Thái Nguyên: Ưu tiên phát triển nhà ở giá rẻ, phù hợp khả năng chi trả của người lao động

Thị trường nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang có sự chuyển hướng: Ưu tiên chất lượng, phân khúc hợp lý, phù hợp túi tiền người lao động.

Trong dòng chảy thu hút mạnh vốn FDI và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thị trường nhà ở Thái Nguyên đang bước vào giai đoạn sàng lọc mới. Không còn chỉ chạy theo số lượng, các chủ đầu tư buộc phải chú trọng hơn tới chất lượng sản phẩm, cơ cấu phân khúc và khả năng chi trả của người lao động.

Đặc biệt, trước thực tế nhu cầu nhà ở xã hội gia tăng nhanh chóng, nhất là lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp, câu hỏi đặt ra là: Hướng đi nào để Thái Nguyên cân bằng giữa giấc mơ an cư và thu nhập thực tế của người dân?

Nhà ở xã hội khu dân cư Đại Thắng đang được xây dựng tại TP Phổ Yên đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 800 lao động có thu nhập thấp.

Nhà ở xã hội khu dân cư Đại Thắng đang được xây dựng tại TP Phổ Yên đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 800 lao động có thu nhập thấp.

Công nhân vẫn “mơ” an cư tại Thái Nguyên

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP Phổ Yên), chia sẻ: “Tôi làm gần 6 năm, lương tháng khoảng 7 - 8 triệu đồng, trừ chi phí chỉ còn chưa tới 2 triệu để tiết kiệm. Giá nhà xã hội nghe thì ưu đãi, nhưng 500 - 700 triệu đồng/căn cũng là một ước mơ xa vời”.

Không riêng chị Lan, hàng nghìn công nhân tại Thái Nguyên cũng đang loay hoay với bài toán nhà ở. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 37.000 người thuộc diện cần nhà ở xã hội, trong đó có tới 16.000 lao động trong các khu công nghiệp - lực lượng đang trực tiếp góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những "thủ phủ công nghiệp mới" của miền Bắc.

Trên thực tế, một căn hộ nhà ở xã hội tại Thái Nguyên hiện có giá dao động trung bình từ 450 - 900 triệu đồng/căn (tùy vị trí và diện tích). Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động phổ thông trên địa bàn chỉ khoảng 6,5 - 8,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, người lao động phải tích góp ít nhất 7 - 10 năm, chưa kể chi phí sinh hoạt và nuôi con, mới có thể nghĩ đến chuyện mua nhà.

Nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận nhà ở xã hội, Thái Nguyên đang áp dụng các chính sách ưu đãi theo khung quy định của Chính phủ trong gói tín dụng 12.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo đó, Nhà nước cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; người lao động có thể vay mua nhà ở xã hội với lãi suất khoảng 4,8 - 6,5%/năm, thời hạn tối đa 25 năm, hạn mức vay lên tới 80% giá trị căn hộ. Thái Nguyên cũng hỗ trợ thủ tục pháp lý cho công nhân, người thu nhập thấp thông qua cơ chế một cửa tại địa phương, với quy trình hồ sơ đơn giản, nhanh gọn.

Ngoài ra, tỉnh còn ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội cho nhóm công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và nhóm thu nhập thấp, với tỷ lệ 60 - 70% căn hộ trong các dự án mới. Đồng thời, Thái Nguyên đang nghiên cứu mô hình “thuê - mua” nhà ở xã hội, cho phép người lao động thuê nhà trong 5 - 10 năm, sau đó được chuyển sang hình thức mua trả góp với lãi suất ưu đãi.

Phân vùng nhà ở: Đi đúng hướng

Theo định hướng phát triển đến năm 2030, Thái Nguyên chia nhà ở thành ba vùng rõ rệt: Vùng phía Nam (gồm các thành phố: Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công và huyện Phú Bình): Phát triển nhà chung cư, ưu tiên nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp - khu vực có mật độ công nhân đông nhất.

Vùng phía Tây Bắc (gồm các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa): Ưu tiên mô hình nhà thấp tầng, nhà sinh thái phục vụ du lịch và nông nghiệp sạch.

Vùng Đông Bắc (gồm các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ): Phát triển nhà ở gắn với ngành khai khoáng và nông - lâm nghiệp, hạn chế phát triển tự phát.

Thái Nguyên là nơi đang phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp nên nhu cầu nhà ở rất lớn.

Thái Nguyên là nơi đang phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp nên nhu cầu nhà ở rất lớn.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, từ năm 2021 đến nay, Thái Nguyên đã khởi công 5 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 2.344 căn hộ, tập trung chủ yếu tại vùng phía Nam song song với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp.

Tiêu biểu như dự án tại phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên): Tổng diện tích 11,3ha, cung cấp khoảng 1.400 căn hộ, giá dao động từ 500 - 700 triệu đồng/căn (tùy diện tích).

Dự án Đại Thắng (Khu đô thị Peace Village, TP Phổ Yên): Tổng diện tích 11,5ha, quy mô 361 căn hộ, kỳ vọng đáp ứng cho khoảng 800 người thu nhập thấp, giá dao động từ 400 - 900 triệu đồng/căn (tùy diện tích).

Lãnh đạo hai dự án trên cho biết, các dự án đã cơ bản hoàn thiện, đủ điều kiện vay gói tín dụng 12.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở xã hội đang rất cao của công nhân và người lao động thu nhập thấp.

Hiện tại, Thái Nguyên đã rà soát và "giữ chỗ" hơn 166ha đất tại 53 vị trí để phát triển các dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025-2030, với mục tiêu hoàn thành 24.272 căn hộ vào năm 2030.

Với hàng chục nghìn lao động nhập cư mỗi năm, Thái Nguyên đang đứng trước thách thức lớn: Làm sao để mỗi công nhân, mỗi người lao động không chỉ đến làm việc, mà còn có thể gắn bó, lập nghiệp từ một mái ấm đủ đầy và vừa túi tiền.

Việt Hoan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/thai-nguyen-uu-tien-phat-trien-nha-o-gia-re-phu-hop-kha-nang-chi-tra-cua-nguoi-lao-dong-192250424082327585.htm