Nhà nông… ngày hạ
Trời vào hạ nắng như đổ lửa, đến thở thôi với nhiều người cũng thấy mệt. Vậy nhưng với những người làm nông như bố mẹ tôi, đây cũng là thời điểm tất bật 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' bận rộn nhất trong năm.
Nắng nóng khiến lúa chín nhanh hơn. Mới hôm nào vừa “uốn câu” mà đã “vàng trứng cá” rồi thì cả cánh đồng làng vàng rực báo hiệu một vụ mùa bội thu. Mẹ tôi đi thăm đồng về bảo, đợi vài bữa nữa có máy gặt về là thu hoạch được, đến bây giờ chỉ sợ nhất chẳng may có mưa dông khiến lúa đổ rạp, còn không thì xem như vụ này đã “chắc ăn” rồi.
Tôi nhớ đến tuổi thơ mình, với những mùa hạ đổ lửa đã qua. Ngày ấy, nhà tôi nghèo hay nói đúng hơn, làng tôi nhà nào cũng nghèo. Vậy nên tài sản nhà nông ngoài bồ lúa thì chỉ có duy nhất hai chiếc xe thồ, vài cái cuốc, liềm…
Mùa này, mỗi khi đến ngày thu hoạch lúa, bố mẹ tôi đều phải dậy từ tinh mơ để ra đồng. Người cắt, người bó rồi vác lên bờ ruộng xếp dồn đống. Cắt đủ hai xe thồ nhỏ thì mặt trời cũng đã đứng bóng, nắng chang chang như thiêu đốt. Tôi ở nhà cơm nước xong thì chạy ra đồng xúm với mẹ đẩy xe. Nhớ có lần, mẹ tôi đang “lái” xe thồ đi trên đường đồng thì loạng choạng mất lái rồi cả xe lúa đổ kềnh xuống mương. Mẹ tôi mặt đỏ gay, mồ hôi rơi lã chã và đến bây giờ tôi vẫn không biết được, bao nhiêu giọt nước rớt xuống lúc đó là nước mắt bất lực của người phụ nữ lam lũ. Nhìn cả xe lúa đổ xuống mương, mẹ tôi thẫn thờ, gương mặt rủ xuống như kiệt sức. Bố tôi phải chống xe một chỗ, quay lại gọi thêm vài người xuống giúp mẹ. Phải quá trưa mới có thể kéo được xe lúa lên nhưng rồi lúa rụng mất nhiều quá. Mẹ tôi xót xa nhìn những “đon” lúa chỉ còn lại trơ cọng…
Vậy nhưng vất vả không chỉ có thế. Nếu chẳng may gặp những năm trời mưa suốt nhiều ngày, lại có gió lớn khiến lúa bị đổ nằm rạp xuống nước mới thực sự ám ảnh. Cũng vì lúa đã chín lại bị ngâm nước nhiều ngày nên chẳng thể bỏ liều. Cả cánh đồng mênh mông nước, mỗi nhà một chiếc thuyền nhỏ, vớt được ít lúa nào lại cho lên thuyền kéo lên bờ để ráo nước mới chở về nhà. Dù rằng, lúa bị ngập nước như vậy ăn không còn ngon, giá trị chẳng còn bao nhiêu nhưng người nông dân nào có nỡ bỏ đi. Lúa thu hoạch về nhà rồi lại phải lo tuốt lúa, bốc rơm… hôm nào cũng đến tối khuya. Đến ngày hôm sau còn phải tranh thủ phơi phóng cho kịp trời nắng.
Sáng sớm, nhìn ráng hồng ở phía Đông, người nông dân có thể đoán định thời tiết ngày hôm đó. Trời càng nắng, phơi lúa càng nhanh khô. Nhưng để lúa nhanh khô thì việc “trăn trở” cũng phải thường xuyên lắm. Cứ chốc chốc, lại phải ra sân “đi” lúa. Rồi thì giữa trưa, mẹ tôi lại ra giữa trời cào lúa thành từng vạt nhỏ để sân phơi được nhanh khô. Mẹ bảo, nếu không cào thì sân bị hấp hơi nước. Vậy mới nói, dù ai đó có tranh thủ trời nắng để nghỉ ngơi nhưng còn người nông dân lại tranh thủ lúc nắng để làm việc. Vất vả là thế, mà ngày ấy chẳng ai bỏ ruộng.
Nhà nông mùa này quả làm không hết việc. Lúa chỉ mới vừa về nhà thì lại phải lo làm đất, gieo mạ cho kịp thời vụ. Rồi thì cả lạc, ngô cũng đã đến lúc thu hoạch… nhà nào cũng phải nhanh nhanh gắng sức. Vậy nên, dẫu nắng đến nhường nào thì những ngày này, nhà nông cũng chẳng ai mong mưa. Bởi chỉ một cơn mưa bất chợt thôi là vất vả gấp bội…
Cứ như thế, tuổi thơ tôi đi qua những mùa hạ bận rộn với việc nhà nông. Cũng nhờ những vất vả với lúa, ngô, khoai, sắn mà chị em tôi lớn lên cùng những chắt chiu của bố mẹ. Nhớ lại những tháng ngày tuổi thơ, những mùa hè bỏng rát để thấy sự vất vả mưu sinh của bố mẹ trân quý nhường nào.
Cũng may, cơ giới hóa, máy móc khiến cho sức người lam lũ đỡ đi ít nhiều. Vậy nhưng thực sự, người nông dân vẫn còn vất vả nhiều lắm, thu nhập lại chẳng được là bao so với nhiều ngành nghề. Vậy nên dễ hiểu vì sao ngày càng nhiều người… bỏ ruộng. Suy cho cùng, gắn bó với ruộng đồng hay bỏ ruộng, thì đó rốt cuộc cũng chỉ là lựa chọn mưu sinh.
Đi trên con đường làng thơm hương lúa ngày hạ tôi nhớ đến tuổi thơ mình. Và rồi ước, có một ngày dù vẫn vất vả, cực nhọc nhưng người nông dân sẽ có thể “sống khỏe” với “bờ xôi ruộng mật” quê hương.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/nha--ngay-ha/27668.htm