Nhà sản xuất iPhone đứng bên bờ khủng hoảng trước khi Tổng thống Trump nhượng bộ thuế

Apple đã xoay xở để tránh được cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ đại dịch, ít nhất là đến thời điểm hiện tại.

Bên trong một cửa hàng của Apple. (Ảnh: AP)

Bên trong một cửa hàng của Apple. (Ảnh: AP)

Mức thuế 125% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đe dọa làm đảo lộn nghiêm trọng chuỗi cung ứng của công ty giống như cơn đau đầu do COVID-19 gây ra cách đây 5 năm.

Tối 11/4, Tổng thống Trump giúp Apple có thể thở phào nhẹ nhõm, khi cho phép miễn trừ thuế với nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến, bao gồm iPhone, iPad, Mac, Apple Watch và AirTag.

Một chiến thắng nữa là mức thuế 10% với các quốc gia cũng được bãi bỏ với những sản phẩm đó.

Sự thay đổi này đánh dấu một chiến thắng cho Apple và ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng vẫn phụ thuộc nhiều vào châu Á để sản xuất.

"Đây là sự cứu trợ lớn cho Apple. Mức thuế quan sẽ thúc đẩy lạm phát chi phí", nhà phân tích Amit Daryanani của Evercore ISI đánh giá, đồng thời hy vọng cổ phiếu sẽ tăng vào ngày đầu tuần, sau khi giảm 11% trong tháng này.

Trước khi có miễn trừ thuế, nhà sản xuất iPhone đã lên kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung ứng để sản xuất nhiều iPhone hơn tại Ấn Độ rồi đưa về Mỹ, nơi bị áp mức thuế thấp hơn. Các giám đốc điều hành của Apple tin rằng đó sẽ là giải pháp ngắn hạn để tránh mức thuế quan cao ngất ngưởng với Trung Quốc và ngăn chặn tình trạng tăng giá mạnh.

Các nhà máy tại Ấn Độ có thể sản xuất hơn 30 triệu chiếc iPhone mỗi năm, đáp ứng một phần lớn nhu cầu của người Mỹ. Hiện nay, Apple bán khoảng 220 - 230 triệu chiếc iPhone mỗi năm, trong đó khoảng 1/3 tại Mỹ.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi như vậy chắc chắn sẽ gặp trở ngại, nhất là khi hãng đã gần sản xuất xong iPhone 17, chủ yếu tại Trung Quốc. Những xáo trộn từ chính sách thuế có thể làm đảo lộn kế hoạch ra mắt điện thoại mới vào mùa thu năm nay.

Chỉ trong vài tháng, công ty sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ khó khăn là chuyển bớt sản xuất iPhone 17 sang Ấn Độ hoặc nơi khác.

Cảm giác bất ổn chưa biến mất hoàn toàn. Các chính sách của Nhà Trắng có thể thay đổi một lần nữa và Apple có thể cần phải thực hiện những thay đổi mạnh mẽ hơn.

Apple cũng phải tính đến bài toán khác: Nếu chuyển bớt sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, họ sẽ gặp phải những hệ lụy gì về tiếp cận thị trường đông dân nhất nhì thế giới?

Việc tách hoàn toàn khỏi châu Á - trung tâm sản xuất của Apple trong nhiều thập kỷ - là điều không thể. Dù ông Trump đã thúc đẩy Apple sản xuất iPhone tại Mỹ, nhưng việc thiếu hụt lao động kỹ thuật và cơ sở sản xuất trong nước sẽ khiến điều đó gần như không thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Hoạt động sản xuất tại châu Á cũng rất quan trọng đối với doanh số bán hàng của Apple trên toàn thế giới, chiếm tới gần 60% doanh thu ngoài châu Mỹ.

Kể từ khi chính sách thuế mới được công bố ngày 2/4, những người vận động hành lang của Apple và các công ty công nghệ khác đã nỗ lực thuyết phục Nhà Trắng.

Các cuộc trao đổi trở nên cấp bách hơn trong những ngày gần đây, sau một loạt hành động trả đũa qua lại giữa Washington và Bắc Kinh dẫn đến việc Mỹ áp mức thuế lên tới 145% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tác động tiềm tàng thậm chí còn lớn hơn sau khi ông Trump tạm dừng áp thuế cao với các quốc gia khác. Điều đó có nghĩa là đối thủ của Apple như Samsung sẽ có lợi thế hơn.

Apple và các công ty khác nhấn mạnh với chính quyền Trump rằng dù họ sẵn sàng tăng đầu tư vào Mỹ, nhưng việc chuyển hoạt động lắp ráp cuối cùng sang quốc gia này sẽ không mang lại nhiều lợi ích.

Thay vào đó, họ lập luận rằng Mỹ nên tập trung vào việc đưa các công việc có giá trị cao hơn trở lại và khuyến khích đầu tư vào những mặt hàng giá trị cao như sản xuất chất bán dẫn.

Bình Giang

Theo Bloomberg, AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-san-xuat-iphone-dung-ben-bo-khung-hoang-truoc-khi-tong-thong-trump-nhuong-bo-thue-post1733257.tpo