Nhà sử học Lê Văn Lan: 'Tôi sống sót với Đường lên đỉnh Olympia'
GS Lê Văn Lan nói nhiều khi ông 'lấy làm lạ' vì bản thân giữ vị trí cố vấn môn Sử cho Olympia lâu đến vậy. Ở tuổi 87, nhà sử học vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm với chương trình.
Nhắc tới Nhà sử học Lê Văn Lan, nhiều người nhớ ngay ông là một trong những chuyên gia sáng lập Viện Sử học Việt Nam. Vị giáo sư 87 tuổi cũng nhiều năm làm cố vấn lịch sử cho các chương trình truyền hình, tiêu biểu như Đường lên đỉnh Olympia.
Cùng với nhà báo Tạ Bích Loan, GS Lê Văn Lan tham gia chương trình Olympia từ những ngày đầu tiên. Năm nay, chương trình tròn 20 tuổi, là game show có sức sống bền bỉ nhất của VTV.
Chia sẻ với Zing, Nhà sử học Lê Văn Lan nói nhiều khi ông “lấy làm lạ” vì bản thân gắn bó với vị trí cố vấn môn Lịch sử cho Olympia lâu đến vậy.
Ở tuổi gần 90, vị giáo sư khẳng định nếu trong những năm tới còn được mạnh khỏe, minh mẫn, ông vẫn sẵn sàng đồng hành với sân chơi trí tuệ bổ ích này.
Người sống sót duy nhất
- Cơ duyên nào đã đưa GS đến với vị trí cố vấn cho “Đường lên đỉnh Olympia”?
- Người ta thường nói mọi việc trên đời đều tùy duyên. Cái tùy duyên của tôi là vào năm 1996, sau khi làm chương trình SV 96 với Lại Văn Sâm. Đúng lúc ấy, Tạ Bích Loan hoàn thành bằng Phó Tiến sĩ và về nước, được giao làm Bảy sắc cầu vồng.
Từ SV 96, tôi chuyển sang làm Bảy sắc cầu vồng, rồi cùng “thai nghén” sáng kiến của Tạ Bích Loan để cho ra đời Đường lên đỉnh Olympia. Ấy vậy mà cũng đã 24-25 năm trôi qua rồi.
- 20 năm làm cố vấn môn Lịch sử cho Olympia có ý nghĩa thế nào đối với GS?
- Lúc đầu, Olympia chỉ có hai cố vấn. Về sau, chương trình mới mời thêm nhiều thầy, cô ở các bộ môn khác. Cũng có lúc, ban tổ chức thử mời các vị cố vấn nữ nhưng họ chỉ trụ được 1-2 năm. Các thầy gắn bó được lâu hơn.
Nhưng rồi trong 20 năm qua, nhiều thầy, cô cũng ra đi. Thành ra từ năm đầu tiên cho đến bây giờ, tôi là người sống sót duy nhất. Đôi lúc, tôi cũng tự ngạc nhiên vì điều đó, rằng tại sao mình vẫn cứ sống sót được, không chỉ trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia… mà cả ở nhiều công việc, hội đồng khác.
Lứa tuổi của tôi, tức khóa I của Đại học Tổng hợp, hầu như không còn ai. Vì vậy, hai chữ sống sót luôn ám ảnh tôi. Tôi cũng thỉnh thoảng nghĩ về cái sự sống sót ấy và đi tìm nguyên nhân. Cuối cùng, tôi thấy chỉ còn một lý do là nhờ Trời, nhờ Phật.
- GS còn nhớ về chung kết năm đầu tiên?
- Với tôi, ở Olympia năm đầu tiên, mọi việc đều tinh khôi. Chương trình toát lên sự tươi tắn, hồn nhiên và cũng có vị thế đặc biệt vì lần đầu tiên xuất hiện trong hoàn cảnh sớm sủa như thế.
Chung kết năm thứ nhất chúng tôi làm ở rạp xiếc, không có trường quay. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ấy cũng tới dự. Sự hồn nhiên của Olympia được lan tỏa. Chương trình có vị thế, được các nhà lãnh đạo quan tâm, xã hội càng chú ý, đặc biệt là học sinh, sinh viên lại càng thích thú.
