giúp giữ lại các dưỡng chất và hoạt tính chống oxy hóa của mật ong. Công nghệ này đã được triển khai trong sản xuất các sản phẩm mật ong thảo dược, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân và doanh nghiệp. Với ưu điểm không sử dụng hóa chất và tiêu thụ năng lượng thấp, công nghệ JEVA rất thích hợp để áp dụng tại các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, không có nguồn nguyên liệu ổn định tại Việt Nam.

Nhìn vào những đóng góp của công nghệ JEVA hiện tại, PGS, TS Nguyễn Minh Tân tự hào chia sẻ: “Chúng tôi đã mất tới 16 năm để đưa công nghệ JEVA ra đời nhưng sự chờ đợi này là hoàn toàn xứng đáng. Bởi công nghệ JEVA không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần hiện đại hóa ngành chế biến nông sản nước nhà, đưa rau quả Việt Nam đến những thị trường tiềm năng lớn”.

Sau công nghệ JEVA, hiện tại, chị cùng các cộng sự đang tham gia dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ “Mũi điện tử”. Đây là một thiết bị có khả năng nhận diện và phân tích các phân tử mùi, từ đó xác định trạng thái cũng như thời điểm thu hoạch, thời gian chín của sản phẩm, đồng thời giám sát chất lượng của sản phẩm trong quá trình chế biến và vận chuyển. Theo PGS, TS Nguyễn Minh Tân, với mục tiêu hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong chế biến nông sản, dự án của chị cũng tập trung chính vào ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm phát thải và tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu để phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong cuộc trò chuyện, tôi tò mò hỏi chị đánh giá sao về “sân chơi” khoa học dành cho phái nữ tại Việt Nam hiện nay. Chị mỉm cười, ánh mắt ánh lên niềm tin: “Với sự quan tâm và hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước cùng sự ủng hộ của xã hội, Việt Nam hiện tại đang tạo ra một môi trường rất tốt và thuận lợi cho sự phát triển của các nhà khoa học nữ. Đặc biệt từ sau Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, vị thế của các nhà khoa học lại càng được coi trọng hơn”. Chị nhấn mạnh, sự thay đổi trong nhận thức và chính sách này không chỉ mang lại niềm tự hào mà còn tiếp thêm động lực to lớn cho những người đang miệt mài trên con đường nghiên cứu. Dù còn nhiều thách thức nhưng đây cũng chính là thời điểm để các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học nữ nắm bắt cơ hội phát triển mới, tự tin khẳng định năng lực và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia.

Bài, ảnh: THÚY HIỀN - PHƯƠNG NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nha-khoa-hoc-nu-30-nam-gop-suc-nang-tam-nong-san-viet-822959