Nhà mạng xem thường 'thượng đế'?
Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư rác quy định: Cấm mọi hành vi gửi các loại tin nhắn dịch vụ, quảng cáo khi chưa được sự đồng ý của chủ thuê bao. Dù quy định trên đã có hiệu lực pháp luật từ lâu, nhưng một nhà mạng và các đối tác vẫn gửi tin nhắn rác làm phiền khách hàng.
Đau đầu với tin nhắn rác
Nhiều người dùng mạng di động không khỏi phiền lòng khi thường xuyên bị làm phiền bởi các loại tin nhắn rác, trong đó có cả tin nhắn dịch vụ, quảng cáo của chính các doanh nghiệp viễn thông. Một số chủ thuê bao phản ánh có ngày nhận đến vài tin nhắn dịch vụ, quảng cáo khiến họ hết sức khó chịu và cho rằng những tin nhắn rác quả thực là sự tra tấn đối với họ.
Ông Nguyễn Văn Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, ông sử dụng mạng di động của một nhà mạng từ lâu và cũng rất khó chịu với các tin nhắn dịch vụ, quảng cáo từ các đầu số dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông này. Sở dĩ đến nay ông vẫn dùng mạng này không thay đổi là vì bạn bè rất đông nên nếu thay số sẽ phải thông báo với nhiều người để duy trì liên lạc nên sẽ rất phiền. Ông Khánh cho biết: Giờ đã nghỉ hưu rồi còn đỡ khó chịu, chứ ngày còn công tác không thể chịu nổi với các loại tin nhắn rác vì bị làm phiền khi đang chủ trì các cuộc họp cơ quan. Đang chủ trì họp cơ quan, thấy máy rung lại tưởng cấp trên gọi, hóa ra tin nhắn, cuộc gọi rác, rất bực mình...
Còn anh Vũ Quang Long (quận Long Biên, Hà Nội) thì không phải là cán bộ lãnh đạo, không phải chủ trì các cuộc họp như ông Khánh, nhưng anh lại là thầy dạy lái xe nên cũng cảm thấy phiền toái không kém. “Nhiều khi đang chờ tin nhắn và cuộc gọi quan trọng thì lại nhận được tin nhắn rác của nhà mạng hay của các thuê bao SIM rác rất mệt mỏi. Đó là chưa kể lúc đang tập trung cao độ dạy lái xe cho học viên thì cứ liên tục nhận được tin nhắn dịch vụ, quảng cáo khiến tôi tức đến phát điên, không còn tâm trí để truyền đạt kiến thức cho người học lái xe” - anh Long bức xúc.
Không chỉ có ông Khánh, anh Long, mà còn khá nhiều khách hàng sử dụng mạng di động của một nhà mạng phản ánh với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết những điều tương tự. Một số người cho rằng nhà mạng đang có kiểu kinh doanh thời bao cấp, tức là dịch vụ chỉ có vậy không dùng thì thôi.
Coi thường pháp luật?
Tại Khoản 1, 2, Điều 9, Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm hướng dẫn chủ thuê bao về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Đồng thời hướng dẫn, cung cấp cho chủ thuê bao các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác... Song, thay vì hướng dẫn chủ thuê bao chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cung cấp cho họ công cụ chống tin nhắn rác và cuộc gọi rác, có khi nhà mạng lại trực tiếp gửi tin nhắn dịch vụ, quảng cáo tới khách hàng. Các đối tác thuê đầu số dịch vụ của một nhà mạng cũng vô tư nhắn tin nhắn rác tới khách hàng mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 9, Nghị định 91, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải chủ động đặt ngưỡng tần suất và điều chỉnh tần suất để xác định thuê bao nghi ngờ phát tán tin nhắn rác và đạt được hiệu quả chặn tin nhắn rác tùy theo tính chất, phạm vi và thời điểm chặn tin nhắn rác. Song, từ khi Nghị định 91 có hiệu lực thi hành, nhà mạng hầu như chưa tự phát hiện được các thiết bị, thuê bao phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác, hầu hết đều trông chờ vào phản ánh của khác hàng. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu có phải nhà mạng không phát hiện được các thuê bao phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác, hay doanh nghiệp viễn thông này biết mà làm ngơ?!
Tại Khoản 2, Điều 11, Nghị định 91 quy định: Các đơn vị, doanh nghiệp chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến chủ thuê bao di động khi được đồng ý trước về việc nhận quảng cáo qua một trong các cách sau: Đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo bằng việc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất; khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in, cổng/trang thông tin điện tử, các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội của đơn vị/người quảng cáo; gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến tổng đài thoại của đơn vị/người quảng cáo để đăng ký; sử dụng phần mềm hỗ trợ đăng ký nhận quảng cáo...
Điều đó có nghĩa, tất cả các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả nhà mạng phải được sự chấp thuận của các chủ thuê bao mới được phép gửi tin nhắn, cuộc gọi dịch vụ, quảng cáo tới họ. Song, trên thực tế chính nhà mạng với vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông còn gửi tin nhắn rác đến khách hàng, làm sao họ có thể hỗ trợ các chủ thuê bao loại bỏ sự phiền toái không đáng có bởi các tin nhắn, cuộc gọi rác từ những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác? Điều đó cho thấy nhà mạng không chỉ thiếu tôn trọng khách hàng, mà còn đang coi thường kỷ cương phép nước, không tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nha-mang-xem-thuong-thuong-de-5685542.html