Đấy là một thời chúng ta thường mệnh danh là “son trẻ”. Tôi thích hai chữ này. Các kỷ niệm cũng gói vào đó.
Luôn chuẩn bị tâm lý cho tình huống “bêu đầu sứt trán”
- Ông gặp những trở ngại gì trong quá trình làm cố vấn cho Olympia ?
- Với tư cách cố vấn, điều quan trọng nhất là phải tinh thông nghiệp vụ. Tôi từng phải cố gắng hết sức để đọc, nghe, tưởng tượng, tham dự vào tất cả tình huống trục trặc, những điều đúng hay sai phải phân định rõ ràng nhưng lại phải làm cho nó lung linh, hấp dẫn.
Những năm đầu tiên, tôi tự soạn câu hỏi, tự cho điểm, "tự đá bóng, tự thổi còi" như vậy chỉ có một mình. Trách nhiệm vì thế rất nặng nề. Còn bây giờ, chương trình có đội ngũ soạn câu hỏi chuyên nghiệp nên việc của tôi đỡ đi nhiều. Cứ 1-1,5 tháng, các bạn ấy lại đưa tới nhà tôi một tệp dày câu hỏi.
Việc thẩm định câu hỏi có 3 loại hình: đúng - sai, hay - không hay, đáng bao nhiêu điểm. Bên cạnh đó, những chỗ các bạn đã soạn câu hỏi nhưng có thể làm cho hay hơn thì tôi sẽ chỉnh sửa.
Việc của người cố vấn rất mệt nhọc. Nhưng 20 năm nay tôi đã quen và cũng đã mường tượng những cảnh phải “bêu đầu sứt trán” như thế nào rồi. Tôi cố gắng vượt qua những cái đó.
- Trong 20 năm qua, hầu hết lĩnh vực đều từng xảy ra sự cố, bị khán giả phản ứng sau khi lên sóng. Ông làm thế nào để tránh những rắc rối như thế?
- Thông thường những trường hợp rắc rối rơi vào lĩnh vực Toán. Như tôi với kinh nghiệm 20 năm, nguyên tắc đầu tiên khi thẩm định là: câu hỏi không có hai đáp án. Câu nào có hơn 1 đáp án là hủy ngay, không dùng nữa. Ở lĩnh vực Toán, các thầy chưa quyết định phương pháp làm như vậy nên hay gặp rắc rối.
Vì thế, các thầy Toán tham gia vào việc cố vấn thì khổ cho họ lắm. Nhiều trường hợp các thầy tự rút lui, không làm nữa.
Những trục trặc như thế là nghề nghiệp, không phải sai sót gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng tôi phải tìm cách sửa ngay nếu có sai sót, cũng đã phải mất công lắm, như thêm chế độ, giờ giấc, tổ chức. Nhưng trường hợp rắc rối cũng ít khi xảy ra.
Trong ý thức, chúng tôi cố tìm đến sự tránh né gần như tuyệt đối, nếu có sảy chân thì cố gắng sửa.
Rất may, ở lĩnh vực Lịch sử tôi phụ trách, với sự thận trọng, tâm thức, tâm lý như thế thì hầu như không xảy ra sai sót.
- Vừa qua ở một cuộc thi tuần, khán giả có thắc mắc về phần trả lời câu hỏi Lịch sử của thí sinh. Đây có phải lần đầu tiên xảy ra sự cố ở môn mà GS cố vấn?
- Khán giả tin ở giám khảo, chuyên gia Lịch sử là tôi nên khi tôi thẩm định, phát biểu thì mọi người đều gật gù. Bởi vậy, tôi cũng phải nhận thức được trách nhiệm của mình.
Nói cho to tát thì lời phán quyết của tôi quyết định một số phận, sự thành bại, vui mừng hay buồn bực ở các em học sinh. Bởi vậy, tôi thường có hai chủ trương: thận trọng và rộng rãi. Với những gì có thể bỏ qua, không cần bắt bẻ thì để lại, chúc mừng các bạn ấy.
Tôi nghĩ 20 năm làm việc với tinh thần như thế là giải pháp thuận. Chúng ta nên rộng rãi với nhau để mọi sự đều vui vẻ, có gì phải riết ráo như vậy đâu.
