Nhà quê của Nguyên
Nguyên hẹn tôi chủ nhật về nhà Nguyên chơi. Nhà của Nguyên cách thành phố chừng 10 cây số, nơi Nguyên sinh ra và lớn lên. Bao nhiêu người sau khi học hành, thành đạt đa phần đều lìa bỏ quê, chọn thành phố mà sống. Còn Nguyên, lại chọn quê nhà.
Nguyên hẹn tôi chủ nhật về nhà Nguyên chơi. Nhà của Nguyên cách thành phố chừng 10 cây số, nơi Nguyên sinh ra và lớn lên. Bao nhiêu người sau khi học hành, thành đạt đa phần đều lìa bỏ quê, chọn thành phố mà sống. Còn Nguyên, lại chọn quê nhà.
Nguyên bảo Nguyên có một nhà quê, và Nguyên giáo dục con mình ở đó, để tuổi thơ của hai đứa con Nguyên còn nguyên vẹn giấc mơ như thuở mẹ nó đã lớn lên. Có thể dẫu lăn lộn giữa cuộc đời này, giữa những con đường ngày đêm xe cộ lao qua, và có thể ở giữa những khoảng trời chật hẹp của đô thị, cô gái tên Nguyên luôn giữ trong lòng mình một tuổi thơ tươi đẹp, mà tuổi thơ đó không phải ai cũng có được. Rồi từ ký ức tuổi trơ với đôi chân trần hồn nhiên chạy trên những vạt cỏ xanh đuổi theo những con bướm trắng bay dập dìu, hay ngỡ ngàn ngắm vạt hoa lục bình tím ngát trôi về ở bến sông một buổi chiều rất tím… Nguyên muốn trao tặng cho chính con mình điều đó.
Nguyên là một phụ nữ thành đạt đúng nghĩa, nhưng phố xá chỉ là nơi Nguyên chọn trong cuộc mưu sinh. Thiệt là lạ, bởi mọi người bảo Nguyên chọn như thế là không đúng cách. Như cách Nguyên yêu say đắm một người đàn ông, rồi người đàn ông đó dan díu với một người con gái khác. Chẳng ghen tuông, không khóc lóc và giành giựt, Nguyên chia tay người đàn ông đó, tự mình nuôi con bằng cách mở quán cà phê nhỏ ngay nhà bán cho khách qua đường. Hỏi sao không yêu thêm một lần nữa? Bởi đàn ông tốt trên thế gian này vẫn còn đầy ra đó!. Ừ, dẫu hai mặt con nhưng Nguyên đẹp rực rỡ. Vẻ đẹp đơn giản của một cô gái quê ấy thu hút bao người tìm tới ngỏ lời. Họ ngỏ lời thật lòng, nhưng Quyên không yêu. Không yêu, thôi thì một mình bươn chải trong cuộc đời vốn rất đa đoan này.
Nguyên về phố, mở ba cửa hàng cà-phê. Người ta bảo buôn bán phải có cái duyên, y như rằng Nguyên có duyên buôn bán thật. Bởi nhiều người cũng mở quán, vốn liếng bỏ ra đâu phải ít, mà mới hết mùa xuân, đang chuẩn bị mùa hạ thì phải đóng của vì vắng khách. Còn Nguyên thì khác, khách hôm nay đông hơn hôm qua, họ còn lên facebook giới thiệu điểm đến cứ thế mà hữu xạ như nhiên hương. Bận rộn đến thế, nhưng chiều thứ bảy Nguyên lại về nhà cùng với hai đứa con nhỏ, căn nhà ở quê cách phố 10 cây số đó, nơi ba mẹ Nguyên đang sống đúng nghĩa nếp nhà quê. Nguyên chẳng tham gia tiệc tùng, chẳng dự những cái event tôn vinh này nọ. Nguyên không ăn mặc lộng lẫy, chẳng xài điện thoại đắt tiền, nói chung là mọi người nếu tìm một cô gái chưng diện thì chắc chắn không chú ý tới Nguyên. Nhưng giỏi giang thì chắc chắn là không ai bằng. Còn tôi thì chú ý tới Nguyên khi vào dịp Tết, Nguyên tổ chức cả một cái hội chợ giành cho người nghèo, Nguyên vận động nấu bánh tét, rim mứt, làm bánh. Người ta tất bật kiếm tiền ngày Tết, còn Nguyên thì giang rộng vòng tay chia trọn những gì mình có cho người khác mà không toan tính.
