Nhà ở xã hội: Cân nhắc giữa gói 120 nghìn tỷ và nguồn vốn chính sách

Sau gần 1 năm rưỡi triển khai, đến nay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 600 tỷ, tức là chưa đến 1%. Ban đầu, gói tín dụng này được tung ra với kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hóa đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Thế nhưng, khi việc giải ngân gói này quá khó khăn vì nhiều lý do, thì người ta đã bắt đầu đặt câu hỏi: Nên tiếp tục khơi thông gói 120 nghìn tỷ hay là thay bằng nguồn vốn chính sách? Đây là ý kiến được đặt ra tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với các bộ ngành hôm nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Bên cạnh việc đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn, có đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải có lợi nhuận, trong khi người thu nhập thấp mong muốn có nhà ở giá rẻ. Vậy việc vay vốn ngân hàng thương mại để làm nhà ở xã hội liệu có khả thi hay không? Bởi nhà ở xã hội là sản phẩm của chính sách nên cần có cơ chế để có nguồn vốn chính sách với lãi suất hấp dẫn hơn thị trường.

Trước sự ách “tắc” giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ, Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan này đã có hướng dẫn một số địa phương lược bỏ nhiều điều kiện để các chủ đầu tư dự án sớm được tiếp cận với vốn vay các ngân hàng.

Một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị các bộ ngành tiếp tục đề xuất giải pháp về rút gọn thủ tục pháp lý đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…Đồng thời, vận dụng sáng tạo, mở rộng đối tượng tham gia được vay vốn từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 khả thi hơn.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Trang - Hoàng Hương - Ninh Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nha-o-xa-hoi-can-nhac-giua-goi-120-nghin-ty-va-nguon-von-chinh-sach-229760.htm