Nhà nước ta có chính sách gì để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe thanh niên?
Bạn đọc Nguyễn Minh Trung ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, Nhà nước ta có chính sách gì để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe thanh niên?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 19 Luật Thanh niên. Cụ thể như sau:
Chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe:
1. Tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh xã hội khác và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của thanh niên.
2. Bảo đảm cho thanh niên được cung cấp thông tin, tiếp cận dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho thanh niên.
* Bạn đọc Vi Văn Hạo ở xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, người sử dụng lao động có được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động không?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. Ngoài quy định trên, Điều 17 còn quy định một số hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.