Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Âm nhạc trong Đạo Mẫu là di sản quý
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu (gọi là Đạo Mẫu) của người Việt Nam, theo tôi, âm nhạc có vai trò quan trọng hàng đầu. Âm nhạc góp phần tăng thêm hiệu quả cho việc lan tỏa tư tưởng và giáo lý cũng như việc thực hành các nghi lễ tín ngưỡng gắn liền với đạo, góp phần thêm tính tôn nghiêm đồng thời cũng tăng sức hấp dẫn cho những hoạt động nghi lễ tín ngưỡng.
Sự góp mặt của âm nhạc trong Đạo Mẫu với tiếng đàn nguyệt và tiếng trống phách làm chủ đạo về mặt dàn nhạc kết hợp cùng tiếng hát của các cung văn góp phần “thiêng hóa” không gian thờ tự và không khí của một buổi thực hành nghi lễ tín ngưỡng gắn liền với đạo này.
Đạo Mẫu hiện hữu ở khắp nhiều tỉnh, thành… Các hoạt động nghi lễ lại thường xuyên được diễn ra suốt bốn mùa trong năm, đặc biệt là hai tiết xuân và thu. Hát văn là thể loại âm nhạc được sinh ra để phục vụ nhu cầu thực hành các nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Hát văn được chia ra thành nhiều loại khác nhau, như hát thờ, hát thi, hát hầu và hát nơi cửa đền. Hát thờ thường được hát vào các ngày lễ tiết, tiệc thánh (thánh đản sinh, thánh hóa…) và hát trước khi bắt đầu các giá trong thực hành nghi lễ tín ngưỡng hầu đồng. Hát hầu được coi là trung tâm của hát văn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu. Hát hầu có những quy định và phân chia riêng các hàng thánh khác nhau nhưng có thể hiểu một cách đơn giản nhất phần này bao gồm các giá hầu, mỗi giá có nội dung nói về bậc thánh hiền đã được nhân dân ta xây dựng nên dựa trên quan niệm truyền thống, dựa vào việc tổng hợp hóa những nhân vật nổi bật có thật ở từ đời thường trong lịch sử dân tộc và “thánh hóa”. Trong khi đó, hát văn nơi cửa đền, cửa phủ là hình thức hát thường gặp tại các đền phủ trong những ngày xuân, ngày lễ hội. Không giống như hát văn trong các giá hầu, việc hát văn ở cửa đền, cửa phủ nhằm mục đích phục vụ khánh đi lễ.
Theo thời gian, âm nhạc trong hát văn ngày càng phong phú với một hệ thống làn điệu bao gồm: Bỉ, miễu, thổng, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, vãn, đưa thơ, dọc, cờn, xá, hãm, dồn, hát sai… Ngoài ra, hát văn còn khai thác một số thể loại, làn điệu vùng miền khác như ca trù, hát then, hò Huế… Thành phần dàn nhạc của hát văn cũng phong phú với đàn nguyệt, trống ban (trống con), trống đế, phách, cảnh, thanh la, trống cái, sáo, chuông mõ, có khi sử dụng cả đàn nhị, kèn bầu, đàn bầu... Bên cạnh đó, một thành tố hết sức quan trọng tạo nên giá trị của hát văn đó là thơ ca. Thơ ca sử dụng trong hát văn gắn liền với các thể thất ngôn, song thất lục bát, lục bát, nhất bát song thất… Lời thơ có nội dung ghi khắc công ơn lớn lao của vị thánh, kể sự tích các vị thánh góp phần tôn vinh công đức vị thánh, đồng thời còn tả cảnh và xin được ban ơn phù hộ.
Dù chứa đựng trong mình nhiều giá trị cả về nghệ thuật cũng như văn hóa nhưng hát văn cũng đã gặp nhiều thăng trầm, nhất là khoảng giữa thế kỷ XX. Trong giai đoạn này, dù không được thể hiện ở không gian diễn xướng gắn liền với nó là các cuộc hầu đồng ở đền, phủ nhưng các nghệ nhân ở Hà Nội cũng như nhiều vùng khác như Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh… vẫn âm thầm duy trì tiếng đàn lời ca, không những thế còn truyền dậy lại cho các thế hệ trẻ. Những nghệ nhân tiêu biểu trong giai đoạn đó ở Hà Nội có cụ Phạm Văn Khiêm, Hoàng Trọng Kha, Lê Bá Cao… Nam Định có cụ Bùi Trọng Đang, Kim Liên Thế Tuyền… Các lứa học trò từ giai đoạn đó và sau này trở thành những nghệ nhân tài ba của nghệ thuật hát văn có NSƯT Văn Ty, Lương Trọng Quỳnh…
Nếu như các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc hiện nay hầu như đều không tạo được sự chú ý của đông đảo giới trẻ và thường đứng trước nguy cơ mai một thì hát văn lại hoàn toàn ngược lại. Đây là loại hình đang thu hút được đông đảo bạn trẻ tham gia, và số lượng tham gia ngày một đông hơn. Tuy vậy không có nghĩa hát văn không có những tồn tại cần được nhìn nhận.
