Nhà ở đô thị, cần bàn tay người có nghề

Khu đô thị mới Hưng Phú (phường 5, TP Tuy Hòa) rợp mát cây xanh, có cốt nền nhà, cốt ô văng tầng trệt… cao bằng nhau. Ảnh: MINH NGUYỆT

Nhà ở của dân cư chiếm trên 70% các công trình kiến trúc tại đô thị, được xây dựng bằng nguồn vốn của Nhân dân nên rất phong phú và đa dạng. Nhà ở đô thị là bộ mặt, là đặc trưng riêng cho từng đô thị, nó phản ánh đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của đô thị đó.

Ðôi nét về nhà ở đô thị

Tại TP Tuy Hòa, nhà ở của dân cư đô thị được quy hoạch, xây dựng đa phần theo dạng nhà ở lô phố, thường gọi là nhà ở liền kề hay nhà ống. Trước năm 1975, thành phố có khu biệt thự công chức, sau ngày tái lập tỉnh (1989) có quy hoạch khu biệt thự phía tây đại lộ Hùng Vương, rồi bên trong là các khu dân cư đô thị như: FPS, Hưng Phú... Hiện nay, nhà ở chung cư cao tầng đang được xây dựng góp phần tạo nên vóc dáng, là điểm nhấn cho đô thị hiện đại.

Đi trên các đường Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Lê Thánh Tôn ở khu phố cũ hay các khu dân cư mới như phường 7, phường 8 và các khu dân cư đô thị mới, ta thấy nhà ở lô phố có lề đường rộng rợp mát cây xanh. Cốt nền nhà, cốt ô văng tầng trệt, cửa sắt mặt tiền nhà cao bằng nhau; mặt bằng mỗi căn nhà vuông vức rộng 5-6m tạo nên một nét chỉn chu, là đặc trưng riêng cho thành phố trẻ Tuy Hòa mà ít đô thị nào có được.

Nhìn chung về quy hoạch, kiến trúc nhà ở của dân cư có nhiều tiến bộ, rất nhiều nhà ở lô phố có kiến trúc bên ngoài đẹp, trồng nhiều cây xanh trên ban công, sân thượng góp phần cho phố thị thêm xanh; bên trong nhà có giếng trời thông hơi, thoáng khí. Gần đây, nhiều nhà ở lô phố được làm mới lại, kết hợp với các cửa hàng dịch vụ bách hóa, nhà hàng ăn uống, khách sạn... có không gian thoáng đãng, phù hợp với công năng sử dụng, tạo cho đường phố thêm sinh động.

Về nhà ở biệt thự dọc đường Hùng Vương hay bên trong các dự án khu đô thị mới, mỗi nhà có mật độ xây dựng nhỏ hơn 60%, còn lại là sân vườn và trồng cây xanh, nhà cao từ 2-3 tầng mái dốc lợp ngói. Nội thất bên trong nhà như phòng khách, phòng ngủ, bếp, buồng vệ sinh khá đẹp và hiện đại; cảnh quan bên ngoài nhà như cổng, tường rào và cây xanh đẹp mắt, ai đi qua cũng thích ngắm nhìn.

Thế nhưng, hiện vẫn có nhà xây dựng tầng ngầm sát với chỉ giới đường đỏ nên ảnh hưởng đến giao thông trên lề phố; có nhà nâng cao cốt tầng trệt nên phải leo lên nhiều bậc cấp, cốt ô văng cao hơn 3,8m, cửa sắt tầng trệt cao hơn hai nhà liền kề. Những sai phạm về quy tắc đô thị nêu trên gây ra sự khập khiễng, phá vỡ không gian chung đường phố. Bên trong căn nhà là thuộc sở hữu của mỗi gia đình, nhưng không gian ngoài nhà là thuộc về cộng đồng đô thị nên phải tuân thủ theo quy tắc chung của đô thị, kể cả về màu sắc ngoài nhà…

Ðể có công trình kiến trúc nhà ở đô thị đẹp, phù hợp với công năng, không lạc hậu trong tương lai, sự chăm chút của những người có nghề là rất cần thiết. Ảnh: MINH NGUYỆT

