Nhà Minh sụp đổ, bí ẩn 150.000 cẩm y vệ biến mất trong một đêm

Cẩm Y Vệ, tổ chức mật vụ khét tiếng của nhà Minh từng khiến triều đình khiếp sợ, đã biến mất bí ẩn sau khi nhà Minh sụp đổ. Số phận của 150.000 Cẩm Y Vệ đã đi về đâu?

Cẩm Y Vệ, cơ quan tình báo và mật vụ đầy quyền lực được thành lập bởi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, từng là nỗi kinh hoàng của quan lại và là biểu tượng cho sự chuyên chế của triều đại nhà Minh. Tuy nhiên, khi nhà Minh sụp đổ vào năm 1644, tổ chức này đã biến mất một cách bí ẩn, để lại nhiều câu hỏi về số phận thực sự của 150.000 thành viên Cẩm Y Vệ.

Theo Sohu, Cẩm Y Vệ ban đầu được Chu Nguyên Chương lập ra với mục đích giám sát và củng cố quyền lực hoàng gia. Dần dần, phạm vi quyền lực của Cẩm Y Vệ được mở rộng, vượt xa chức năng ban đầu. Đến thời Minh Thế Tông Gia Tĩnh, số lượng Cẩm Y Vệ đã phình to lên tới 150.000 vạn người, trở thành một bộ máy khổng lồ với quyền lực thao túng, lũng đoạn triều đình. Thậm chí, quyền lực của Cẩm Y Vệ còn vượt qua cả Đông Xưởng và Tây Xưởng, hai cơ quan mật vụ khác cũng đầy tai tiếng của nhà Minh.

Ảnh minh họa. (Sohu).

Ảnh minh họa. (Sohu).

Tuy nhiên, sự tồn tại và quyền lực của Cẩm Y Vệ gắn liền với vận mệnh của triều đại nhà Minh. Năm 1644, khi quân khởi nghĩa Lý Tự Thành chiếm kinh thành Bắc Kinh, Sùng Trinh Đế tự vẫn, nhà Minh chính thức sụp đổ. Cùng với sự sụp đổ của nhà Minh, 150000 Cẩm Y Vệ cũng biến mất một cách đột ngột và bí ẩn. Vậy, số phận thực sự của lực lượng mật vụ khổng lồ này đã đi về đâu?

Nhiều người cho rằng, phần lớn Cẩm Y Vệ đã tan rã theo sự sụp đổ của triều đình. Một bộ phận nhỏ có thể đã chiến đấu đến cùng và hy sinh trên chiến trường, số còn lại tự giải tán để bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, một chi tiết quan trọng ít được biết đến là phần lớn Cẩm Y Vệ, dưới sự chỉ huy của lãnh đạo cuối cùng là Lạc Dưỡng Tính đã lựa chọn đầu hàng và quy phục nhà Thanh. Lạc Dưỡng Tính sau đó còn được nhà Thanh trọng dụng, bổ nhiệm làm Tổng đốc Thiên Tân.

Sau khi tiến vào Trung Nguyên, nhà Thanh tiếp tục duy trì bộ máy hành chính của nhà Minh, trong đó có cả Cẩm Y Vệ, nhưng đã tiến hành cải tổ, thu hẹp quyền lực và thay đổi chức năng của tổ chức này. Cẩm Y Vệ thời Thanh không còn giữ vai trò giám sát và đàn áp như trước mà chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ hoàng đế. Về sau, Cẩm Y Vệ được đổi tên thành Loan Nghi Vệ và dần dần mất đi vị thế đặc biệt trong bộ máy triều đình.

Như vậy, Cẩm Y Vệ - tổ chức mật vụ khét tiếng từng tung hoành suốt hơn 200 năm lịch sử nhà Minh, đã chính thức khép lại vai trò lịch sử của mình khi triều đại này sụp đổ. Sự biến mất của Cẩm Y Vệ không phải là một sự tan rã hoàn toàn mà là một sự chuyển đổi, một phần tan rã, một phần quy hàng và tái cấu trúc dưới triều đại mới, đánh dấu một chương mới trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, những câu chuyện và bí ẩn xung quanh Cẩm Y Vệ vẫn tiếp tục là đề tài hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lịch sử và công chúng.

Bích Hậu (Theo QQ)

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hitech-xe/nha-minh-sup-do-bi-an-150000-cam-y-ve-bien-mat-trong-mot-dem-261877.htm