Nhà thiết kế Minh Hạnh: Áo dài là 'đại sứ' của Việt Nam
Không gian của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) trở nên rực rỡ, lung linh bởi sắc màu của hàng nghìn chiếc đèn lồng tỏa sáng, tạo điểm nhấn cho những bộ sưu tập áo dài khắc họa hình ảnh của 15 quốc gia trên thế giới trong chương trình 'Áo dài của chúng ta' diễn ra vào tối 9-4.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, Tổng đạo diễn đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về chương trình được dàn dựng công phu, mang đậm sắc màu văn hóa Việt.
Phóng viên: Được biết, chị đã đầu tư rất nhiều công sức vào chương trình, phải chăng đây là hoạt động thể hiện mong muốn của chị để áo dài trở thành di sản của Việt Nam và thế giới?
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Trong hành trình để áo dài trở thành di sản, chúng ta cần phải có nhiều những sự kiện về áo dài. Tuy nhiên, để áo dài có thể phát triển được thì yếu tố quan trọng là phải được làm trên những chất liệu truyền thống. Trong chương trình lần này, chất liệu vải lụa và gai của Việt Nam được các nhà thiết kế lựa chọn. Đây là một chương trình đặc biệt bởi các thiết kế đều sử dụng chất liệu vải dệt từ cây gai được trồng ở một số tỉnh, thành của Việt Nam. Từ trước đến nay, các nhà thiết kế chưa bao giờ được sử dụng chất lượng vải gai đạt tiêu chuẩn cao có thể may áo dài như lần này.
PV: Chị đánh giá thế nào về tính thích nghi của áo dài Việt Nam?
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Áo dài rất dễ thích nghi cũng như mang tính ứng dụng cao, đồng thời cũng thuận lợi hơn khi đưa các hình ảnh lên tà áo. Đó là điểm đặc biệt mà không phải trang phục truyền thống của nước nào cũng có được. Cấu trúc áo dài truyền thống được định vị từ những thế hệ trước. Chính điều này đã làm cho chiếc áo dài dễ thích nghi với những nền văn hóa khác, thậm chí cả những nền văn hóa rất khác biệt nhưng vẫn đưa được vào trong áo dài.
Đã là áo dài, mà là áo truyền thống thì phải mang tính truyền thống và chất liệu truyền thống. Dĩ nhiên các nhà thiết kế phải làm sao để trang phục áo dài trở thành một chiếc áo của thời đại, có nghĩa là đừng quá lạc hậu và lỗi mốt, rườm rà, phức tạp, mặc không được, giá trị của truyền thống phải được đặt ở vị trí thời đại.
PV: Trong những bộ sưu tập trước đây, chị đã sử dụng chất liệu vải gai để may áo dài chưa?
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng chất liệu gai vào bộ sưu tập áo dài của mình. Trước đây nhiều năm tôi đã sử dụng chất liệu gai vào trang phục của mình nhưng lúc đó làm bằng tay, tức là phải nhờ đồng bào dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn se và dệt. Chính vì vậy, chất lượng thì không thể nào đạt được tiêu chuẩn cao. Chất lượng vải gai để may trang phục áo dài cho chương trình này đạt tiêu chuẩn của quốc tế bởi sợi được xử lý bằng máy công nghiệp.
Để thực hiện chương trình “Áo dài của chúng ta”, chúng tôi phải chuyển 15 nghìn cây gai từ vườn ươm của một nhà máy ở Thanh Hóa để trang trí sân khấu. Hy vọng sau sự kiện này thì phụ nữ Việt Nam sẽ có những chiếc áo dài kết hợp giữa vải gai và lụa.
PV: Tại sao chị lại chọn chủ đề của chương trình là “Thế giới trong tà áo dài Việt”?
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Với chủ đề “Thế giới trong tà áo dài Việt”, 15 nhà thiết kế đã khắc họa hình ảnh đặc trưng của 15 quốc gia trên thế giới lên tà áo dài Việt Nam. Với cảm quan của từng nhà thiết kế, họ sẽ thể hiện ý tưởng của mình lên áo dài. Chẳng hạn như nhà thiết kế Cao Minh Tiến chọn vẻ đẹp của nước Pháp; nhà thiết kế Phương Thanh thì khắc họa hình ảnh đất nước Hà Lan, trong đó điểm nhấn chủ đạo là những đóa hoa tuy lip; hoặc như bộ sưu tập khắc họa hình ảnh nước Mỹ của nhà thiết kế Công Huân...Mỗi đất nước có một nét đặc trưng khác nhau và các nhà thiết kế đưa vào áo dài để làm sao không mất đi hình ảnh của chiếc áo truyền thống nhưng vẫn phải có tinh thần và dấu ấn của các nước trên thế giới.
Tôi đã yêu cầu mỗi nhà thiết kế phải sáng tác những bộ sưu tập để khi trình diễn, mọi người phải nhìn thấy được ý tưởng cũng như dấu ấn của người thiết kế, khi xuất hiện là người xem nhận ra ngay đó là trang phục của ai sáng tác.
PV: Đây không chỉ là một chương trình mang tính trình diễn thời trang đơn thuần mà còn có yếu tố quốc tế, chị đánh giá thế nào về ý nghĩa của chương trình này?
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Áo dài có thể coi là “đại sứ” của Việt Nam, thể hiện hình ảnh Việt Nam và khẳng định văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tôi cho rằng, văn hóa Việt Nam rất dễ thích nghi với văn hóa của các nước khác thông qua tà áo dài.
Tham dự chương trình này sẽ có 15 nhà thiết kế, giới thiệu 15 bộ sưu tập áo dài lấy ý tưởng từ 15 quốc gia trên thế giới.
Hơn 600 bộ áo dài đã được giới thiệu trong chương trình. Tham gia trình diễn còn có hơn 400 người mẫu chuyên và không chuyên, trong đó có phu nhân các đại sứ: Italia, Ấn Độ, Lào… cùng các nghệ sĩ như: NSND Trà Giang, NSND Hoàng Cúc, NSND Lan Hương, NSND Minh Hòa, NSND Thu Hà, NSƯT Thanh Tú...
Khi mời phu nhân đại sứ các nước tham gia trình diễn áo dài trong chương trình, họ rất thích và đồng ý nhận lời tham dự ngay. Điều này cho thấy tính ứng dụng và phổ biến của áo dài được đông đảo phụ nữ của Việt Nam cũng như thế giới yêu thích.
Tôi đang phấn đấu trong năm nay thực hiện một chương trình mà trong đó sẽ giới thiệu 100 bộ áo dài thể hiện hình ảnh 100 nước. Dự kiến sẽ có nhiều nhà thiết kế tham gia chương trình này.
PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Chương trình “Áo dài của chúng ta” do Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Tạp chí Tinh Hoa Đất Việt tổ chức, nhằm tôn vinh giá trị, vẻ đẹp áo dài truyền thống và vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Trong chương trình này, Ban tổ chức giới thiệu hơn 600 bộ áo dài đa dạng về phong cách, kiểu dáng, sắc màu. Tất cả các bộ sưu tập áo dài trong chương trình đều được thực hiện từ bằng chất liệu truyền thống Việt Nam như lụa Vietnam Silk House và vải gai AP. Nhà thiết kế áo dài nổi tiếng của Việt Nam Minh Hạnh là tổng đạo diễn của chương trình.