Nhà nước, nhà trường và phụ huynh hợp lực, nỗi ám ảnh nhà vệ sinh sẽ không còn
Bước vào năm học 2022 – 2023, các trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng chú trọng việc cải tạo, sửa chữa khu nhà vệ sinh nhằm tạo môi trường văn minh.
Nhiều năm qua, việc cải tạo, sửa chữa khu vệ sinh được nhiều trường chú trọng nhằm đảm bảo sức khỏe và tạo môi trường học tập văn minh, sạch đẹp cho học sinh, đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị cho năm học mới.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Dinh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) cho biết, năm học 2022 – 2023, toàn trường có gần 2.000 học sinh học tại 3 điểm trường.
Cô Dinh chia sẻ: “Tôi chuyển công tác về trường từ tháng 4/2022, thời điểm đó, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường có những khó khăn nhất định đặc biệt là khu nhà vệ sinh ở khu Vân Tra và Cái Tắt xuống cấp trầm trọng.
Khu nhà vệ sinh được xây dựng từ rất lâu trước đó nên tường bong tróc, thiết bị vệ sinh vẫn dùng máng vệ sinh, bồn cầu xổm xí bệt và hệ thống thoát nước kém gây bốc mùi.
Rất nhiều phụ huynh phản ánh việc con không dám đi vệ sinh tại trường và người dân xung quanh cũng phản ánh việc khu vực nhà vệ sinh bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, địa phương cùng ban đại diện cha mẹ học sinh vào cuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã khảo sát, duyệt kế hoạch để sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh”.
Trước đó vào tháng 5/2022, Trường Tiểu học An Đồng đã làm tờ trình Ủy ban nhân dân huyện An Dương về kế hoạch vận động tài trợ giáo dục năm học 2022 – 2023.
Cụ thể, để đảm bảo có đủ số phòng học, phòng chức năng và các trang thiết bị, công trình phụ trợ phục vụ cho việc dạy và học, nhà trường huy động nguồn lực để sửa chữa cải tạo 2 phòng học, 1 phòng hội trường và 2 nhà vệ sinh ở hai điểm trường khu Vân Tra và Cái Tắt.
Dự kiến nhà trường huy động ủng hộ khoảng 517.000.000 đồng từ nguồn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh để sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, cải tạo phòng học.
Đến thời điểm hiện tại, công trình nhà vệ sinh của Trường Tiểu học An Đồng đã hoàn thiện việc nâng cấp sàn, ốp gạch và lắp đặt các thiết bị vệ sinh phục vụ học sinh tại hai điểm khu Vân Tra và Cái Tắt.
Ghi nhận thêm tại Trường Mầm non Thành Tô (quận Hải An, Hải Phòng), hiện nhà trường đang có 10 nhà vệ sinh được đặt trong lớp học.
Trong đó, khu nhà B được xây mới vào tháng 4/2021 có 4 nhà vệ sinh được lắp đặt 8 thiết bị bồn vệ sinh, 3 bồn rửa tay đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng và an toàn sức khỏe cho trẻ khi ở trường.
Còn lại 6 nhà vệ sinh ở khu nhà A hiện đã xuống cấp, tường nứt, nền thấm dột và nhiều thiết bị vệ sinh bị hỏng không sử dụng được.
Theo kế hoạch, nhà trường tiếp tục được sửa chữa lại khu nhà A và toàn bộ nhà vệ sinh vào hè năm 2022 để đảm bảo công tác chăm sóc trẻ tại trường.
Theo cô Bùi Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Tô, trường nằm ở vị trí không thuận lợi khi muốn đến trường phải đi qua cung đường có nhiều xe container và lưu lượng xe lớn.
Chính vì vậy, nhiều phụ huynh rất ngại cho con đi học dẫn đến sĩ số của nhà trường không ổn định. Nếu sĩ số toàn trường có 290 thì thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 200 trẻ đến lớp, việc kêu gọi ủng hộ để tu sửa cơ sở vật chất theo đó là không khả thi.
“Không thể kêu gọi ủng hộ nên liên tiếp 2 năm, ban giám hiệu nhà trường có ý kiến trình Ủy ban nhân dân quận để được quan tâm đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất.
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, nhà trường được xây mới khu nhà B và sửa chữa, nâng cấp khu nhà A vào hè năm 2022” cô Hương cho biết.
Vẫn được xem là "công trình phụ" nhưng khu nhà vệ sinh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng học tập và tâm lý của học sinh tại trường học.
Theo đó, đối với những trường đã được đầu tư sửa chữa, xây mới khu nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng, việc duy trì đảm bảo vệ sinh, thiết bị là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Tại Trường Tiểu học Đằng Lâm (quận Hải An, Hải Phòng), năm học 2022 – 2023, nhà trường có 2.433 học sinh.
Trước đây, khu nhà vệ sinh được xây dựng từ năm 1970 nên đã xuống cấp trầm trọng, khu này không có hệ thống thoát nước mà nước thải sẽ chảy ra ao ở gần đấy. Mỗi khi trời nắng, khu vực rất bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường.
Đến năm học 2015 – 2016, quận đầu tư xây mới khu nhà vệ sinh cho nhà trường. Theo đó, hiện mỗi tầng của trường đều có khu nhà vệ sinh cho giáo viên và cho học sinh.
Sau khi được đầu tư xây mới khu nhà vệ sinh, nhà trường chú trọng việc duy trì nội quy, nền nếp học sinh khi sử dụng nhà vệ sinh.
Cô Trịnh Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đằng Lâm cho biết: “Khu vực nhà vệ sinh không chỉ liên quan đến việc đảm bảo sức khỏe cho học sinh, thầy cô giáo mà còn thể hiện sự văn minh trong trường học.
Theo đó, việc dọn dẹp vệ sinh, lau quét thường xuyên được các cô lao công sát sao. Với lưu lượng hàng nghìn học sinh sử dụng nhà vệ sinh, các cô lao công phải dọn dẹp liên tục giữa các ca nghỉ giải lao.
Giáo viên trực ban của nhà trường cũng đều phải kiểm tra khu vực nhà vệ sinh có đảm bảo vệ sinh không, có thiếu giấy vệ sinh không và thiết bị đảm bảo để học sinh sử dụng.
Trong nhà trường, hoạt động giáo dục học sinh giữ vệ sinh từ việc vất rác thải đúng nơi quy định cho đến việc đi vệ sinh như thế nào luôn được giáo viên chủ nhiệm đặc biệt chú ý.
Ngay từ bài đầu tiên khi đến tựu trường, giáo viên sẽ dẫn học sinh tới khu nhà vệ sinh để hướng dẫn nơi đi vệ sinh dành cho nam và nữ, nơi rửa tay hay chỗ để giấy vệ sinh và nội quy khi sử dụng nhà vệ sinh”.
Với mong muốn phản ánh những tồn tại bất cấp của nhà vệ sinh trường học, cũng như chia sẻ cách làm hay của các cơ sở giáo dục xây dựng nhà vệ sinh sạch đẹp, để mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong nhận thông tin chia sẻ, phản ánh của học sinh, sinh viên, quý phụ huynh, nhà trường về chủ đề liên quan. Mọi ý kiến đóng góp xin được gửi về địa chỉ mail toasoan@giaoduc.net.vn hoặc số điện thoại đường dây nóng 0938.766.888.