Nhà nước không can thiệp hành chính vào hoạt động doanh nghiệp
Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp để thực hiện các quyền của nhà đầu tư vốn vào doanh nghiệp. Đây là một trong các nhóm chính sách quan trọng được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).
Làm rõ khái niệm về vốn nhà nước
heo đề xuất của Bộ Tài chính, có 5 nhóm chính sách lớn cần được nghiên cứu, sửa đổi cụ thể trong lần sửa luật này. Thứ nhất là về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu xem xét bổ sung phạm vi điều chỉnh gồm nội dung “cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN)” để luật hóa một số nội dung quy định dưới luật ổn định, rõ ràng nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN.
Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ,
nghĩa vụ tài sản khác.
Để tương đồng với Luật DN năm 2020, đối tượng áp dụng của dự án luật cần được bổ sung thêm DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, do chưa là đối tượng áp dụng của Luật số 69/2014/QH13 nên quá trình quản lý các DN thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội còn có sự lúng túng chưa thống nhất, thiếu các quy định cụ thể, dẫn đến việc quản lý sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách đầu tư tại các DN này còn nhiều bất cập, thiếu sót. Do đó, cũng cần được bổ sung thêm đối tượng áp dụng này vào Luật.
Đảm bảo tính thống nhất
đồng bộ của Luật số 69/2014/QH13 với các luật khác
Ngoài các nhóm chính sách nêu trên, Bộ Tài chính cho biết quá trình xây dựng, sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 cần thực hiện rà soát, điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của luật này với các luật khác theo hướng trường hợp hoạt động của doanh nghiệp (DN) là các giao dịch dân sự liên quan đến quy định về vốn và tài sản của DN không có quy định trong luật này thì áp dụng quy định của Bộ Luật dân sự. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với các luật có liên quan đối với nội dung quản lý nhà nước về đầu tư vốn, quản lý, sử dụng vốn tại DN hoặc quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN có vốn nhà nước đầu tư thì áp dụng luật này.
Thứ hai, về đầu tư vốn Nhà nước vào DN, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào DN để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân DN theo quy định của Bộ Luật dân sự, để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là DN. Theo đó, Nhà nước thực hiện quản lý DN theo pháp nhân DN mà mình đầu tư vốn, không quản lý DN theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ. Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của DN mà thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN, người đại diện vốn để thực hiện các quyền của nhà đầu tư vốn (góp vốn) vào DN. Từ đó làm rõ khái niệm vốn nhà nước và hoàn chỉnh bổ sung khái niệm vốn của DN, vốn đầu tư của chủ sở hữu (nhà nước) tại DN; quy định cụ thể phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN, quy trình đầu tư vốn nhà nước vào DN, sử dụng nguồn lực thu được từ cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN và nguồn lợi nhuận/cổ tức chia cho phần vốn nhà nước góp tại DN để đầu tư vốn vào DN theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định
Ở nhóm chính sách thứ 3 về cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN, dự thảo luật dự kiến hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc về cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN. Theo đó, luật hóa các quy định tại các nghị định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua về cổ phần hóa DN, về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại DN, về giải thể, phá sản DN và bổ sung thêm các quy định chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phát sinh trong thực tiễn.
Nhóm chính sách thứ 4 về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN được coi là trọng tâm quan trọng của dự thảo luật. Theo đó, đối với DN do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, sẽ quy định rõ DN F1 (DN có vốn nhà nước đầu tư) không được cho vay với DN F2 (DN có vốn góp của DN F1). Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty tự chủ quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, trách nhiệm trả nợ với vốn huy động.
Việc chuyển DN F2 từ độc lập thành đơn vị phụ thuộc đảm bảo nguyên tắc DN F1 phải kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của DN F2 trước khi chuyển đổi. Dự thảo luật dự kiến tiếp tục quy định trích lập quỹ đầu tư phát triển không quá 30% lợi nhuận sau thuế để lại DN F1, song bãi bỏ việc trích lập này ở DN F2 có 100% vốn do DN F1 đầu tư…
Cuối cùng là nhóm chính sách về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu. Mục tiêu của chính sách là tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của DNNN; quy định rõ quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo chức năng và theo phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Theo đó, sẽ phân công phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức; quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu. Quy định về trách nhiệm giải trình của DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu trước hoạt động giám sát của cơ quan thuộc HĐND, Quốc hội; công khai thông tin hoạt động của DN.
Doanh nghiệp yếu kém không khắc phục được sẽ xem xét giải thể
Nghị định số 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại DN do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ mới được Chính phủ ban hành đã quy định rõ về các trường hợp mua, bán, giải thể DN nhà nước.
Cụ thể, tại nội dung về bán toàn bộ DN do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, nghị định quy định các trường hợp bán toàn bộ DN là: Thuộc diện cổ phần hóa theo quy định nhưng không đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện cổ phần hóa và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển sang hình thức bán toàn bộ DN; các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Về giải thể DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nghị định quy định DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị xem xét giải thể trong các trường hợp: Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác; DN có dấu hiệu mất an toàn tài chính, được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt sau khi kết thúc thời hạn áp dụng phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại mà không phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh và không thực hiện được các hình thức chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại khác theo quy định của pháp luật; Không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết; Việc tiếp tục duy trì DN là không cần thiết; Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quy định gia hạn.
Cũng theo nghị định này, DN chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án, hoặc cơ quan trọng tài.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2022.