Nhà nghiên cứu tuổi 33 khám phá 'mật bổn'
Nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ khiến nhiều độc giả bất ngờ khi công bố cuốn sách Mật bổn - Những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại gần 500 trang.
Nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ sinh năm 1988 tại xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Sau khi có bằng cử nhân Lịch sử, nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ tham gia Hội Khoa học lịch sử An Giang và ra mắt nhiều công trình có giá trị.
Sau hai cuốn sách Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới và Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - Từ danh tướng đến tôn thần, nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ tiếp tục công bố cuốn sách Mật bổn - Những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại gây hứng thú cho độc giả nhiều lứa tuổi.
Khái niệm “mật bổn” phải hiểu như thế nào? Theo nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ, ở đâu đó bên ngoài chính sử và đằng sau chính sử hãy còn những sự thật đã bị vùi lấp đi, những sự thật đó gọi là “mật bổn”. Bởi tư tưởng hay lý do nào đó, người chép sử ở một thời kỳ nào đó đã quyết định bỏ qua nó. Hoặc nếu không thể thì thay thế chúng bằng một cách diễn giải khác, một lời kể khác.
Với góc nhìn như vậy, cuốn sách Mật bổn - Những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại của nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ thu hút sự chú ý từ đám đông tò mò lẫn giới chuyên môn. Sự thú vị và sự khác biệt là một thành công ban đầu của nhà nghiên cứu 33 tuổi này, khi chia cuốn sách Mật bổn - Những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại gồm hai phần quan trọng.
Phần thứ nhất, không nói về lịch sử, mà đề cập đến công việc của những người chép sử. Thay vì bàn luận về các sự kiện, nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ đưa độc giả thử dạo qua thư phòng của các sử gia. Ở đó, ta thấy hình ảnh họ đang ngồi trong một căn phòng bề bộn, xung quanh chất đầy tư liệu, cân nhắc xem nên viết những gì. Câu chuyện do mỗi người viết sử ngồi trong những căn phòng khác nhau, nên tất yếu không giống nhau và ngày càng chất đầy thêm các chi tiết. Đó chính là cách mà lịch sử đã hình thành ở trên nền sự thật, giống như những bông hoa mọc lên từ gốc rễ.
Phần thứ hai, nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ đi ngược lại con đường mà tiền nhân đã đi qua. Hành trình thứ nhất là hành trình đi từ bản kể đầu tiên đến lời kể hiện đại. Còn hành trình thứ hai, đi ngược từ hiểu biết hiện đại để truy tìm bản kể đầu tiên và cả những điều bị che giấu đằng sau bản kể đầu tiên.
Bất kể là hành trình thứ nhất hay hành trình thứ hai, độc giả vẫn có thể tiếp cận với những cách nhìn nhận lịch sử không giống với những gì trước đây mọi người vẫn biết, vẫn nghĩ.
Không ngại đụng chạm những “thâm cung bí sử” rất được độc giả quan tâm, cuốn sách Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại của nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ, do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành, đề cập nhiều câu chuyện vẫn còn một số hoài nghi như: Ai giết Thi Sách? Nỏ Thần hay Mahabharata? hoặc Triệu Quang Phục hay An Dương Vương? Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến những vụ án “oan uổng có cớ” như Vụ án Lê Văn Thịnh, Vụ án Trần Nguyên Hãn, Vụ án Lệ Chi Viên, Vụ án trung quân Nguyễn Văn Thành…
Nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ cho rằng, cuốn sách Mật bổn - Những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại không có mục tiêu nói khác đi hay nhìn nhận khác đi về lịch sử, mà mục tiêu cuối cùng là truy tìm sự thật. Cái mà tác giả đưa ra là quan điểm, mà quan điểm thì đòi hỏi phải bị thử thách, phải được thảo luận không ngừng và suy nghĩ không ngừng. Chỉ có như thế thì lịch sử mới không bao giờ “chết”.
Đặc biệt, nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ đã mạnh dạn khảo sát khoảng mờ giữa chính sử và huyền sử, bằng cách so sánh những tư liệu khác nhau. Ví dụ, khi đề cập đến giai đoạn lịch sử có dấu vết Triệu Đà, nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ đã trưng ra tư liệu đối chiếu giữa Lĩnh Nam chích quái, Truyện dân gian Lào và Truyện dân gian Hà Nhì.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/268811/nha-nghien-cuu-tuoi-33-kham-pha--mat-bon.html