Nhà máy phân bón hàng đầu Triều Tiên đóng cửa vì Covid-19

Một trong những nhà máy phân bón lớn nhất của Triều Tiên phải tạm dừng hoạt động do không có thiết bị thay thế, sau khi nước này đóng cửa biên giới với Trung Quốc để chống dịch.

Theo báo cáo mà Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) nhận được từ Triều Tiên vào tháng 1, Nhà máy Hóa chất Thanh niên Namhung có các van áp suất cao và vòi xịt đã quá mòn để tiếp tục sử dụng. Nhà máy phải tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thiết bị thay thế.

Đây là dấu hiệu mới nhất về thiệt hại kinh tế của Triều Tiên xuất phát từ việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn đại dịch Covid-19, theo Nikkei Asia.

Nhà máy này tọa lạc ở phía bắc Bình Nhưỡng, sản xuất phân bón và khí than bằng cách sử dụng than antraxit được khai thác tại khu vực. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng đến thăm nhà máy vào năm 2013.

 Khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên. Ảnh: Kyodo.

Khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên. Ảnh: Kyodo.

Nhà máy ngừng hoạt động khiến Triều Tiên gặp khó khăn trong việc thúc đẩy sản lượng nông nghiệp. Năm ngoái, ông Kim ra lệnh tăng cường sản xuất phân bón và tham dự lế khánh thành một nhà máy phân bón khác.

Triều Tiên đóng cửa biên giới với đối tác thương mại chính Trung Quốc vào tháng 1/2020 khi số ca Covid-19 bắt đầu gia tăng ở nước láng giềng.

Thương mại song phương phục hồi vào mùa hè, nhưng sụt giảm kể từ tháng 10/2020, trước dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, cũng như đại hội đảng vào đầu năm nay.

Tổng kim ngạch thương mại trong năm 2020 giữa Trung Quốc và Triều Tiên giảm khoảng 80%, xuống còn 540 triệu USD, theo cơ quan hải quan Trung Quốc.

Tình trạng thiếu hụt cũng ảnh hưởng đến các "chợ đen" jangmadang ở Triều Tiên, vốn đã phát triển mạnh dưới thời ông Kim Jong Un.

Tại một chợ ở thành phố Pyongsong, lượng bột mì và dầu ăn sẵn có đã giảm một nửa. Nhiều quầy hàng từng bán quần áo và thiết bị do Trung Quốc sản xuất cũng phải đóng cửa.

Nguồn thu của chính quyền các địa phương cũng vì vậy mà sụt giảm.

Báo cáo của KITA cho biết tỉnh Pyongan Nam, nơi có nhà máy Namhung, thu ngân sách từ các chợ này trong quý cuối năm 2020 chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình này tác động lớn đến chi tiêu của tỉnh.

Tác động của đại dịch, kết hợp với các lệnh trừng phạt và lũ lụt nghiêm trọng ở các vùng nông nghiệp trọng điểm, giáng đòn nặng nề lên toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên.

Tại đại hội đảng hồi tháng 1, ông Kim thừa nhận Triều Tiên đã không đạt các mục tiêu kinh tế, đồng thời công bố kế hoạch 5 năm mới tập trung vào việc tăng cường khả năng tự lực.

Nước này đang sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản, vốn bị cấm xuất khẩu theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, để thúc đẩy sản xuất năng lượng và vật liệu trong nước.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-may-phan-bon-hang-dau-trieu-tien-dong-cua-vi-covid-19-post1182032.html