Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới có chủ tịch mới

Tân chủ tịch TSMC C.C. Wei đã đi một con đường khác thường để trở thành kẻ dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn.

 Trước đây, Wei thường tập trung vào việc quản lý công ty, hơn là xuất hiện trước công chúng. Ảnh: TSMC.

Trước đây, Wei thường tập trung vào việc quản lý công ty, hơn là xuất hiện trước công chúng. Ảnh: TSMC.

Trong suốt 6 năm, CEO C.C. Wei đã âm thầm lèo lái Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC), vượt qua giai đoạn tăng trưởng kèm thách thức chưa từng có. Giờ đây, ông sắp đảm nhiệm một vai trò nổi bật hơn cả - chủ tịch của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.

Giữ chức vụ CEO từ năm 2018, Wei trở thành chủ tịch tập đoàn từ ngày 2/6, sau khi nguyên chủ tịch Mark Liu nghỉ hưu. Động thái này là một phần trong cuộc cải tổ quy mô lớn trong nội bộ tập đoàn.

Với tư cách là Giám đốc điều hành, trước đây, Wei thường tập trung vào việc quản lý công ty, trong khi Liu sẽ xuất hiện trước công chúng, phụ trách giao thương với chính phủ và các đối tác. Cả 2 lãnh đạo kỳ cựu của TSMC đã cùng nhau trải qua 6 năm sôi động nhất trong lịch sử công ty, kể từ khi Morris Chang thành lập vào năm 1987.

Loạt thách thức của tân chủ tịch

6 năm này cũng là giai đoạn chất bán dẫn, từ một thị trường không mấy hấp dẫn trong chuỗi cung ứng công nghệ, trở thành chiến trường khốc liệt trong căng thẳng Mỹ - Trung.

Trong khi đó, tình trạng thiếu chip chưa từng có do đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các nền kinh tế lớn đưa hoạt động sản xuất chip vào nội địa, nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Những xu hướng này đã đưa TSMC trở thành tâm điểm chú ý. Đối tác lâu năm của những cái tên đình đám như Nvidia, Apple, AMD và Qualcomm giờ đây không chỉ là một nhà sản xuất chip thành công, mà còn được coi là một tài sản địa chính trị quan trọng.

 Chủ tịch TSMC Mark Liu (trái) sẽ nghỉ hưu sau cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 6/2024. Giám đốc điều hành và phó chủ tịch C.C. Wei (phải) sẽ trở thành tân chủ tịch. Ảnh: TSMC.

Chủ tịch TSMC Mark Liu (trái) sẽ nghỉ hưu sau cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 6/2024. Giám đốc điều hành và phó chủ tịch C.C. Wei (phải) sẽ trở thành tân chủ tịch. Ảnh: TSMC.

Sự nổi bật này đi kèm với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Giá trị thị trường của TSMC đã tăng gần gấp 3 trong 6 năm dưới thời Wei và Liu, đạt 22,4 nghìn tỷ TWD (699,2 tỷ USD) tính đến 28/5. Doanh thu và lợi nhuận ròng cũng tăng hơn gấp đôi trong thời gian này, bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, để dẫn đầu trong cuộc đua chip với Intel của Mỹ và Samsung Electronics của Hàn Quốc, TSMC đòi hỏi phải có những khoản đầu tư khổng lồ. Chi phí vốn của hãng chip tăng gần gấp 3 lần - từ 10,8 tỷ USD năm 2018 lên 30,45 tỷ USD vào năm 2023.

Chi tiêu cho mảng nghiên cứu và phát triển đã tăng lên 5,8 tỷ USD vào năm 2023, từ con số 2,8 tỷ USD vào năm 2018.

Khi Wei đảm nhận vai trò mới, ông sẽ phải đối mặt với hàng loạt thử thách, cả quen thuộc lẫn mới mẻ. Trong đó, thách thức quan trọng nhất lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Đó là yếu tố địa chính trị.

“Cả C.C. Wei và Mark Liu đều không phải là chính trị gia. Nhưng nhìn về tương lai, địa chính trị vẫn là một trong những yếu tố bất ổn chính và là nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo công ty cần phải giải quyết. Đây chắc chắn là một vấn đề khó khăn”, cựu giám đốc TSMC nói với Nikkei Asia.

Nhà phân tích chất bán dẫn Arisa Liu cho biết tất cả những điểm bất ổn lớn nhất TSMC đang phải đối mặt đều xuất phát từ chính trị.

“Những yếu tố bấp bênh bao gồm liệu cựu Tổng thống Mỹ Trump có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới hay không, liệu sẽ có động lực địa chính trị mới hay không và thái độ của Mỹ đối với ngành công nghiệp chip của Đài Loan và TSMC là gì”, chuyên gia phân tích.

Donald Trump từng chỉ trích Đài Loan đã tước đoạt "mảng kinh doanh" của Mỹ khi hòn đảo này chiếm thị phần cao trên thị trường toàn cầu ở mảng sản xuất chip tiên tiến.

