Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz đánh giá về cải cách thuế toàn cầu
Theo nhà kinh tế học Joseph Stiglitz, tỷ lệ tối thiểu mà các chính phủ nhất trí về kế hoạch đánh thuế toàn cầu để đối phó với những 'mặt trái của quá trình toàn cầu hóa' vẫn còn quá thấp.
Nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới – ông Joseph Stiglitz - đã đánh giá cao sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với kế hoạch đánh thuế các tập đoàn toàn cầu, nhưng vẫn cho rằng tỷ lệ tối thiểu mà các chính phủ nhất trí để đối phó với những "mặt trái của quá trình toàn cầu hóa" vẫn còn quá thấp.
Ông Joseph Stiglitz - 78 tuổi – là cựu Phó Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2001.
Nhận định trên được ông Stiglitz đưa ra trong bối cảnh tháng 7 vừa qua, hơn 130 quốc gia đã ủng hộ mức sàn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng chung cho cả thế giới là 15%.
Động thái này nhằm ngăn chặn các nước cạnh tranh trong việc đưa ra mức thuế suất thấp nhất hòng thu hút các công ty đa quốc gia vốn luôn tìm cách giảm tối đa hóa đơn thuế của mình.
Phát biểu ngày 6/9 bên lề Diễn đàn kinh tế Ambrosetti, diễn ra tại thành phố Cernobbio (Italy), ông Stiglitz cho biết: "Đó là một sáng kiến tuyệt vời. Hệ thống thuế của các công ty đa quốc gia đã hơn 100 năm tuổi và hiện không còn phù hợp với nền kinh tế toàn cầu hóa của thế kỷ 21”.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học người Mỹ cho rằng mức sàn 15% vẫn là “quá thấp”. Ông nhấn mạnh: "Tôi nghĩ con số này phải là 25%, nhưng chính trị là nghệ thuật của sự thỏa hiệp. Tôi hy vọng họ sẽ thỏa thuận được ở mức tối thiểu 20%".
Vấn đề cải cách hệ thống thuế toàn cầu đã được thống nhất trong các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi động và dẫn dắt tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu lớn nhất thế giới (G20).
Thỏa thuận cuối cùng về vấn đề này dự kiến sẽ được công bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome (Italy) vào tháng 10 tới, với hy vọng rằng cải cách thuế có thể bắt đầu thực hiện vào năm 2023./.