Lâu lắm rồi tôi cũng không về nhà quê đúng nghĩa, dẫu mỗi ngày tôi đi ngang dọc đó đây, nhón nhìn qua ô cửa xe những ruộng lúa đang vào mùa chín vàng, hay ngắm nhìn những ngôi nhà nho nhỏ thấp thoáng trong bóng các hàng cau đang tỏa khói trắng, báo hiệu nhà nơi đó đang nấu bữa cơm chiều. Thỉnh thoảng cũng theo bạn thoát ra khỏi cái chật chội phố, vào một vườn cây cột chiếc võng giữa hai cây to, đong đưa giấc ngủ trong tiếng lá trưa rơi rụng rất khẽ khàng. Còn nhà quê của Nguyên như thế nào, tôi chẳng mường tượng ra.
Tôi đã tới nhà quê của Nguyên. Chỉ cách 10 cây số mà nơi này yên ả, không chộn rộn và không gian thơm mùi cây cỏ. Căn nhà của ba mẹ Nguyên cất theo kiểu ba gian xưa, đẹp như trong các chuyện cổ tích. Đường vào nhà viền hai bên lối những vạt hoa vàng, và có cả những cây nguyệt quế mà theo Nguyên thì vào dịp hoa nở, không gian tỏa đầy hương thơm. Hai đứa con của Nguyên vừa về tới nhà đã nhảy ra sau vườn, một khu vườn trông nhiều loại cây ăn trái hình như để cho vui chứ không nhắm vào việc khai thác buôn bán. Rồi chúng nó bảo: “Con đi chơi nha mẹ”. Chúng tung tăng ra ngõ, ở phía trước có cách đồng lúa xanh, có cây cổ thụ cao và trên con đường đất đỏ, tôi thấy một lũ trẻ đang chơi thả diều.
Tôi tới nhà quê của Nguyên, buổi chiều im ắng không nghe tiếng hàng xóm chửi nhau, chẳng có tiềng còi xe ồn ã và chẳng có tiếng la hét đâu đó. Thành phố chật hẹp lùi lại phía sau lưng, vầng trăng dịu dàng tỏa sáng. Cũng lạ, trăng cứ mỗi tháng lại rằm, mà ở phố tôi chưa bao giờ thấy trăng. Bàn ăn bày trước sân nhà, trong cảnh trăng lên đó và mùi đủ loại hoa chen thơm len vào. Món ăn cũng chẳng có gì cầu kỳ, chỉ là con cá lóc nướng rơm cuốn rau và bánh tráng. Hai đứa con của Nguyên loay hoay dọn bàn ghế, vòng tay dạ thưa.
Chúng vừa đi chơi về theo cách của đứa trẻ nhà quê, chỉ chạy nhảy, cùng cười nói với cái thú “bịt mắt bắt dê” hay trò đánh đáo và cả cùng đi ra cánh đồng hái những bông hoa dại. Chúng có hai ngày như thế, làm trẻ nhà quê, sau đó lại lên phố. Nhưng chắc chắn đó là những đứa trẻ hạnh phúc hơn hẳn những đứa trẻ nhốt mình trong phòng chơi game hay ba mẹ dắt đi vào trong một trung tâm thương mại nào đó. Nguyên bảo “Anh thấy nhà quê của em như thế nào?”. Tôi cười và nhìn Nguyên dưới ánh trăng huyền ảo. Ở đây, tôi thấy một cô gái rất nhà quê và chính cái nhà quê và lời giáo dục con cái cũng rất nhà quê đó khiến cho cô ấy rất xinh đẹp.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_241319_nha-que-cua-nguyen.aspx