Nhà máy khó mua mía nguyên liệu, giá đường có tăng?
Thời gian qua, nhiều nông dân miền Tây chỉ bán mía cho người ép nước giải khát, trong khi nhà máy đường không thể mua nguyên liệu.
Dời lịch vận hành vì thiếu nguyên liệu
Ngày 14/11 vừa qua, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) có thông báo về việc tạm hoãn thời gian xuống ép mía tại Nhà máy Đường Phụng Hiệp cho đến khi có đủ mía nguyên liệu.
Động thái này diễn ra trước tình trạng Casuco đang gặp khó khăn vì thiếu mía nguyên liệu.
Các ghe tập kết mía về cầu cảng Nhà máy Đường Phụng Hiệp rất ít, ước lượng khoảng 400-500 tấn mía. Trong khi nhà máy cần sản lượng khoảng 5.000 tấn mới có thể đi vào hoạt động.
“
Trước những khó khăn trên, lãnh đạo Casuco cho biết: Đơn vị luôn xác định vùng mía nguyên liệu còn và phát triển thì Casuco mới tồn tại để phát triển sản xuất. Do đó, khâu đầu tư vùng mía nguyên liệu luôn được Casuco đặc biệt quan tâm bằng việc thực hiện nhiều chính sách thiết thực.
Thời gian tới, để giữ vùng mía nguyên liệu, Casuco sẽ tiếp tục đầu tư vốn trực tiếp để nông dân mua mía giống, cải tạo đất, chăm sóc mía, thu hoạch vận chuyển. Đồng thời cung cấp phân bón Đầu Trâu (Bình Điền - Long An) chất lượng tốt theo giá gốc… Và nguồn vốn này sẽ được Casuco thu hồi khi bà con bán mía cho Casuco (không tính toàn bộ lãi suất trong quá trình đầu tư).
”
Trước đó, theo lịch thông báo ban đầu của Casuco, ngày 10/11, Nhà máy Đường Phụng Hiệp - thuộc Cascuo sẽ chính thức tiếp nhận mía nguyên liệu của người dân và thời gian nhà máy xuống ép mía là 14/11.
Tuy nhiên, do thiếu mía nguyên liệu, Casuco đã có thông báo về việc tạm hoãn thời gian xuống ép mía nêu trên.
Theo ghi nhận của PV, Hậu Giang là địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn nhất khu vực ĐBSCL. Riêng niên vụ mía 2021-2022, nông dân trong tỉnh xuống giống được 3.842ha, giảm 23,8% so với cùng kỳ, phân bổ ở huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy.
Ngày 21/11, Casuco tiếp tục ra thông báo về thu mua mía niên vụ 2022- 2023. Theo đó, công ty thu mua mía theo 2 phương thức.
Đối với thu mua mía theo chữ đường, giá mua mía nguyên liệu là 1.380 đồng/kg mía sạch 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng nhà máy đường Phụng Hiệp, tăng 80 đồng/kg so với giá ban đầu.
Đối với mía mua xô, giá thu mua là 1.350 đồng/kg tại cầu cảng nhà máy. Công ty cũng yêu cầu mía đảm bảo độ chín, tươi, sạch, đã loại bỏ lá xanh, ngọn non, mía măng, bùn đất và các tạp chất khác.
Động thái tăng giá thu mía trên được kỳ vọng sẽ huy động thêm mía để đủ cho nhà máy đường vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa chắc ngày nào ép mía.
Nông dân không muốn bán mía cho nhà máy
Thời gian gần đây, nước mía giải khát ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, có thể bán và tiêu thụ ở bất cứ đâu. Từ đó dẫn đến nhu cầu thu mua mía chục ngày càng lớn.
Hiện mía bán chục có giá cao hơn nếu bán cho nhà máy đường từ 300 đồng/kg. Ngoài ra, người trồng mía bán theo hình thức này không phải lo lắng thuê nhân công thu hoạch và chuyên chở mía và trả tiền thuê nhân công và chi phí vận chuyển về nhà máy. Đồng thời, cũng không lo về tạp chất, chữ đường. Mặc dù chi phí trồng và chăm sóc mía chục cao hơn rất nhiều so với mía nguyên liệu
Từ đây, các nông hộ đã chuyển sang trồng mía chục, bán cho các điểm giải khát, không còn bán cho các nhà máy đường nữa. Đó là nguyên nhân dẫn tới vùng mía nguyên liệu ngày càng thu hẹp.
Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, vụ mía 2021-2022, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được gần 3.850ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy. Đến ngày 14/11, bà con đã thu hoạch được hơn 3.100ha dùng để bán mía chục, với năng suất bình quân đạt từ 100-105 tấn/ha.
“
Theo các chuyên gia, các địa phương cần quy hoạch khu vực mía bán chục, để tránh tình trạng trồng bát nháo, đại trà theo phong trào.
Việc bán mía chục đang giúp nông dân có thu nhập nhất thời tốt hơn so với cách bán truyền thống cho nhà máy. Tuy nhiên, mọi định hướng đều sẽ phải cẩn trọng, bởi kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, nếu nguồn cung vượt cầu sẽ dẫn đến những hệ lụy về thị trường…
”
Ông Nguyễn Văn Hó, ở ấp Lái Hiếu, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình tui vừa bán mía chục được giá 2.500 đồng/kg, tuy nhiên có nhiều hộ bán trước đó được giá tới 3.200 đồng/kg.
Đây được xem là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay đối với người trồng mía nơi đây. Với năng suất đạt 12 tấn mía/công, người trồng mía xứ này có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công".
Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, thông tin: “Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ là nhà máy nhỏ ở địa phương, nên việc thiếu mía nguyên liệu sẽ không dẫn đến tình trạng khan đường, làm đội giá lên cao.
Hiện nhà máy đang gặp khó khăn và chỉ có thể hoạt động trở lại khi nào đủ mía nguyên liệu để ép”.
Ngoài ra, giá đường của các nhà máy trong nước còn phụ thuộc vào đường nhập lậu giá rẻ. Do đó, nhiều khi muốn tăng cũng không được.
Trước tình hình trên, Casuco đã đề ra những giải pháp để đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Những giải pháp này sẽ được HĐQT thông qua trước khi triển khai thực hiện.