Nhà sư đam mê viết về lòng nhân ái và người thầy thuốc
Hàng chục năm qua, cùng với việc tu hành, nhà sư Thích Nữ Nhuận Bình (chùa Phước Long, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) còn miệt mài đam mê việc viết sách báo và đặc biệt là đam mê viết nhiều về thầy thuốc ngành y.
Nhà sư say mê viết về đề tài người thầy thuốc
Đề tài lựa chọn để viết sách, viết báo của nhà sư Nhuận Bình rất đa dạng, trong đó, bà dành tình cảm sâu đậm nhất cho lĩnh vực y tế. Hàng loạt các bài viết khắc họa đậm nét về những gian lao, hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ đăng trên các báo, bà tập hợp lại và in thành 2 cuốn sách là "Một kiếp nhân sinh - Tình người trong đại dịch COVID-19" và "Nơi khát vọng nảy mầm".
Ở cuốn sách "Một kiếp nhân sinh - Tình người trong đại dịch COVID-19", nhà sư tập trung viết về lòng nhân ái của người dân Việt Nam đối đãi với nhau trong hoàn cảnh dịch bệnh...
Còn trong cuốn "Nơi khát vọng nảy mầm", bà lại hướng về nghị lực, sức sống và niềm tin của thầy thuốc và bệnh nhân trong những thời điểm gian khó, khốc liệt nhất.
Nhà sư bộc bạch rằng, ở những thời điểm khó khăn đó, bệnh viện được coi là nơi lằn ranh giữa cái chết và sự sống rất mong manh. Trong sự mong manh ấy, thầy thuốc là nhân tố quan trọng thắp lên niềm tin trong người bệnh. Mỗi khi người bệnh trở nặng, hoặc sự ra đi mãi mãi của một người bệnh đều trở thành nỗi buồn đau của y bác sĩ.
Bản thân nhà sư Nhuận Bình được học một số kiến thức về y tế, nên thường xuyên xung phong đến các bệnh viện để hỗ trợ thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân. Trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh, bà dành gần 100 ngày đồng hành cùng thầy thuốc trong phòng cấp cứu, phòng hồi sức. Bà là người đã bón từng miếng cơm, gắn từng bình nước truyền, cho bệnh nhân uống từng liều thuốc, hàng đêm tận tình động viên người bệnh hãy tuyệt đối nghe theo hướng dẫn của thầy thuốc...
Chính những ngày đến các bệnh viện trợ giúp thầy thuốc, nhà sư Nhuận Bình thấm hiểu những gian lao, nhọc nhằn của những chiến sĩ mặc áo blouse cũng như khát vọng sống của con người. Có hôm vừa cùng y tá dìu đỡ, thay đồ cho bệnh nhân xong, nhà sư lại tranh thủ ngồi viết ngay trong bệnh viện.
Lan tỏa lòng nhân ái
Viết báo, viết sách giờ đây trở thành việc làm thường xuyên của nhà sư Nhuận Bình, trong hoàn cảnh nào, điều cốt lõi ở những trang viết của bà vẫn toát lên niềm tin về những điều cao cả.
Trong một bài báo viết về các y bác sĩ Quảng Ninh vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch bệnh, nhà sư viết: "Cảm ơn các chàng trai, cô gái Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh luôn tri ân trái tim nhiệt thành của các bạn. Mảnh đất phương Nam mang ơn những đóng góp lặng thầm này, người dân mãi ghi nhận những ân tình mà các bạn đã để lại nơi đây. Rồi thành phố sẽ khỏe, sẽ xinh đẹp lung linh như xưa, sẽ chào đón tất thảy các chàng trai, cô gái Quảng Ninh và nhiều vùng đất thân thương khác. Thành phố này mang ơn các bạn thật nhiều - những thầy thuốc đầy nghĩa tình…".
Nhà sư Nhuận Bình tâm sự rằng, trong hoàn cảnh gian khó, người Việt Nam vẫn đùm bọc lẫn nhau, rất nghĩa tình. Ở mỗi trang viết, tôi luôn muốn chỉ rõ rằng, trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người hãy biết chấp nhận, đối diện với mọi việc, hãy chuyển hóa mọi đau thương bằng trí tuệ, lòng từ bi, nhân hậu thì cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, bình thản. Điều làm tôi tâm đắc, hoan hỷ nhất là sự lương thiện và trái tim ấm nồng của người dân Việt Nam. Kể cả những kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài cũng thế. Dù đôi lúc có người thế này, thế kia nhưng cuối cùng đều sẵn sàng tương trợ lẫn nhau. Điều ấy tôi muốn lan tỏa trên mỗi bài viết của mình. Sự tử tế, nhân hậu, đoàn kết, lòng nhân ái của con người Việt Nam luôn được gìn giữ.
Nhà sư Nhuận Bình còn chia sẻ những tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của mình qua những con chữ, đây là cách bà lan tỏa lòng nhân ái đến cộng đồng. Nhà sư viết "Ngày hôm nay hãy hiến tặng cho ai đó nụ cười của bạn. Bởi đó có thể là thứ ánh sáng lung linh nhất khiến người đó hạnh phúc, cũng là liều thuốc tốt nhất trên thế giới không có tác dụng phụ. Hãy tặng cho nhau những nụ cười, lan tỏa cho nhau lòng nhân ái…".