Nhà khoa học VUSTA với việc sửa đổi Luật Đất đai
Đại biểu Quốc hội đánh giá, góp ý của VUSTA đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có hàm lượng khoa học lớn, rất có ý nghĩa trong việc hoàn thiện dự thảo luật quan trọng này.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (từ 22/5-23/6), Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến lần thứ 2, đây là dự thảo quan trọng tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến nhà khoa học
Liên quan tới Dự thảo luật đất đai(sửa đổi), Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị với góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất quan trọng đã đưa ra ý kiến từ họp trước. Ở kỳ họp này, đây là lần thứ 2 dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến.
Trước đó, Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến toàn dân, tổ chức, chuyên gia, cách thức tiếp cận rất bài bản và khoa học. Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức nhiều hội thảo, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, Nhân dân và cả tiếp xúc cử tri chuyên đề trước và sau kỳ họp đều nhận được ý kiến người dân.
Cho đến nay, cơ quan soạn thảo, Quốc hội đã tiếp thu được nhiều ý kiến, đặc biệt là những vấn đề mới, thay đổi cơ bản về tư tưởng trong dự án luật đã nhận được ý kiến đông đảo của nhân dân và chuyên gia.
Đại biểu Hoàng Văn Cường kỳ vọng, kỳ họp này đưa ra nhiều ý kiến có định hướng tập trung những vấn đề mà chúng ta có thể chốt lại để hướng tới kỳ họp tiếp theo.
“Tôi kỳ vọng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có thể được thông qua trên tinh thần đổi mới, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao, tạo ra sự thay đổi căn bản trong quản lý đất đai, khắc phục những hạn chế, tồn tại đặc biệt vấn đề khiếu kiện đất đai như thời gian qua”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Góp ý của VUSTA có hàm lượng khoa học lớn
Cùng quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Cường, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự thảo luật quan trọng, ông rất quan tâm trong nội dung Kỳ họp thứ 5 này.
Đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc góp ý cho dự thảo luật. Ông cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học từ các hội nghị, hội thảo, trong đó, có của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
“Tôi có đọc báo cáo của VUSTA góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Có thể nói hàm lượng khoa học rất lớn. Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có vai trò rất lớn trong việc hoàn thiện luật ”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Ông An cho hay, bên cạnh ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học mang tính nguyên tắc, bài bản về lý luận, một điều quan trọng đối với Luật Đất đai là còn phải kết hợp cả lý luận và thực tiễn. Những kiến thức này phải được trộn lẫn với nhau và làm sao hướng tới mục tiêu có các quy định phải khả thi.
Thực tế, có những sự việc chúng ta không thể hình dung một cách đơn thuần về lý thuyết được. Có những kinh nghiệm của quốc tế, hoặc về học thuật phải thế này, nhưng thực tiễn lại khác. Vai trò của các nhà khoa học là phải biết kết hợp giữa thực tiễn và lý luận.
“Tôi thấy VUSTA đã làm điều này rất tốt. Trong các hội thảo, hội nghị không chỉ có các nhà khoa học, mà còn cả các nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân… Sắp tới, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đưa ra thảo luận, tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề cần bàn”, ông An nói.
Báo chí, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng
Đại biểu Trịnh Xuân An nhận định, báo chí, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng trong việc đưa quyết sách của Quốc hội tuyên truyền đến với xã hội, người dân. “Khó hình dung được việc Quốc hội hoạt động mà không có báo chí”, ông Trịnh Xuân An nói.
Đối Dự thảo Luật Đất đai là một đạo luật rất lớn, phải có chiến lược truyền thông một cách bài bản. Trong Luật Đất đai có hàng trăm quy định cụ thể và những vấn đề cần phải thảo luận. Việc truyền thông thế nào, thông tin ra sao, đối tượng… báo chí không thể nêu chung chung, như vậy sẽ không hiệu quả. Cái mà người dân cần là thông tin đúng nội dung mà họ quan tâm. Ngoài ra, còn là hàm lượng nội dung ở trong đó.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cách thức báo chí nên làm là đi thẳng vào nội dung và xem tương tác của xã hội thế nào. Chẳng hạn đối với đất nông nghiệp thế nào, đất quốc phòng an ninh ra sao… phải lắng nghe các ý kiến.
Theo ông An, đã có một số báo có một cách rất hay, đó là cho bình chọn, cùng với đó là đăng tải những ý kiến. Đó là điều cơ quan soạn thảo rất cần và không phải điều tra xã hội học nữa, đã được báo chí làm thay. “Tất nhiên, sẽ có nhiều phương pháp, nhưng về cơ bản với Dự thảo Luật (đất đai) là cần cụ thể, không thể tuyên truyền một cách chung chung được.