Nhà thiên văn học gốc Việt nổi tiếng thế giới Nguyễn Quang Riệu qua đời
Ông qua đời lúc 23h15 ngày 5/1 theo giờ Pháp, tức rạng sáng 6/1 giờ Việt Nam, hưởng thọ 89 tuổi.
Nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới Nguyễn Quang Riệu sinh năm 1932 tại Hải Phòng và hiện ở Pháp. Mê thiên văn từ nhỏ, ông luôn ước mơ được khám phá bí ẩn của vũ trụ. Năm 18 tuổi sang Pháp du học và với nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã trở thành giáo sư, tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris. Ông còn là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS).
TS Nguyễn Quang Riệu là một trong số rất ít nhà khoa học gốc Việt trên thế giới không ngại dấn thân và đạt được những thành công trong ngành thiên văn học, một ngành khoa học vẫn còn non trẻ và ít có điều kiện phát triển tại Việt Nam. Ông đã công bố trên 150 công trình khoa học về vật lý thiên văn trên các tạp chí nổi tiếng.
Một số cuốn sách nổi tiếng của ông là: "Vũ trụ - phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại", "Lang thang trên dải Ngân Hà", "Sông Ngân khi tỏ khi mờ", "Bầu trời tuổi thơ". Ngoài ra, ông còn tham gia soạn một cuốn giáo trình chuyên ngành thiên văn vật lý song ngữ Việt-Anh dành cho sinh viên trong nước.
Năm 1973, giáo sư Riệu nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp sau khi phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus X3).
Từ năm 1976, ông thường xuyên về nước tham gia phát triển và phổ biến ngành vật lý thiên văn và vật lý môi trường, hai lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ ở Việt Nam. Vào thời điểm diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần ngày 25/10/1995 tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Riệu được Bộ Ngoại giao Pháp cấp kinh phí để xây và mua thiết bị thiên văn mang về Việt Nam. Sau đó, ông đề nghị để lại thiết bị tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đài thiên văn Phù Liễn (Kiến An, Hải Phòng) giúp sinh viên thực tập quan sát bầu trời.
Từ đó, hàng năm ông đều dành ít thời gian về nước tổ chức lớp học về môn vật lý vũ trụ và vật lý môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là chương trình do ông tự khởi xướng, kết hợp giữa Đài thiên văn Paris, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Pierre và Marie Curie (Paris) với sự tham gia của Hội Thiên văn Quốc tế. Ông vận động nhiều nhà khoa học nước ngoài cùng về thỉnh giảng.
Ông đặc biệt ủng hộ các bạn trẻ Việt Nam trong lĩnh vực thiên văn, ông từng mong sẽ có Cung khoa học để thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận những ngành khoa học hiện đại.
Giáo sư Nguyễn Quang Riệu từng nói vũ trụ là phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại. Quả vậy, việc khám phá ra một “sao siêu mới” [chỉ thuật ngữ “supernova” trong tiếng Anh, còn được dịch là “vụ nổ siêu tân tinh”) bùng nổ trong chòm sao Thiên nga (Cygnus X3) đã đưa tên tuổi ông lên tầm quốc tế. Không những không vì thế mà trở nên xa lạ, giáo sư Nguyễn Quang Riệu còn luôn trăn trở với sự phát triển của ngành thiên văn học nói riêng và khoa học công nghệ nói chung trên quê hương Việt Nam.
"Sự ra đi của giáo sư là mất mát to lớn cho nền thiên văn học Việt Nam. Những lời nói động viên và hỗ trợ thiết thực của giáo sư Nguyễn Quang Riệu sẽ mãi mãi là một phần ký ức tươi đẹp của chúng tôi và sẽ luôn cùng chúng ta vượt qua mọi cách trở trên chặng đường tương lai, vì một nền thiên văn học Việt Nam phát triển", thành viên Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) chia sẻ.
"Bác rất hoan ngênh những buổi dã ngoại này, có các thành viên đủ lửa tuổi. Các bạn trẻ sẽ làn những nhà thiên văn tương lai. CLB sở hữu cả laser chiếu lên trời!. Rất tiếc là dạo này bác không về nước tham gia vì đường xá xã xôi nhưng bác vẫn theo dõi những hoạt động khoa học trong nước", bức thư nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu gửi bạn trẻ yêu thiên văn ở TP.HCM.