Nhà tài trợ chính trị ở châu Âu, họ là ai?
Gần đến ngày bầu cử Nghị viện châu Âu, câu chuyện về nguồn tài chính dùng trong các chiến dịch vận động tranh cử càng thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là giới quan sát về vận động tài chính chính trị và tính minh bạch của hoạt động này. Có đến 75% quốc gia, đảng phái ở châu Âu được đánh giá là không hoặc thiếu minh bạch về vấn đề này, trong đó chủ yếu là các nước Tây Âu...
Một báo cáo nghiên cứu mang tên Transparency Gap (Khoảng cách minh bạch) do 25 cơ quan truyền thông châu Âu và diễn đàn Follow the Money thực hiện đang sắp được xuất bản, trong đó khảo sát trên 200 đảng phái chính trị ở châu Âu đang chuẩn bị bước vào cuộc tranh cử tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như Nghị viện châu Âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Ba Lan và Croatia - tức bằng 1/4 số quốc gia thành viên EU - yêu cầu phải xác định nguồn gốc của tất cả các khoản quyên góp.
Nhóm nghiên cứu cũng khảo sát tình hình thực tế tại từng quốc gia riêng lẻ để đưa ra cái nhìn cụ thể, đa chiều, đa dạng hơn. Ở châu Âu, mỗi quốc gia đều có những quy định riêng, tạo ra một bối cảnh phức tạp với nhiều luật lệ khác nhau. Đôi khi mỗi đồng euro đều được hạch toán và tất cả các nhà tài trợ đều được nêu tên. Nhưng, thường thì không rõ ai là người tài trợ và có khả năng gây ảnh hưởng đến các phong trào chính trị. Tiến sĩ Wouter Wolfs, một nhà khoa học chính trị người Bỉ, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào những con số sẵn có và tính minh bạch về tài chính của các đảng chính trị cũng như ứng cử viên của họ thì bức tranh tổng thể rất đáng thất vọng. Về cơ bản, điều này có vấn đề”.
Tính minh bạch ở một số quốc gia có nền chính trị lâu đời nhất của EU kém xa Đông Âu, nơi các quốc gia thành viên mới đã áp dụng những thực tiễn tốt nhất hiện có. Latvia được coi là tiêu chuẩn vàng. Nước này cấm các nhà tài trợ nước ngoài, quyên góp ẩn danh, các nhà tài trợ doanh nghiệp và công đoàn với yêu cầu tiết lộ tên của tất cả các nhà tài trợ cho cơ quan chống tham nhũng của đất nước (KNAB), cơ quan này sẽ kiểm tra xem có bất kỳ hành vi vi phạm quy tắc nào xảy ra hay không. Những cái tên này sau đó được công bố trong cơ sở dữ liệu công báo quốc gia.
Đối với các quốc gia ở phía Tây của “bức màn sắt” (đã được hạ xuống cách đây 35 năm), có thể có những lỗ hổng lớn về trách nhiệm giải trình. Chẳng hạn như ở Pháp, một thành viên sáng lập EU, khoảng cách minh bạch là 100%. Việc quyên góp diễn ra hoàn toàn đằng sau cánh cửa đóng kín và công chúng không có quyền biết ai đang tài trợ cho chính trị Pháp. Lý do, theo cơ quan kiểm toán tài chính chính trị Pháp, đó là “quyền riêng tư”. Ủy ban Quốc gia kiểm soát tài chính chính trị (NCCFP) cho biết: “Thông tin liên quan đến danh tính của một người quyên góp tài chính vì lợi ích của một đảng chính trị có thể tiết lộ quan điểm chính trị của họ”.
Việc ẩn danh có thể bảo vệ những người ủng hộ một đảng khỏi các “mối nguy hiểm”, ví dụ như ở các quốc gia có tình trạng bạo lực chính trị. Ở Bắc Ireland, sau nhiều thập kỷ xung đột giáo phái, danh tính các nhà tài trợ đã được giấu kín cho đến năm 2018.
Ở Pháp có những quy định nghiêm ngặt, được kiểm soát bởi kiểm toán viên, với lệnh cấm các nhà tài trợ nước ngoài và các nhà tài trợ ẩn danh với số tiền trên 150 euro. Các khoản quyên góp cá nhân cho các bên được giới hạn ở mức 7.500 euro và bất kỳ khoản quyên góp nào trên 150 euro đều phải thực hiện bằng chuyển khoản ngân hàng, séc, ghi nợ trực tiếp hoặc thẻ ngân hàng, để lại dấu vết trên giấy tờ mà cơ quan giám sát có thể điều tra.
Tuy nhiên, cách duy nhất để khám phá danh tính của các nhà tài trợ là thông qua rò rỉ thông tin, đôi khi do các nhà báo thu được hoặc nếu các nhà tài trợ chọn công khai thông tin, điều mà họ thường không làm. Phân tích cho thấy những người ủng hộ tư nhân - bao gồm các cá nhân, tập đoàn kinh tế và tổ chức khác - đã đóng góp gần 46 triệu euro cho 15 đảng phái ở Pháp từ năm 2019 đến năm 2022.
Ở Tây Ban Nha, các đảng phái cũng có nghĩa vụ khai báo với cơ quan giám sát, tòa án kiểm toán về danh tính của nhà tài trợ, nhưng tòa án không có nghĩa vụ phải công bố thông tin này. Các bên có nghĩa vụ phải công khai danh tính của các nhà tài trợ với hơn 25.000 euro, nhưng dường như không có khoản quyên góp nào vượt quá ngưỡng đó được thực hiện kể từ năm 2016.
16 thành viên của EU cho phép tất cả hoặc một số nhà tài trợ không được công chúng hoặc báo chí biết đến và ngưỡng tiết lộ danh tính của các nhà tài trợ rất khác nhau. Sau Tây Ban Nha, Đức cũng có giới hạn mức quyên góp cao, theo đó những cái tên phải được tiết lộ, lên tới 10.000 euro, ai góp dưới số tiền này đều được phép ẩn danh. Vào năm 2022, 7 đảng trong Quốc hội Đức đã thu được khoảng 130 triệu euro từ các nhà tài trợ tư nhân cộng các khoản đóng góp bắt buộc (như đảng phí,...) từ các chính trị gia cho đảng của họ. Tuy nhiên, nguồn gốc của hơn 3/4 số tiền này vẫn chưa được xác định. Ngược lại, ở Síp, tất cả các khoản quyên góp trên 500 euro đều phải được khai báo.
Nghị viện châu Âu không áp đặt bất kỳ tiêu chuẩn rõ ràng nào về tài chính chính trị. Ví dụ, không có một quy tắc nào đả động đến ảnh hưởng của lợi ích kinh doanh lên chính trị. Theo một báo cáo năm 2021 do Nghị viện châu Âu ủy quyền, hơn 10 quốc gia cho phép các công ty có hợp đồng với chính phủ và khu vực công quan trọng quyên góp.
Báo cáo ghi nhận ngưỡng trung bình mà các đảng phái phải tiết lộ danh tính nhà tài trợ của họ là 2.400 euro. Báo cáo cũng ghi nhận nhiều quốc gia có ngưỡng rất cao, tiềm ẩn nhiều “rủi ro tham nhũng”. Về các khoản tài trợ từ nước ngoài, theo báo cáo của Nghị viện châu Âu, 5 quốc gia trong khối - gồm Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Luxembourg và Hà Lan - không có lệnh cấm hoàn toàn đối với các khoản quyên góp từ nước ngoài, trong khi Đức cho phép tới 1.000 euro.