Nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo nguy cơ đại dịch từ cúm gia cầm H5N8

Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, chủng virus cúm gia cầm H5N8 có thể gây ra một đại dịch khác, theo cổng thông tin y tế Medical Xpress.

Các nhà khoa học lưu ý rằng, dòng virus cúm gia cầm lần đầu tiên được phát hiện trên một con vịt ở Trung Quốc vào năm 2010. Đến năm 2014, dịch bệnh bùng phát ở Nhật Bản, Hàn Quốc trên cả gia cầm nuôi và chim hoang dã. Và đến năm 2016, dịch bệnh bùng phát ở các loài chim ở Ấn Độ, Nga, Mông Cổ, Hoa Kỳ và một số khu vực châu Âu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài báo viết: Năm 2020, các đợt bùng phát được quan sát thấy ở 46 quốc gia. Nhà khoa học Trung Quốc Weifeng Shi và George Gao lưu ý, vấn đề này cho thấy virus có thể lây lan rất nhanh, trở thành đại dịch cúm gia cầm.

“Đáng báo động hơn nữa là báo cáo về tình trạng lây nhiễm chéo ở bảy công nhân nông nghiệp Nga vào tháng 12 năm ngoái”, Medical Xpress cho biết.

Theo các nhà khoa học Trung Quốc, các công nhân bị nhiễm bệnh không có triệu chứng và không có dấu hiệu cho thấy virus đang được truyền từ người sang người. Nhưng họ cũng chỉ ra rằng, một khi đã bị nhiễm, thường không mất nhiều thời gian để virus thích nghi với các nạn nhân khác.

Con người từng bị nhiễm các phân nhóm cúm gia cầm và cúm lợn như H5N1 và H7N9. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con người thường bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với động vật, môi trường bị ô nhiễm và lây lan lâu dài giữa người với người.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý H5N8 có khả năng gây bệnh cao, nhưng việc giám sát cẩn thận các trang trại, chợ gia cầm và chim hoang dã, cùng với các biện pháp kiểm soát lây nhiễm tiêu chuẩn, có thể làm chậm sự lây lan của virus.

Hồi tháng 3 vừa qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) và WHO kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm A H5N8 sang người sau khi phát hiện bảy công nhân ở trang trại chăn nuôi gà ở Nga bị nhiễm virus cúm A (H5N8).

Đây là báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm H5N8 từ gia cầm sang người mặc dù virus này đã lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016. Tất cả 7 ca mắc ở người đều không có triệu chứng.

Bạch Dương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nha-khoa-hoc-trung-quoc-canh-bao-nguy-co-dai-dich-tu-cum-gia-cam-h5n8-187933.html