Thử thách thứ 2 của TSMC liên quan đến sự phát triển của chính họ. Công ty hiện có hơn 76.000 nhân viên, tăng từ con số 48.000 vào năm 2018. Hiện nay, lực lượng lao động của nhà sản xuất đa dạng hơn bao giờ hết.

 Chức vị mới đưa ông trở thành doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Ảnh: Bloomberg.

Chức vị mới đưa ông trở thành doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Ảnh: Bloomberg.

Đầu nhiệm kỳ của Wei, hầu hết hoạt động sản xuất của TSMC tập trung ở Đài Loan. Nhưng trong những năm gần đây, công ty đã bắt tay vào chuỗi mở rộng quy mô toàn cầu chưa từng có. Đơn cử như lần đầu thành lập các cơ sở sản xuất ở Nhật Bản, Đức hay xây dựng nhà máy tiên tiến đầu tiên ở Mỹ trong 2 thập kỷ qua.

Ngoài ra, TSMC cũng phải đứng trước sự thay đổi mô hình hoạt động mà toàn bộ ngành công nghiệp chip đang phải đối mặt. Trong khi tiếp tục nỗ lực thu nhỏ bóng bán dẫn, chiếm ưu thế trong cuộc đua sức mạnh điện toán, các nhà sản xuất chip hàng đầu cũng phải khám phá hướng đi mới. Chẳng hạn như tích hợp và kết nối chip theo những cách chưa từng có.

Quá trình tôi luyện thành CEO hoàn hảo

Sinh ra ở thành phố Nantao ở miền trung ddaro Đài Loan, Wei đã đi một con đường khác thường để trở thành kẻ dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn. Ông tốt nghiệp Đại học Quốc gia Chiao Tung với bằng cử nhân kỹ sư điện, nhưng lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Yale - ngôi trường vốn không được coi là trường kỹ thuật hàng đầu.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Texas Instruments, STMicroelectronics và Charter Semiconductor Manufacturing Co. (nay là GlobalFoundries). Cuối cùng, ông mới đầu quân cho TSMC vào năm 1998.

Mặc dù ông có thể không phải là một "chính trị gia", những người biết và từng làm việc với Wei đều nói rằng ông rất thành thạo trong việc điều phối các mối quan hệ và công việc.

Nói với Nikkei Asia, một cựu giám đốc TSMC từng làm việc với Wei mô tả ông có cả đức tính khiêm tốn và ý chí bất khuất. Cựu giám đốc TSMC cho biết: “Ông ấy có thể thân thiện khi giao tiếp với mọi người và quyết định các vấn đề liên quan đến công việc để hoàn thành mục tiêu, đồng thời có vốn kiến thức rất vững chắc về hoạt động sản xuất”.

Wei cũng nổi tiếng với khả năng xử lý các mối quan hệ với các đối tác quan trọng, bao gồm cả Apple, một khách hàng nổi tiếng khó tính. Theo các giám đốc ngành chip, chiến lược của ông là không bao giờ hứa hẹn quá nhiều về bất cứ điều gì, để đảm bảo kết quả phải cao hơn mong đợi.

“Tất cả chúng tôi đều thích làm việc với Wei. Ông ấy có thể làm cho bầu không khí trở nên thoải mái, ngay cả khi chúng tôi đang nói về những chủ đề nghiêm túc và căng thẳng, chẳng hạn như giá cả”, một khách hàng của TSMC chia sẻ.

 Nhà sáng lập TSMC là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Đài Loan - ông Morris Chang. Ảnh: Shinya Sawai.

Nhà sáng lập TSMC là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Đài Loan - ông Morris Chang. Ảnh: Shinya Sawai.

Peter Wu, cựu hiệu trưởng Đại học Quốc gia Chiao Tung và là bạn học năm cuối đại học của Wei, cho hay ngay từ khi còn trẻ, Wei đã luôn “thể hiện khả năng xử lý các vấn đề lớn và các tình huống nghiêm trọng bằng một tinh thần quyết tâm, thái độ bình tĩnh và tích cực”.

Wu nói rằng đặc điểm này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho ông khi lèo lái công ty vượt qua những thách thức và vấn đề trong tương lai.

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là C.C. Wei có được sự tin tưởng của Morris Chang. Người sáng lập TSMC cho biết mặc dù không đến từ trường kỹ thuật danh giá nhất, Wei đã trải qua quá trình tôi luyện thành một CEO hoàn hảo.

“Cậu ấy có kinh nghiệm về R&D, điều hành mảng sản xuất và vận hành. Đồng thời, cậu ấy cũng có kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh. Wei là một CEO đã qua chuẩn bị rất kỹ lưỡng và có kinh nghiệm thực tế trên nhiều lĩnh vực”, Morris Chang khẳng định.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-san-xuat-chip-lon-nhat-the-gioi-co-chu-tich-moi-post1478916.html