Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Ý nghĩa đẹp đẽ của lễ hội đang bị lấn át
Tháng Giêng, rất nhiều lễ hội trong cả nước đã khai hội. Mùa lễ hội năm nay được dự báo sẽ thu hút số lượng lớn người dân, du khách trong và ngoài nước tham dự bởi sau 2 mùa ngưng tổ chức do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, sự trở lại của các lễ hội tiếp tục đặt ra những vấn đề xoay quanh việc giữ gìn giá trị của lễ hội truyền thống và những vấn nạn còn tồn tại trong lễ hội. Dịp này, PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội).
PV: Sau những mùa lễ hội bị dừng, hoãn để đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19, mùa lễ hội năm nay đang diễn ra sôi động tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Từ góc nhìn của mình, theo ông, làm thế nào để giữ gìn giá trị của lễ hội truyền thống?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Để giữ gìn giá trị của lễ hội truyền thống, trước hết cần hiểu lễ hội là một thực thể vận động bất tận, tùy thời, tùy nghi. Trong đó, giá trị cộng đồng, giá trị trình diễn, giá trị của nét đẹp dân tộc là bền vững, bất biến. Các hành vi cụ thể thì ngoài một số quy ước về ngày, lễ cúng tế có thể tận dụng để tái lập lễ hội gần với truyền thống nhất, còn lại có thể linh hoạt thích ứng với thời đại.
Lễ hội truyền thống có cả một hệ giá trị đáng quý rất cần bảo tồn, phát huy, phát triển. Từ đó cho thấy lễ hội là một thực thể luôn luôn vận động. Trong sự vận động đó, cái tồn tại lâu bền nhất như sợi chỉ đỏ chính là hệ giá trị của lễ hội, còn hành động của lễ hội có thể bảo lưu và cũng có thể thay đổi. Để giữ được giá trị của lễ hội truyền thống ở thời điểm hiện tại cũng như giữ các giá trị đó tồn tại song hành cùng thời gian, chúng ta cần bảo tồn được tinh hoa của hệ giá trị truyền thống, bên cạnh đó không quên tiếp nhận có chọn lọc những giá trị hiện đại. Trên thực tế hiện nay, cần có những thiết chế định hướng, kế hoạch cụ thể và có những người thực thi có năng lực, có sự tận tụy và hiệu quả trong công việc thì mới có thể bảo tồn, phát huy và quảng bá lễ hội truyền thống. Đặc biệt nhất là cần thấu hiểu cốt lõi, ý nghĩa và giá trị của lễ hội. Đối với những yếu tố liên quan đến phần lễ, các nghi thức tâm linh cần có sự tham gia góp ý của các nhà chuyên môn trước khi triển khai; về phần hội cần làm đúng bản chất của hội. Nhiều lễ hội đã có những bổ sung mới như các hoạt động múa rồng, trò chơi cờ tướng, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật... phù hợp với thực tế thì rất đáng hoan nghênh. Còn về phía cộng đồng nếu có phương hướng đúng, có kế hoạch đúng thì cộng đồng sẽ đồng thuận và thực thi.
Ngoài những lễ hội mang yếu tố gắn kết cộng đồng, hướng đến những giá trị văn hóa tinh thần đích thực thì có những lễ hội bị lợi dụng để làm thương mại hay biến tướng theo chiều hướng cực đoan, mang màu sắc mê tín dị đoan... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đi lễ hội quan trọng nhất là tâm thế. Đến hội là để vui, để được hưởng thụ. Nên trước hết mỗi người dân cần có tâm thế tôn trọng lẫn nhau khi lễ hội. Đến lễ hội không quá chén, để tránh các hệ lụy. Chúng ta cúng dường, cung tiến cho lễ hội… nhằm thể hiện sự từ tâm, tử tế. Với tâm thế đó, đến bất cứ lễ hội nào chúng ta cũng tìm thấy niềm vui, sự hưởng thụ, khám phá lễ hội một cách trọn vẹn nhất.
- Tình trạng lạm dụng lễ hội nhiều năm đã trở nên báo động ở nhiều địa phương, thậm chí có cả ở cấp tỉnh và cả cấp quốc gia. Sự lạm dụng này biểu hiện trên nhiều mặt khác nhau, cả ở phía người tổ chức, chủ thể lễ hội, và cả ở khách đi hội. Điều đó làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát.
