Nhà sản xuất Việt loay hoay đưa phim lên nền tảng trực tuyến

Giới làm phim cho rằng phát hành trực tuyến là xu hướng của tương lai. Nhưng hiện tại, theo họ, doanh thu của phim điện ảnh vẫn phụ thuộc vào cụm rạp.

Hai năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của rạp phim trên toàn cầu. Tại thị trường Bắc Mỹ, doanh thu năm 2020 ghi nhận giảm 71% so với năm 2019 (theo Variety). Trong khi đó, các cụm rạp tại Hàn Quốc đầu năm 2021 giảm 32% (Theo Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc) hay Trung Quốc giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020 (Dữ liệu của Công ty tư vấn Artisan Gateway).

Nhiều hãng phim lớn đã có sự thay đổi trong khâu phát hành. Thay vì trung thành với rạp phim truyền thống, họ phát hành song song trên nền tảng trực tuyến. Hãng Warner Bros. công bố 17 phim của họ năm 2021 sẽ ra mắt đồng thời tại rạp và trên dịch vụ trực tuyến. Vừa qua, Walt Disney phát hành bom tấn Black Widow, Jungle Cruise tại rạp và trên dịch vụ Disney+ đều mang lại tín hiệu khả quan.

Doanh thu vẫn phụ thuộc vào rạp

Trao đổi với Zing về vấn đề này, các nhà làm phim Việt, đa số cho rằng, phương thức phát hành mới này là xu hướng của tương lai nhưng hiện tại chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

 Đạo diễn Bảo Nhân cho rằng Việt Nam cần nhiều thời gian để khán giả quen với việc xem phim điện ảnh trực tuyến.

Đạo diễn Bảo Nhân cho rằng Việt Nam cần nhiều thời gian để khán giả quen với việc xem phim điện ảnh trực tuyến.

Theo đạo diễn Bảo Nhân để phát hành phim trực tuyến, thị trường Việt Nam cần thêm nhiều thời gian để xây dựng thói quen cho khán giả. "Và quan trọng hơn cả là vấn nạn xâm phạm bản quyền phim ở Việt Nam vẫn nan giải", anh nói thêm.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng hiện tại, các nền tảng trực tuyến mua một bộ phim điện ảnh Việt cũng chưa đủ để đáp ứng sự đầu tư của nhà làm phim. Anh khẳng định khi nào mức tiền trả của họ cao, mới có phim đi thẳng lên trực tuyến.

Anh nói với Zing: "Tương lai thế nào mình cần chờ thời gian. Nhưng tôi nghĩ điện ảnh phải sống ở rạp. Ở đó, khán giả mới thưởng thức được trọn vẹn một tác phẩm điện ảnh. Nếu phim chỉ sống trong chiếc điện thoại thì thật tội nghiệp".

Bà Vũ Quỳnh Hà, Giám đốc nội dung của Galaxy đánh giá mảng phim chiếu rạp truyền thống sẽ không bị ảnh hưởng bởi phim trực tuyến vì đối tượng và nhu cầu của khán giả xem phim tại rạp hay trực tuyến khác nhau.

 Nhà sản xuất cho hay phim phát hành trực tuyến đa số là phim đã chiếu ở rạp. Ảnh: CGV.

Nhà sản xuất cho hay phim phát hành trực tuyến đa số là phim đã chiếu ở rạp. Ảnh: CGV.

Đồng quan điểm, ông Tuấn Nguyễn, Trưởng phòng Marketing của BHD cho rằng thị trường Việt Nam có đặc thù riêng. Hiện tại, rạp chiếu phim vẫn là một trong những hoạt động mang lại doanh thu chính cho các tác phẩm điện ảnh. Doanh thu nhờ các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam vẫn ở thì tương lai.

"Trong khi thị trường Mỹ, phim điện ảnh được chiếu đồng thời ở cả rạp và nền tảng online. Ở Việt Nam, dịch vụ phát hành trực tuyến vẫn đang tập chung chính vào các nội dung phim nhiều tập hoặc phim đã được chiếu rạp", ông cho hay

Phim trong nước bị kiểm duyệt gắt hơn

Với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến như hiện nay, các nhà sản xuất cho rằng đây là cơ hội để họ có nhiều cách phục vụ khán giả. Tuy vậy, khi khán giả tiếp cận thường xuyên với điện ảnh thế giới, phim bom tấn cũng như những tác phẩm chất lượng cao, họ buộc phải thay đổi để bắt kịp thị hiếu và yêu cầu mới.

Đại diện BHD cho biết ngoài sản xuất phim rạp, hiện tại, họ phát triển các dự án web series dành cho khán giả ở mọi lứa tuổi.

 Bố già là phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé phim Việt.

Bố già là phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé phim Việt.

Bà Vũ Quỳnh Hà cho rằng việc so sánh của khán giả về phim nước ngoài với phim trong nước là khó tránh khỏi khi người xem tiếp cận nhiều bom tấn, sản phẩm chất lượng trên trực tuyến. Và điều này giúp nhà sản xuất bị áp lực đồng thời có động lực học hỏi nhiều hơn để thay đổi, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Đạo diễn Bảo Nhân thừa nhận khi gu thẩm mỹ, trình độ của khán giả tăng hơn khiến người làm nội dung phải hoàn thiện mình. "Chúng tôi không giới hạn cách thức tiếp cận mà tập trung sáng tạo nội dung đi kèm chất lượng sản xuất để sản phẩm đáp ứng được thị hiếu ngày một cao của khán giả", anh nói.

Theo nhìn nhận của các nhà sản xuất, để người làm phim có thể sáng tạo, đổi mới ở khâu nội dung, cần có hành lang pháp lý rõ ràng cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

"Trong Luật Điện ảnh còn nhiều quy định cấm chung chung, tạo rào cản với người sáng tạo. Chúng tôi hy vọng với những kiến nghị của người làm phim, các cơ quan chức năng có thể thay đổi, hỗ trợ người làm phim nhiều hơn", đại diện của BHD phát biểu.

Bà Vũ Quỳnh Hà đánh giá sự chững lại của ngành sản xuất phim Việt đã tạo điều kiện và lợi thế cho phim nước ngoài chiếm lĩnh vào thị trường Việt Nam. So với phim ngoại, bà cho rằng phim Việt đang bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

"Để không bị phụ thuộc vào nguồn phim ảnh nước ngoài, chúng tôi mong muốn nhà nước cần có nhiều chính sách ủng hộ các nhà sản xuất phim Việt hơn nữa. Trong lĩnh vực nội dung OTT, cơ quan quản lý cần tạo ra sân chơi công bằng, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuyên biên giới. Đó là công bằng trong vấn đề kiểm duyệt nội dung cũng như thực hiện nghĩa vụ về thuế đầy đủ như doanh nghiệp nội địa. Sever dữ liệu của họ cũng cần đặt tại Việt Nam theo quy định của pháp luật", đại diện Galaxy nói.

Bích Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-san-xuat-viet-loay-hoay-dua-phim-len-nen-tang-truc-tuyen-post1268335.html