Chính phủ Pháp nỗ lực chống hàng giả trước thềm Olympic
Giới chức Pháp dẹp chợ trời, thu hàng nhái trong nỗ lực chống hàng giả trước thềm Olympic diễn ra vào cuối tháng 7 để bảo vệ nhà tài trợ.
Rạng sáng 3/4 - hơn ba tháng trước khi Olympic khai mạc - cảnh sát tràn vào khu chợ trời Saint-Ouen thuộc vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis của thành phố Paris. Họ tịch thu 63.000 mặt hàng quần áo, giày dép và đồ da giả các thương hiệu nổi tiếng rồi cho vào xe ép rác ngay tại chỗ. 11 cửa hàng bị đóng cửa, 10 người bị bắt.
Seine-Saint-Denis là nơi sẽ tổ chức các sự kiện bơi lội và điền kinh của Thế vận hội Paris mùa hè 2024. Giám đốc cảnh sát Seine-Saint-Denis Michel Lavaud khẳng định hoạt động này là một phần trong chiến dịch chống hàng giả trước Olympic. "Chúng tôi đã thảo luận về chống hàng giả trong hai năm qua", Lavaud nói, thêm rằng cảnh sát nỗ lực dẹp vấn nạn này.
Axel Wilmort, nhà nghiên cứu đô thị của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), nói rằng cảnh sát đã tăng hiện diện tại các chợ phi chính thức ở ngoại ô Paris trong ba tháng qua. Họ thường xuyên tuần tra, lắp đặt trạm kiểm soát và ngăn hàng rong.
Bộ Nội vụ Pháp tiết lộ 70 tấn hàng giả đã bị tiêu hủy trong tháng 3. Tại khu vực gần sườn đồi Montmartre, cảnh sát đã tăng gấp đôi các đợt ra quân kể từ tháng 2. Chỉ trong 4 ngày đầu tháng 6, 10 cuộc ra quân đã diễn ra để phá bỏ một khu chợ hàng rong có1.000 người bán.
Cuộc đột kích hàng thời trang giả tại kinh đô thời trang thế giới không phải cá biệt. Trong các kỳ Olympic trước đây, các nước chủ nhà cũng thực hiện chiến dịch chống hàng giả trước thềm sự kiện, như Bắc Kinh năm 2008, London 2012 và Rio 2016 với nhiều kết quả khác nhau.
Thời trang giả là ngành kinh doanh lớn. Theo Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu, quần áo hàng hiệu giả đã khiến các công ty Pháp thiệt hại trung bình 1,7 tỷ euro (1,83 tỷ USD) doanh thu mỗi năm giai đoạn 2018-2021.
Khoảng 15 triệu du khách dự kiến tham dự Olympic Paris 2024 từ ngày 26/7 đến 11/8. Đây là cơ hội với ngành bán lẻ nhưng cũng là mục tiêu hấp dẫn với giới kinh doanh hàng giả. Nhận thấy mối đe dọa với hàng hiệu, ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 và Ủy ban Olympic quốc tế đều gia nhập Hiệp hội Bảo vệ sở hữu trí tuệ Pháp (UNIFAB) hồi năm ngoái. Tổ chức này làm việc với các thương hiệu để nâng cao nhận thức về những rủi ro liên quan đến sản phẩm giả. "Chúng tôi đã làm việc rất nhiều trước Olympic", Giám đốc điều hành UNIFAB Delphine Sarfati-Sobreira cho biết.
LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, tham gia tài trợ Thế vận hội Paris 2024. Hãng từ chối công khai số tiền đóng góp vào ngân sách tổ chức Olympic. Một nguồn tin của AFP ước tính hãng này tài trợ khoảng 150 triệu euro (160 triệu USD), tương đương 1% của 15,2 tỷ euro lợi nhuận ròng kỷ lục năm ngoái của tập đoàn. Đổ tiền và công sức tham gia, LVMH cũng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng và hải quan để thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng giả.
Năm 2023, hải quan Pháp đã thu giữ 20,5 triệu sản phẩm giả, tăng 78% so với con số 11,5 triệu bị tịch thu vào năm 2022. Đầu năm nay, UNIFAB đã giúp đào tạo 1.200 đơn vị hải quan về cách nhận diện hàng hóa Thế vận hội chính hãng. Trong đó, linh vật và quần áo của sự kiện có thể bị làm giả nhiều nhất. Pháp còn thiết lập 70 đầu mối chống hàng giả trực tuyến, phụ trách triệt phá các mạng lưới tội phạm địa phương và quốc tế.
John Coldham, luật sư sở hữu trí tuệ của Gowling WLG (London), một trong các chuyên gia từng làm việc với các thương hiệu trong hoạt động "Fake Free London" nhận xét động thái của Pháp nhằm tuyên bố "Paris không muốn bị coi là thủ đô hàng giả của châu Âu".
Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn với các nhà mốt Pháp có thể đến từ sự ngần ngại của khách mua sắm nước ngoài khi ghé thăm Paris trong thời gian diễn ra Thế vận hội, thay vì giảm doanh thu vì hàng giả.
Tuần trước, Air France-KLM cảnh báo sẽ chịu thiệt hại lên đến 180 triệu euro vào mùa hè này, khi một số du khách nước ngoài tránh đến Paris. LVMH và các hãng đồ hiệu khác cũng thừa nhận không mong đợi có tăng trưởng doanh thu từ sự kiện thể thao này, nên có thể chuyến hướng tập trung hút khách tại các địa điểm khác.
"Các công ty hàng xa xỉ đang cho thấy rằng họ sẵn sàng chào đón người mua sắm ở những nơi ngoài Paris, từ Cote d'Azur đến Milan và các nơi khác", Luca Solca, nhà phân tích hàng xa xỉ tại công ty nghiên cứu và môi giới Bernstein bình luận.