Hiện nay không ít lễ hội nghiêng về tính thương mại, chưa kể có những nhóm lợi ích đã tạo ra nhiều tiêu cực trong lễ hội. Điều này gây ra sự phản cảm, khiến cho tinh thần, tính chất của lễ hội mất đi một cách đáng tiếc. Nhiều lễ hội mục tiêu kinh doanh đang lấn át ý nghĩa đẹp đẽ của lễ hội. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, tục ép rượu, hiện tường cờ bạc, mê tín, xin xăm, xin quẻ, bói toán cũng xuất hiện trong không gian lễ hội. Bên cạnh việc lợi dụng tổ chức lễ hội để kinh doanh, thì do sự du nhập không có chọn lọc nên hiện tượng mê tín dị đoan đang gia tăng và đã tích lũy vào lễ hội. Phải nhấn mạnh hiện tượng này chỉ diễn ra ở một số lễ hội. Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng nhưng chúng ta bài trừ mê tín dị đoan bởi mê tín không làm cho xã hội phát triển theo hướng văn minh. Tuy nhiên, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín là rất mong manh. Chính vì vậy, người ta thường dễ dàng lợi dụng mê tín với nhiều mục đích khác nhau.
Luật pháp của chúng ta đã quy định rất rõ về bài trừ mê tín dị đoan, chính vì vậy, ở mỗi lễ hội, chúng ta phải gia tăng yếu tố nghệ thuật, yếu tố văn minh, lễ nghĩa, truyền thống văn hóa vào lễ hội để tích cực bài trừ mê tín. Vấn đề này đã được chúng ta nhận ra và đang điều chỉnh dần dần, tuy nhiên do số lượng lễ hội, số lượng người tham gia lớn và phức tạp nên việc điều chỉnh là không đơn giản.
Thời gian qua, có một số lễ hội của nước ngoài du nhập vào Việt Nam, theo ông chúng ta cần ứng xử như thế nào cho phù hợp?
- Tiếp biến là một thuộc tính của văn hóa trên toàn thế giới. Nhờ giao lưu và tiếp biến mà các thành tựu văn hóa trở thành tài sản chung cho mọi cộng đồng khác nhau. Tuy nhiên, bất cứ sự tiếp biến văn hóa nào đều có “tiếp” và đều có “biến”. “Tiếp” cái gì và “biến” cái gì. Nội năng của một nền văn hóa cũng giống như cơ địa một con người. Các văn hóa ngoại nhập cũng giống như tác động của thức ăn, của nước uống, của ánh sáng và khí hậu đến các cá thể. Cơ địa khỏe mạnh có thể tiêu hóa, có thể thích hợp với nhiều điều kiện, cơ thể yếu ớt thường dễ dị ứng với các hoàn cảnh dưỡng sinh, không làm người ta khỏe mạnh mà lại gây nên tật bệnh.
Để các lễ hội mới du nhập phù hợp và tương thích với văn hóa trong nước, theo tôi cần có người viết kịch bản lễ hội theo ngôn ngữ văn hóa của Việt Nam. Tất cả những gì phản cảm sẽ bị loại bỏ, không chiều theo thị hiếu hiếu kỳ của đám đông. “Tiếp” cái tốt và “biến” lễ hội thành giá trị nhân văn.
Tôi không tẩy chay các lễ hội du nhập mà tôi muốn biến nó thành những giá trị tốt đẹp. Thời nào cũng có thể tạo nên giá trị truyền thống cả. Hôm nay tiếp thu giá trị, phát triển chân - thiện - mĩ để làm truyền thống cho mai sau. Lịch sử văn hóa vẫn vận hành như thế.
Các lễ hội hiện nay có xu hướng được tổ chức với quy mô lớn. Vậy theo ông, khi tham gia các lễ hội, người dân cần lưu ý điều gì?
- “Đông như hội” mỗi người một kiểu, mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi kỳ vọng, mỗi ứng xử khác nhau. Lễ hội đó là thời điểm để con người giải tỏa, nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống, tái sản xuất sức lao động qua chuỗi ngày dài vất vả kiếm sống. Chơi hội, vui hội sẽ đáp ứng nhu cầu hạnh phúc trong nghỉ ngơi, thụ hưởng thành quả lao động của chính mình.
Đi lễ hội quan trọng nhất là tâm thế. Đến hội là để vui, để được hưởng thụ. Nên trước hết mỗi người dân cần có tâm thế tôn trọng lẫn nhau khi lễ hội. Đến lễ hội không quá chén, để tránh các hệ lụy. Chúng ta cúng dường, cung tiến cho lễ hội… nhằm thể hiện sự từ tâm, tử tế. Với tâm thế đó, đến bất cứ lễ hội nào chúng ta cũng tìm thấy niềm vui, sự hưởng thụ, khám phá lễ hội một cách trọn vẹn nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!