Nhà ngoại giao tài giỏi bậc nhất sử Việt, hoàng đế Trung Hoa cũng phải nể phục

Dưới thời vua Quang Trung, một vị mưu sĩ mỗi lần đi sứ đều được vua Càn Long và triều thần nhà Thanh nể phục, hết lời khen ngợi.

Ông chính là Ngô Thì Nhậm (1746-1803), con đầu của Ngô Thì Sĩ, quê ở làng Tó, huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Năm 1775, Ngô Thì Nhậm đỗ tiến sĩ, làm quan tại triều Lê - Trịnh giữ chức Hộ khoa cấp sự trung, trông coi các công việc chi tiêu thuế khóa.

Năm 1786, Tây Sơn ra Bắc Hà dẹp Trịnh, Ngô Thì Nhậm được giới thiệu với Nguyễn Huệ. Ông rất được trọng dụng, phong chức Tả thị lang Bộ Công, tước Tình Phái hầu, cùng Ngô Văn Sở ở lại Thăng Long ổn định tình hình Bắc Hà. Từ đây, Ngô Thì Nhậm thực sự phát huy hết tài năng, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc khiến vua Càn Long nể phục. (Ảnh minh họa)

Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc khiến vua Càn Long nể phục. (Ảnh minh họa)

Lúc bấy giờ, được tin nhà Thanh cho 29 vạn quân sang xâm lược nước ta, Ngô Thì Nhậm chủ động đề xuất ý kiến rút quân ra khỏi Thăng Long vào Thanh Hóa (bao gồm Ninh Bình và Thanh Hóa), lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, đợi Nguyễn Huệ ra phối hợp phản công. Ông cũng viết chiếu lên ngôi cho Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) gửi vào Phú Xuân.

Đúng như dự kiến của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung dừng chân ở Tam Điệp, lấy Tam Điệp làm điểm xuất phát tấn công tiêu diệt quân Thanh ở Ngọc Hồi - Đống Đa. Đánh giá về công lao của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung nói với tướng sĩ: “Các người đều là chiến tướng, tự nhiên gặp giặc là đánh, mà lâm cơ cần ứng biến thì không đủ tài. Mấy tháng trước, ta phải để Ngô Thì Nhậm ở lại, cộng sự với các ngươi, chính là lo sẵn cho chỗ đó”.

Không chỉ trên lĩnh vực quân sự, Ngô Thì Nhậm góp công lớn vào thắng lợi bang giao của nhà Tây Sơn. Vốn là người văn chương nức tiếng bấy giờ, phần lớn các thư từ bang giao giữa nước ta và nhà Thanh đều do chính tay ông soạn thảo.

Những văn kiện ngoại giao của Ngô Thì Nhậm thể hiện rõ nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, danh dự quốc gia với các chính sách mềm dẻo, linh hoạt, cứng rắn. Ngoài ra, Ngô Thì Nhậm hai lần đi sứ sang nhà Thanh vào những dịp rất quan trọng, khoảng các năm 1790, 1792.

Theo sách "Nhà Tây Sơn", ngay sau khi quét sạch quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung nhận định: "Nước lớn gấp 10 lần nước ta, thua một trận ắt nhục mà báo thù. Đến lúc ấy chỉ có người khéo đường từ lệnh mới dập tắt được lửa chiến tranh. Ngoài Ngô Thì Nhậm, không ai làm nổi".

Sau đó, vua nói với Ngô Thì Nhậm: "Hai nước đánh nhau chỉ làm dân thống khổ. Nếu dùng lời khéo léo để tránh binh đao, việc ấy nhờ khanh chủ trương mới được".

Nhận lệnh vua, Ngô Thì Nhậm tận lực vì sứ mệnh lớn lao đó. Chỉ trong khoảng một năm, ông ba lần lên ải Nam Quan, thảo hàng chục thư biểu, công văn với lời lẽ vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, để biến cuộc đối đầu gươm súng giữa Tây Sơn và nhà Thanh thành cuộc bang giao hữu hảo.

Theo các tư liệu lịch sử gi chép, trong cả hai lần đi sứ sang Trung Quốc, bằng tài ngoại giao kiệt xuất, Ngô Thì Nhậm đều được vua Càn Long và triều thần nhà Thanh nể phục, hết lời khen ngợi, ban thưởng cho nhiều vật phẩm có giá trị.

Ngô Thì Nhậm hội tụ đầy đủ phẩm chất của người trí thức lỗi lạc với những cống hiến lớn trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học. Ông còn để lại di sản văn chương đồ sộ gồm trên 600 bài thơ và 15 tác phẩm.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nha-ngoai-giao-tai-gioi-bac-nhat-su-viet-hoang-de-trung-hoa-cung-phai-ne-phuc-ar920628.html