- Mỗi sự việc dư luận tranh cãi về kiến thức trong chương trình gây áp lực thế nào cho các thầy trong ban cố vấn, thưa GS?
- Với tôi thì không có áp lực gì vì tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rồi. Nhưng với các thầy khác, nhất là thầy Toán, Lý, Sinh và Hóa đều rất mệt. Có thầy đã cao tuổi, sau khi xảy ra trục trặc như thế, áp lực nên thôi luôn. Chúng tôi không hề muốn xảy ra chuyện như thế. Các bạn xem truyền hình cũng không muốn.
Vì áp lực quá lớn, có lần chúng tôi đã rất vất vả tìm cố vấn khác thay thế nhưng rồi thầy nào cũng ngại.
- GS và các thầy trong ban cố vấn hỗ trợ nhau thế nào trong công việc?
- Thường mỗi môn có một cố vấn, có môn như Sinh học, Toán thì có 2-3 thầy. Mỗi chuyên gia sẽ xử lý công việc liên quan tới lĩnh vực của mình. Có khi chúng tôi chỉ có thể động viên nhau một cái nhìn, cái bắt tay. Hội đồng cố vấn cần không khí như thế hơn là cần nhân sự.
“Quán quân không về nước không phải lỗi của chúng tôi”
- Sau mỗi trận chung kết Olympia, dư luận thường nổ ra tranh cãi về việc hầu hết nhà vô địch nhận học bổng, đi du học Australia rồi không về nước. Người ta vẫn nói về chương trình là “Olympia đào tạo nhân tài cho Úc” hay “chảy máu chất xám”. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi rất buồn khi nghe những câu như thế. Đúng là các em không về nước nhưng đó không phải lỗi của chúng tôi. Bản chất của chương trình Olympia là vui mà học, học mà vui, rồi từ đó các em có thêm các kỹ năng sống.
Trong cuộc thi, các thí sinh phải chơi có kỹ thuật và giữ tinh thần thi đấu bình tĩnh, lì lợm, không được suy sụp. Rời cuộc thi với tinh thần như thế, một khi vào đời, các em đã quen với áp lực, sẵn sàng chiến đấu với khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tri thức thi đấu là chuyện cả đời. Chúng tôi làm chương trình vì rất nhiều mục tiêu như thế, mong mọi người thông cảm.
Chuyện các em quán quân không về là đúng, các vị trách cứ cũng đúng nhưng phải thông cảm vì đây là tình hình chung.
- GS có tiếp tục đồng hành với “Đường lên đỉnh Olympia” trong các năm sau?
- Ở tuổi 87, đôi khi tôi vẫn thấy làm lạ vì mình còn minh mẫn, sắc sảo, nhạy bén để gắn bó với chương trình. Hơn 20 năm qua, nhiều học trò của tôi đã làm lãnh đạo vẫn yêu quý, gọi tôi là thầy. Thầy trò có gì vẫn bảo ban nhau. Những năm sau nữa, ban tổ chức Olympia còn mời thì tôi vẫn nhận, chừng nào không đủ đáp ứng nữa thì thôi.
- Nhân dịp Olympia tròn 20 tuổi, GS muốn nhắn nhủ điều gì với những người quan tâm, yêu mến chương trình ?
- Tôi có được thông tin rằng Olympia hiện nay dường như đã trở thành một phong trào. Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các cuộc thi Olympia của riêng mình. Nói phong trào Olympia thì có lẽ to chuyện quá, nhưng đúng là chương trình đã có ảnh hưởng xã hội lớn.
Trước thông tin đó, chúng tôi, những người làm chương trình, cảm thấy rất phấn chấn và được an ủi. Tôi rất mong nếu thực sự có phong trào Olympia như thế thì xin mọi người ủng hộ và hơn hết là cho nó đi đúng hướng. Đừng cay cú hay coi Olympia là lối thoát duy nhất để đổi đời cho một học sinh.
Ở chương trình, điều quan trọng là học mà chơi, vui mà học. Học ở đây rất toàn diện, nhiều lĩnh vực. Tôi mong xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh và chính các em hãy vui vẻ mà tham gia phong trào này, không cần riết ráo, cay cú quá.