Nhà nổi, nhà hàng trái phép đua nhau mọc trên sông Hồng
Từ chân cầu Thăng Long tới khu vực chân cầu Vĩnh Tuy là hàng loạt các nhà hàng, nhà nổi đua nhau 'mọc' trên mặt sông Hồng. Sự việc sai phạm đã rõ như ban ngày nhưng việc xử lý lại quá chậm chạp.
Chậm xử lý
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, khu vực chân cầu Long Biên thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội đang tồn tại 3 nhà hàng nổi Sông Hồng View, Phương Linh và Bếp Ngư Ông. Cả ba nhà hàng nổi này đều có quy mô rất lớn, sức chứa lên tới hàng trăm khách. Và, đáng nói, cả ba nhà hàng nổi này đều xây dựng đường dẫn lên xuống kiên cố dù không được phép.
Theo tìm hiểu, cả ba nhà hàng nổi này đều không hề có bất kỳ giấy phép hoạt động nào, thậm chí, các phương tiện hoán cải có đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật không, có an toàn cho người ở trên hay không thì ngay cả chính quyền sở tại cũng không hay biết. Thêm vào đó, cả 3 nhà hàng có quy mô lớn này đều không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, thế nên nước thải dầu, mỡ từ hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống cũng xả thải thẳng ra sông Hồng.
Từ tháng 5/2019 đến đầu tháng 7/2019, khu vực bến thủy nội địa Chương Dương có nhiều đoàn kiểm tra như của Cảng vụ đường thủy nội địa Hà Nội, Thanh tra GTVT Hà Nội… nhưng lại không hề ghi nhận vi phạm tại đây. Thậm chí, Biên bản kiểm tra của Cảng vụ Đường thủy nội địa Hà Nội lập ngày 1/7 vừa qua cũng không hề nhắc đến hoạt động kinh doanh nhà hàng cũng như vi phạm nghiêm trọng của nhà nổi Trường Thành (nhà nổi hết hạn đăng kiểm từ tháng 12/2018).
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Nguyễn Quốc Văn thừa nhận, cả ba nhà hàng nổi trên đều không có phép cũng như bất kỳ giấy tờ nào. Cả ba nhà hàng này tồn tại từ đầu năm 2019, trong đó một nhà hàng nổi chuyển đổi từ một hộ nuôi cá lồng. Ông Nguyễn Quốc Văn cũng cho biết, vào tháng 5/2019 vừa qua, UBND phường cũng đã kiểm tra, lập biên bản, nhưng các hộ cho xin thời gian khắc phục. Vừa qua, do các hộ không tự giác khắc phục nên phường đã tiến hành “cô lập” mọi hoạt động như cắt điện, nước, yêu cầu tháo dỡ biển hiệu quảng cáo. “Thẩm quyền xử lý các nhà hàng nổi này thuộc về lực lượng chuyên ngành đường thủy. Phường cũng đã báo cáo UBND quận Long Biên hỗ trợ xử lý và cũng rất mong các lực lượng hỗ trợ phường để xử lý vụ việc cho dứt điểm” - ông Văn bày tỏ.Đồng thời lãnh đạo phường cũng nhận thấy trách nhiệm của chính quyền sở tại khi để xảy ra vi phạm kéo dài, không ngăn chặn ngay từ ban đầu.Mập mờ trách nhiệmKhu vực từ KM180+45 - Km180+600, bờ hữu sông Hồng khu vực bến Chương Dương Độ, phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) cũng đang tồn tại hàng loạt nhà nổi, nhà thuyền. Trong đó có khu nhà hàng nổi Kiều Gia, kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô lớn. Từ cổng nhà hàng này đi khoảng 10m trên cầu tàu là công trình nhà nổi có diện tích hơn trăm mét vuông; kế ngoài là một công trình khác đang trong quá trình xây dựng trên phương tiện thủy neo cố định.Cách khoảng 20m xuôi về phía hạ nguồn xuất hiện một công trình nhà nổi khác đã hoàn thiện treo tấm biển Nhà hàng Kiều Gia. Khu nhà nổi này dựng 2 tầng, có các phòng riêng, khu vui chơi cho trẻ em; quảng cáo có sức chứa 400 khách. Theo tìm hiểu, khu nhà hàng nổi này do Công ty CP Thăng Long GTC liên danh, liên kết khai thác với một số đơn vị khác quản lý như Công ty TNHH Du lịch và thương mại Trường Thành, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Kiều Gia. Xuôi về phía hạ nguồn là công trình kiểu “biệt phủ” Hoàng Kim của Công ty CP Hoàng Kim, đang được sử dụng làm trụ sở làm việc.Ngày 1/7 vừa qua, UBND phường Chương Dương đã có buổi làm việc với các công ty: Thăng Long GTC, Trường Thành về nhà hàng nổi Kiều Gia. Tại đây, ông Lê Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Trường Thành cho biết, đơn vị có một ụ nổi và một nhà nổi đang hoạt động kinh doanh tại bến thủy nội địa Chương Dương. Phía liên danh thừa nhận, quá trình sử dụng bến thủy nội địa Chương Dương có nhiều lúc quá diện tích mặt nước được cấp phép. Ngoài ra, còn xây dựng cầu phao để đưa đón khách lên xuống nhà nổi với diện tích 90m2 khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.Theo tìm hiểu, bến thủy nội địa Chương Dương được Sở GTVT Hà Nội cấp phép gia hạn cho Công ty CP Thăng Long GTC từ ngày 22/6/2019 - 21/6/2020. Kết cấu quy mô là bến nổi, mục đích sử dụng là đón trả khách du lịch. Tuy vậy, Công ty Thăng Long GTC và Kiều Gia có được kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống tại khu vực bến thủy nội địa Chương Dương hay không thì chưa được đơn vị chức năng nào làm rõ.Trong khi đó liên quan đến “biệt phủ” nhà riêng Hoàng Kim, theo tìm hiểu, Công ty TNHH Phụ tùng Hoàng Kim được Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cấp thỏa thuận sử dụng vùng nước đường thủy nội địa tại vị trí đang neo đậu, nhưng đã hết hạn từ giữa năm 2015. Đặc biệt, khu nhà nổi dạng “biệt phủ” bề thế ngay trên sông Hồng, thuộc địa bàn phường Chương Dương, Hoàn Kiếm này đã tồn tại cả chục năm nay và đã hết hạn đăng kiểm từ năm 2013, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn còn tồn tại như thách thức cơ quan chức năng cùng dư luận.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nha-noi-nha-hang-trai-phep-dua-nhau-moc-tren-song-hong-348009.html