Mấy năm gần đây tôi thường nhận được lời mời tham dự các cuộc thi đàn nguyệt và hát văn hay các buổi tọa đàm và trình diễn hát văn. Khá thú vị vì ở các cuộc thi hầu như do một trung tâm tư nhân nào đó đứng ra tổ chức và các thí sinh tham dự hầu như phải tự túc đi lại, ăn ở. Tương tự, các buổi tọa đàm và trình diễn giao lưu thì các nghệ nhân có danh tiếng ở một vùng làm nhân vật chính còn người tham dự là những “tín đồ” của nghệ thuật hát văn, hầu hết là các bạn trẻ muốn tìm hiểu nghệ thuật này. Trong khi những bạn thí sinh hay khán giả trẻ này không chỉ đến từ Hà Nội mà còn ở các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định… Và hầu hết đều đang theo nghề hát văn tại địa phương.
Như thế, đương nhiên là niềm mơ ước lớn của các nghệ thuật truyền thống khác, nhưng vấn đề của hát văn lại nằm ở chỗ, người trẻ không chí thú trong việc gìn giữ các nề nếp hát văn cổ truyền, không hào hứng quá trình học tập cơ bản mà muốn “đốt cháy giai đoạn”. Vì thế mà chất lượng của cung văn ngày nay đang là một vấn đề đáng báo động. Trong khi đó, mối quan ngại lại tăng theo cấp số nhân khi ngay cả các thanh đồng cũng không nhiều người thích nghe và diễn xướng theo đúng lề lối truyền thống, thậm chí nhiều thanh đồng còn thích nghe những giai điệu tân thời, vì thế mà ngày nay không khó bắt gặp một giai điệu kiểu “Hôm qua em đi chùa Hương, hoa cỏ còn mờ hơi sương…” nhưng có thể đúng theo lời nguyên bản, có thể chế lời mới phù hợp với bản văn hoặc sở thích của thanh đồng. Sáng tạo là điều đáng khuyến khích bởi nó cần phải có để góp phần duy trì và phát triển một nghệ thuật giúp nó tồn tại và đáp ứng được nhu cầu của người nghe mỗi thời đại, nhưng sáng tạo quá trong khi không nắm chắc lề lối truyền thống lại trở thành tác nhân phá hoại các giá trị truyền thống. Mà điều này đã hiển hiện trong hát văn, không còn ở mức độ cá biệt mà tương đối phổ biến.
Việc “học thật nhanh để còn đi làm kiếm tiền” không gì là xấu, nó có phần chính đáng đối với các bạn trẻ. Việc chiều lòng khán giả, ở đây là các thanh đồng, cũng là một lẽ tự nhiên của nghệ thuật trong mối quan hệ cung - cầu. Vấn đề ở đây là làm sao để các bạn trẻ khi muốn lấy hát văn làm một nghề cho cuộc đời mình thì cần có ý thức học tập một cách bài bản. Trong khi thông qua hát văn dù vẫn còn những tồn tại, nhưng nó lại giúp các nhà hoạch định chính sách về văn hóa, ngành văn hóa nhìn thấy một điều, muốn nghệ thuật truyền thống thực sự tồn tại trong đời sống thì phải tạo cho nó một nhu cầu. Có nhu cầu ắt có cung cấp. Và đối tượng nhắm đến ở đây phải là giới trẻ, tạo ra nhu cầu thu hút giới trẻ, tạo nên thu nhập ổn định để họ có thể tồn tại bằng nghề mới thực sự là sự phát triển bền vững của một giá trị văn hóa truyền thống trong ngôi nhà chung văn hóa Việt Nam.
Như vậy, có thể nói rằng âm nhạc có vị trí hết sức quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Âm nhạc hát văn gắn liền với đạo Mẫu là một kho tàng vô giá của dân tộc về âm nhạc. Nó đã được hình thành từ trong lịch sử dân tộc, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng cho đến tận ngày nay, âm nhạc nói riêng đạo Mẫu nói chung vẫn thể hiện được tầm quan trọng của mình, cả về nhu cầu trong đời sống tâm linh, giải trí cũng như giải quyết nhu cầu về việc làm của một bộ phận giới trẻ.