Nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động
Dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng vừa khánh thành được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hệ thống thoát và xử lý nước thải của TP. Hồ Chí Minh, qua đó giúp nâng cao năng lực xử lý nước thải và giảm thiệt hại do ngập lụt, góp phần cải thiện môi trường nước nói riêng và môi trường đô thị nói chung.
Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh ngày 30/8/2024 đã tổ chức lễ khánh thành công trình mở rộng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng thuộc “Dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2”. Tham dự buổi lễ có ông Sugano Yuichi - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, đại diện của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản và các bên liên quan.
Trong dự án Cải thiện môi trường nước (giai đoạn 1) bắt đầu năm 2001, JICA hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Dự án đã hoàn thành vào năm 2009 với công suất 141.000 m3/ngày đêm, và Đại lộ Đông Tây (sau đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt) bao gồm hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, giúp cải thiện đáng kể cảnh quan giao thông và môi trường của thành phố.
Dự án giai đoạn 2 mở rộng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải tại lưu vực kênh Tàu Hũ với tổng diện tích khoảng 2.500 ha và dân số khoảng 1,8 triệu người. Dự án có tổng mức đầu tư là 11.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Nhật Bản là 9.850 tỷ đồng (chiếm 87% tổng mức đầu tư). Dự án hoàn thành với công suất xử lý nước thải đạt 469.000 m3/ngày đêm, tăng lên gấp 3 lần so với giai đoạn 1.
Các loại máy xử lý nước của Nhật Bản như máy thổi khí, máy khử nước ly tâm và máy cạo bùn cũng đã được đưa vào sử dụng trong nhà máy. Ngoài ra, mạng lưới thu gom bao gồm 51 km cống thu gom truyền tải đã được xây dựng, trong đó có 26 km thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm của Nhật Bản. Dự án còn xây dựng 3 trạm bơm thoát nước mưa và nạo vét xây kè kênh trong phạm vi dự án với tổng chiều dài 6,4 km. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là nhà máy có công suất lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tình trạng ngập lụt các tuyến đường chính vào mùa mưa và ô nhiễm nước ở các sông, hồ và kênh rạch là vấn đề gây nhức nhối có khả năng ngày càng trở nên trầm trọng trước sức ép từ việc gia tăng dân số. Tuy nhiên hạ tầng hệ thống xử lý nước thải tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Vì vậy, cải thiện hạ tầng hệ thống thoát và xử lý nước thải là việc cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết.
Dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực xử lý nước thải và giảm thiệt hại do ngập lụt, góp phần cải thiện môi trường nước nói riêng và môi trường đô thị của thành phố nói chung. JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh thực hiện các dự án trong lĩnh vực môi trường nước đô thị.
Tại sự kiện lễ khánh thành công trình mở rộng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, ông Sugano Yuichi - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đã có một số chia sẻ với báo chí.
Các ưu tiên trong hợp tác của JICA tại Việt Nam là gì, thưa ông?
JICA ưu tiên triển khai các dự án hợp tác trong 4 lĩnh vực: cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nhân lực, y tế, và đối phó với biến đổi khí hậu. Ở khu vực Nam Bộ bao gồm TP. Hồ Chí Minh, JICA cũng lấy những lĩnh vực này làm trọng điểm. Ví dụ như về lĩnh vực nước, dự án nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được khánh thành lần này là một trong những dự án tiêu biểu. Ngoài ra, JICA cũng đóng góp vào việc cải thiện hệ thống giao thông kết nối với khu vực lân cận của TP. Hồ Chí Minh thông qua dự án xây dựng đại lộ Đông Tây Sài Sòn trước đây.
Về khu vực sông Mekong - nơi dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chúng tôi đang thực hiện các hợp tác kỹ thuật tại Đại học Cần Thơ với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Tại tỉnh Bến Tre, JICA đang tiến hành các hợp tác vay vốn xây dựng các cửa cống để bảo vệ sản xuất nông nghiệp khỏi các tác động của xâm nhập mặn.
JICA dự định sẽ tiếp tục triển khai các dự án hợp tác trong những lĩnh vực ưu tiên kể trên lấy khu vực Nam Bộ làm trọng điểm.
Ông có thể chia sẻ về chiến lược hợp tác của JICA trong lĩnh vực xử lý nước thải tại Việt Nam?
Ngành thoát nước vẫn là lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác ODA của JICA tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã hỗ trợ cải thiện môi trường nước tại các thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Bình Dương và một số khu vực khác. JICA không chỉ cung cấp khoản vay bằng đồng Yên mà còn thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ các chương trình khác nhau của ngành.
Chúng tôi cũng xem xét một cách tiếp cận tổng hợp để kết hợp không chỉ xử lý nước thải và nước cống mà còn chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu và ngăn ngừa xâm nhập mặn theo định hướng của Chính phủ về phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Về mặt vĩ mô, chúng tôi đang hỗ trợ Bộ Xây dựng xây dựng cơ sở pháp lý cho việc quy hoạch và quản lý hiệu quả dịch vụ thoát nước thông qua việc xây dựng Luật Cấp, thoát nước đầu tiên, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Ông có mong đợi gì sau khi dự án này hoàn thành?
Chúng tôi tin rằng việc hoàn thành dự án này không chỉ góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước mà còn giảm đáng kể tình trạng ngập lụt ở khu vực phía Nam TP. Hồ Chí Minh.
Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác sâu hơn với TP. Hồ Chí Minh trong việc mở rộng mạng lưới thoát nước thải và tăng công suất xử lý nước thải, nhằm nâng cao phạm vi cung cấp dịch vụ và cải thiện điều kiện sống. Vì vậy, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với phía thành phố để chuẩn bị và triển khai dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố giai đoạn 3 trong thời gian tới.