Nhà thầu cao tốc có nợ tiền người dân?
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định, không có chuyện nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nợ tiền người dân và sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp xử lý để đảm bảo quyền lợi cho bà con.
Đơn vị nợ tiền là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thiết bị, vật tư
Gần đây có thông tin dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp cung cấp thiết bị, vật tư nợ tiền dẫn đến tình trạng người dân cản trở thi công. Chiều 9/3, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, thực tế không có chuyện nhà thầu thi công dự án cao tốc nợ tiền người dân.
"Đơn vị nợ tiền người dân là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bao gồm thiết bị, xe máy, nhân công và vật tư cho nhà thầu là Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C).
Ban đã nắm thông tin và sẽ làm việc với các đơn vị có liên quan để có hướng xử lý", đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.
Cũng theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị này đã ký hợp đồng với Liên danh Trung Nam E&C - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng Tân Nam thi công gói thầu XL01 dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, Trung Nam E&C thi công hai đoạn tuyến với chiều dài hơn 9km.
Quá trình thực hiện, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận luôn bố trí nguồn vốn đầy đủ. Đồng thời, thực hiện việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng theo đúng quy định của hợp đồng, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng nợ nhà thầu.
"Khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã chỉ đạo Trung Nam E&C có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cũng như người dân liên quan.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận mong người dân hãy hết sức bình tĩnh và giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án trọng điểm của quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói riêng, khu vực nói chung. Đồng thời phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Vì vậy rất mong bà con tích cực phối hợp, hỗ trợ để dự án được triển khai đúng tiến độ", đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nói.
Sẽ xử lý cho người dân
Liên quan đến vụ việc, trao đổi cùng PV Báo Giao thông, ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Trung Nam E&C khẳng định đã thanh toán đầy đủ và không nợ tiền Công ty TNHH TM - DV Vận tải cứu hộ Thanh Tâm (Công ty Thanh Tâm, có địa chỉ tỉnh Tiền Giang).
Theo đại diện Trung Nam E&C, công ty có ký hợp đồng với Công ty Thanh Tâm. Theo hợp đồng, Công ty Thanh Tâm cung cấp nhân công, vật tư, thiết bị, xe máy kèm theo lái máy để Trung Nam E&C thi công hạng mục đường hoàn trả DT978 (tiểu hạng mục thuộc gói thầu XL01).
Hiện Trung Nam E&C đã thanh toán cho Công ty Thanh Tâm hơn 10 tỷ đồng. Phía Công ty Thanh Tâm còn nợ lại của Trung Nam E&C khoảng 200 triệu.
Trong quá trình thi công, Công ty Thanh Tâm có nợ một số đối tác cung cấp vật tư, xe máy và nhân công nên người dân kéo đến công trường cản trở việc thi công.
Đến ngày 7/3, Trung Nam E&C và Giám đốc Công ty Thanh Tâm đã làm việc với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Hậu Giang, Công an huyện Long Mỹ (Hậu Giang) để giải quyết dứt điểm vụ việc.
"Ông P.T.T là đại diện pháp luật Công ty Thanh Tâm có ý kiến là hết khả năng thanh toán và chịu hoàn toàn trước pháp luật số công nợ đưa ra.
Mặc dù Trung Nam E&C không liên quan đến giao dịch giữa người dân và Công ty Thanh Tâm, tuy nhiên Trung Nam E&C sẽ đứng ra chi trả công nợ cho Công ty Thanh Tâm.
Cụ thể, theo tính toán từ phía Công ty Thanh Tâm, công nợ của người dân khoảng 3,2 tỷ, Trung Nam E&C sẽ chi trả số tiền này. Phần còn lại Công ty Thanh Tâm có trách nhiệm thỏa thuận với người dân và xử lý", đại diện Trung Nam E&C thông tin thêm.