Ðể có công trình kiến trúc nhà ở đô thị đẹp, phù hợp với công năng, không lạc hậu trong tương lai, sự chăm chút của những người có nghề là rất cần thiết. Ảnh: MINH NGUYỆT

Cần sự chăm chút của người có nghề

Việc các nhà thiết kế, chủ nhà cố tìm sự khác biệt của nhà mình so với quy tắc chung của đô thị là điều không nên. Điều đó vô tình phá vỡ những gì mà các thế hệ đi trước nhiều năm mới tạo dựng được; quá trình phát triển của đô thị là phải kế thừa những gì tốt đẹp, tôn trọng bản sắc riêng của đô thị.

Xã hội vẫn thường quy kết cho giới kiến trúc sư (KTS) và đặt trách nhiệm nặng lên vai của giới nghề này trước sự phát triển lệch lạc của kiến trúc, của quy hoạch đô thị hôm nay. Nhưng tiếc thay, hình hài của những công trình kiến trúc khác biệt trên đường phố đôi khi không phải tất cả là do KTS thiết kế, mà là ý tưởng của người “ngoại đạo”, hay nhà thầu thi công theo sự áp đặt của chủ nhà tạo ra những căn nhà khác lạ mà ta vẫn thấy.

Mỗi người trong đời chỉ có một đôi lần xây dựng nhà ở cho mình, đành rằng là người bỏ tiền ra, có quyền, nhưng dù sao cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về kiến trúc và xây dựng nên cần phải tìm đến các KTS như người bệnh tìm đến bác sĩ. Đầu tư một căn nhà ở đô thị là cả một quá trình dài, một chuỗi công việc, từ khâu thiết kế, xin giấy phép xây dựng, chọn nhà thầu thi công, lựa chọn vật tư, thiết bị... Vì vậy, gia chủ rất cần chữ nhẫn, tránh vội vàng và không nên áp đặt thời gian quá ngắn để hoàn thành công trình. Đồng thời, gia chủ cũng nên thuê tư vấn thiết kế, giám sát trong quá trình thi công để công trình có chất lượng. Đội ngũ thiết kế, thi công xây dựng tại TP Tuy Hòa hiện nay khá đông nên rất thuận lợi cho chủ nhà lựa chọn người giúp mình trong quá trình xây dựng.

Những sai lầm trong xây dựng nhà ở đô thị thường khi xây dựng xong về ở, chủ nhà mới thấy, có khi sử dụng một thời gian thì mới lộ ra. Sai lầm cứ phơi bày trước mắt ta và rất khó cải tạo, ảnh hưởng đến tâm lý chủ nhà. Chính vì lẽ đó, để có những công trình kiến trúc nhà ở đô thị đẹp, phù hợp với công năng, không lạc hậu trong tương lai, sự chăm chút của những người có nghề là rất cần thiết.

Những sai lầm trong xây dựng nhà ở đô thị thường khi xây dựng xong và về ở, chủ nhà mới thấy, có khi sử dụng một thời gian thì mới lộ ra. Sai lầm cứ phơi bày trước mắt ta và rất khó cải tạo, ảnh hưởng đến tâm lý chủ nhà. Chính vì lẽ đó, để có những công trình kiến trúc nhà ở đô thị đẹp, phù hợp với công năng, không lạc hậu trong tương lai, sự chăm chút của những người có nghề là rất cần thiết.

Đầu tư một căn nhà ở đô thị là cả một quá trình, một chuỗi công việc, từ khâu thiết kế, xin giấy phép xây dựng, chọn nhà thầu thi công, lựa chọn vật tư, thiết bị... Vì vậy, gia chủ rất cần chữ nhẫn, tránh vội vàng và không nên áp đặt thời gian quá ngắn để hoàn thành công trình. Đồng thời, gia chủ cũng nên thuê tư vấn thiết kế, giám sát trong quá trình thi công để công trình có chất lượng.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/286557/nha-o-do-thi-can-ban-tay-nguoi-co-nghe.html