Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới đưa Nga đến các 'kho báu' ở Bắc Cực
c neo đậu ngoài khơi thị trấn Pevek nhỏ bé ở Bắc Cực, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới có tên Akademik Lomonosov cho thấy tham vọng của Tổng thống Vladimir Putin tại vùng viễn đông của Nga đang được hình thành.
Tham vọng hướng tới Bắc Cực
Bến cảng nằm bên bờ biển phía bắc Siberia này từng nổi tiếng là một bãi lầy của Liên Xô cũ. Những ngày nay, đây là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm mở ra một tuyến đường vận chuyển qua Bắc Cực để khai khác các nguồn tài nguyên thiên nhiên được dễ dàng hơn.
Hai tàu phá băng hạt nhân đang được đóng ở St Petersburg. Họ sẽ đi cùng các tàu thương mại qua Bắc Cực - Ảnh: FT
Bến cảng của Pevek chỉ không có băng trong 4 tháng một năm, nhưng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển thương mại trên Tuyến đường Biển phía Bắc (NSR), một phần do biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên giúp tuyến đường biển đến Bắc Cực phần nào đã dễ dàng hơn.
Nguồn năng lượng do nhà máy điện hạt nhân Akademik Lomonosov cung cấp sẽ giúp Pevek trở thành cửa ngõ dẫn vào Chukotka, một vùng gần Alaska và rất giàu vàng, bạc, đồng, lithium và các kim loại khác.
“Nếu không có NSR, không có cảng, sẽ không có Pevek”, Maxim Zhurbin, phó thị trưởng của Pevek, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10. Đồng thời, rất ít người ở Pevek có vẻ lo ngại về lò phản ứng hạt nhân ở bến cảng.
"Nỗi sợ? Chúng tôi không có. Có lẽ người Nga không còn sợ gì nữa. Chúng tôi đã trải qua mọi thứ. Chúng tôi phải lạc quan. Chúng tôi được thông báo rằng nhà máy được sản xuất bằng công nghệ mới nhất và nó an toàn”, Igor Ranav, một doanh nhân tại địa phương, cho biết.
Natalia Koveshnikova, một kế toán viên đã nghỉ hưu, người đã sống ở Pevek phần lớn cuộc đời cho biết: “Thật là tuyệt vời khi nó ở đây. Đây là năm đầu tiên chúng tôi có hệ thống sưởi và nước nóng quanh năm”.
Việc phát triển tuyến đường NSR thuộc về Rosatom, tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga. Ngoài việc vận hành tàu Akademik Lomonosov, Rosatom cũng phụ trách các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mà công ty kỳ vọng sẽ giúp mở ra hàng hải quanh năm ở Bắc Cực vào giữa thập kỷ này. Rosatom không tiết lộ họ đang đầu tư bao nhiêu nhưng khẳng định các dự án kinh doanh ở Bắc Cực của họ sẽ thu lại lợi nhuận.
Sau khi được nâng cấp hoàn toàn vào năm 2023, nhà máy hạt nhân ở Pevek dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho một số dự án tài nguyên bao gồm Mayskoye - một mỏ vàng khổng lồ và Pyrkakay - một trong những mỏ thiếc lớn nhất của nước Nga.
Rosatom còn có kế hoạch lắp đặt thêm bốn nhà máy hạt nhân nổi vào cuối thập kỷ trên khắp Vịnh Chaunskaya để cung cấp điện cho dự án khai thác đồng Baimskaya. Mỏ kim loại có trữ lượng rất lớn này đã được phát hiện vào thời Liên Xô cũ, nhưng việc thiếu công nghệ, thiết bị và cơ sở hạ tầng đã làm chậm quá trình phát triển và khai thác. Và với các lò phản ứng nổi, các mỏ vàng và kim loại khác nói trên sẽ có một nguồn điện dồi dào và ổn định liên tục trong 60 năm.
Tổ hợp nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov đang neo đậu ở bến cảng - Ảnh: TASS
Các “kho báu” dần lộ diện
Việc khai thác “kho báu” Chukotka cùng với phần còn lại của Bắc Cực từ lâu đã là mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin và Nga. Trong tuần này, họ sẽ tổ chức một cuộc họp toàn thể với Hội đồng Bắc Cực, nơi có đại diện của 8 quốc gia trong khu vực.
“Nga nên mở rộng qua Bắc Cực, vì đây là nơi có tài nguyên khoáng sản chính”, ông Putin nói vào năm 2017, khi Nga lần đầu tiên sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Bắc Cực và xuất khẩu qua tuyến đường NSR.
Các lô hàng của NSR đã tăng từ 1,5 triệu tấn năm 2000 lên 33 triệu tấn vào năm ngoái, chủ yếu là khí đốt và dầu. Sau lần tái đắc cử gần đây nhất vào năm 2018, Putin cho biết khối lượng sẽ đạt 80 triệu tấn vào năm 2024.
Rosatom dự kiến khối lượng tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Nga đi qua tuyến đường này sẽ đạt 110 triệu tấn trong thập kỷ tới, đồng thời thu hút vận chuyển quốc tế, mà họ ước tính sẽ bắt đầu vào năm 2025 và ít nhất 30 triệu tấn vào năm 2030.
Tập đoàn khai thác của Nga này cũng tin rằng sự bế tắc ở Kênh đào Suez trong năm nay đã thúc đẩy họ phát triển NSR. Họ cho biết tuyến đường này ngắn hơn và sẽ có sức cạnh tranh, mặc dù cần phải thuê tàu phá băng trong mùa đông.
Ví dụ, một chuyến đi từ Busan của Hàn Quốc đến Rotterdam ở Hà Lan sẽ mất 27 đến 28 ngày qua NSR, so với 40 ngày qua Kênh đào Suez. Kirill Komarov, phó giám đốc thứ nhất của Rosatom cho biết: “Chênh lệch 12 ngày khi vận chuyển hàng hóa trị giá 1 tỷ USD là một con số khá lớn”.
DP World, công ty hậu cần và nhà khai thác cảng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã trở thành công ty quốc tế đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác vận chuyển NSR với Rosatom vào tháng 7, cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và đội tàu bổ sung.
Quản lý vận chuyển hiệu quả quanh năm vẫn là một thách thức đối với Rosatom, mặc dù sự thay đổi khí hậu nói chung đang đóng một vai trò nào đó. Trong 40 năm qua, chỏm băng ở Bắc Cực đã giảm một nửa vào tháng ấm nhất là tháng 9 và giảm 10% vào tháng lạnh nhất là tháng 3, theo Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực.
Vào giữa thế kỷ này, dự kiến lượng băng sẽ mất thêm 2/3 vào mùa hè và giảm một nửa vào mùa đông. Đại dương ấm lên được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm chi phí vận chuyển. Ít băng hơn có nghĩa là ít tàu phá băng hơn và hành trình nhanh hơn.
Tuy nhiên, dự báo thời tiết và an toàn trong mùa đông băng giá vẫn còn là một vấn đề, đặc biệt là ở phía đông của tuyến NSR. Mới đây, việc băng bao phủ các vùng biển Bắc Cực sớm hơn dự kiến đã khiến 24 tàu bị mắc kẹt.
Rosatom cho rằng tình huống này là do dự báo thời tiết không chính xác. Thực tế, NSR đang giống như một con đường dẫn tới các “kho báu” của nước Nga. Ít nhất, cư dân của thị trấn Pevek đang có được cảm giác được trở thành một phần của nền kinh tế đang phát triển.