Nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng nặng bởi thảm họa tại Nhật Bản tiếp tục hoãn hoạt động
Nhà máy điện hạt nhân Onagawa, tỉnh Miyagi - vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải đình chỉ hoạt động kể từ sau thảm họa kép động đất - sóng thần ở phía Đông Bắc Nhật Bản hồi tháng 3/2011. Hôm nay (18/7), lò phản ứng số 2 của nhà máy này sẽ chính thức hoạt động trở lại bắt đầu kể từ tháng 11 tới, tức hoãn lại 2 tháng theo kế hoạch công bố ban đầu.
Theo thông báo của Công ty Điện lực Tohoku, lò phản ứng số 2 tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa, nằm ở thị trấn Onagawa, tỉnh Miyagi, sẽ chính thức hoạt động trở lại vào khoảng tháng 11 tới để công tác “huấn luyện về giảm thiểu thiệt hại quy mô lớn” và công tác “huấn luyện theo trình tự” được đảm bảo chất lượng và an toàn. Thời điểm tiến hành nạp nhiên liệu hạt nhân vào tổ máy cũng sẽ được thay đổi từ tháng 7 này và chuyển sang khoảng tháng 9 tới, tức hoãn lại 2 tháng so với mục tiêu trước đó.
Theo lý giải của Công ty Điện lực Tohoku, việc dỡ bỏ các văn phòng cũng như các cơ sở khác bên trong khuôn viên nhà máy điện hạt nhân đang mất nhiều thời gian hơn dự kiến, nên việc hoãn lại thời điểm tái khởi động lò phản ứng số 2 là giải pháp cần thiết và phù hợp.
Đây là lần thứ 2 Công ty Điện lực Tohoku hoãn việc khởi động lại lò phản ứng số 2 tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa. Trước đó vào tháng 2 năm nay, Công ty Điện lực Tohoku cũng đã hoãn việc khởi động lại lò phản ứng số 2 này đến “khoảng tháng 9” vì lý do “muốn đảm bảo khối lượng công việc cần thiết cho các biện pháp phòng cháy bổ sung”, đồng thời cam kết “sẽ không có sự chậm trễ nào trong các biện pháp đảm bảo an toàn”.
Chính sách tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đang thu hút sự chú ý của dư luận và người dân Nhật Bản, đặc biệt là đối với nhà máy Onagawa. Đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản có kế hoạch tái hoạt động trở lại - khu vực này vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa kép động đất - sóng thần hồi tháng 03/2011.
Nhà máy điện hạt nhân Onagawa gồm 3 lò phản ứng, trong đó tổ máy số 2 có công suất 825 MW và được đưa vào vận hành từ năm 2005. Trước khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, điện hạt nhân chiếm khoảng 30% trong cơ cấu năng lượng của Nhật Bản. Việc đóng cửa tạm thời các nhà máy điện hạt nhân khiến chính quyền Nhật Bản buộc phải tăng gánh nặng đảm bảo nguồn cung điện năng đối với các nhà máy nhiệt điện.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm vận hành trở lại các lò phản ứng hạt nhân tại khu vực giáp ranh với Fukushima của nước này.