Nhà thờ bị 'chia đôi xẻ nửa' bất ngờ thành điểm du lịch hút khách
Áo - Nằm gần thị trấn Gmünd ở tiểu bang Carinthia, nhà thờ cổ Geteilte Kirche am Kreuzbichl bất ngờ trở thành điểm đến nổi tiếng thu hút không ít du khách vì bị 'chia đôi xẻ nửa' bởi một con đường.
"Nhà thờ bị chia tách" Geteilte Kirche am Kreuzbichl, có một bên được dùng làm nơi hành lễ, một bên là phòng trưng bày hai tầng. Khu trưng bày cũng là nơi có thể ngồi nghe cha xứ giảng từ bên kia đường.
Sự sắp xếp này được nhiều du khách cho rằng vô cùng "độc đáo" và "hiếm gặp trên thế giới".
Tại vị trí hiện nay của nhà thờ từng có một ngôi đền ven đường tên là "Kreuz am Bichl" (ngã tư đồi). Những ngôi đền ven đường (Marterl) kiểu này rất phổ biến ở Bavaria và các vùng lân cận. Đây là nơi các lữ khách dừng lại và cầu nguyện trên hành trình từ Venice (Italia) đến Salzburg (Áo) - tuyến đường thương mại quan trọng trước kia. Đền Marterl ở Gmünd là điểm dừng chân phổ biến trên chặng đường này.
Ông Anton Fritz, thành viên hội đồng thành phố Gmünd, cho biết ngôi đền bên đường được xây dựng để cầu xin phước lành trên hành trình hoặc cảm ơn sau chuyến đi suôn sẻ.
Ngoài ra, con đường đi qua ngôi đền cũng là nơi những người bị kết án lên giá treo cổ đi bộ qua. Họ sẽ dừng lại ở ngôi đền và nói lên những lời cầu nguyện cuối cùng.
Năm 1784, ngôi đền được chuyển thành nhà nguyện với mái vòm và cầu thang phía trước. Tòa nhà nằm cao hơn mặt đường khoảng 2m, quay mặt ra phía đường và có lan can bằng sắt, nơi các cha xứ đứng giảng đạo.
Các con chiên sẽ đứng phía dưới đường để nghe. Sau đó một mục sư thấy thương các tín đồ hành hương thường phải đứng dưới mưa nghe giảng nên đã cho xây một ngôi nhà hai tầng phía đối diện con đường. Tòa nhà mới chia hai phòng, có ghế để mọi người có thể ngồi nghe khi cha giảng đạo.
Ngày nay du khách khi ghé thăm Gmünd đều đến tham quan nhà thờ đặc biệt này. Các buổi giảng đạo hiện vẫn diễn ra cùng lúc ở hai tòa nhà. Linh mục sẽ đứng ở một tòa nhà và giáo dân ngồi ở tòa còn lại. Nếu một chiếc xe chạy qua nhà thờ trong thời gian làm lễ, linh mục sẽ dừng bài giảng đợi xe đi qua mới tiếp tục.
Ngoài việc chia đôi hai bên đường, nhà thờ còn có bức bích họa nguyên gốc của Michelangelo trong thánh đường.
Danh họa người Italia khi đó đưa bản thảo bức vẽ của mình cho một người bạn, Orciel dela Volterra. Người này đã mang bức tranh đến Gmünd, trang trí như một bức bích họa trong phòng trưng bày tranh.
Năm 1861, họa sĩ Áo Josef Messner đã sơn dầu lên bức họa để cố gắng sửa chữa, trùng tu. Bức bích họa kể từ đó không còn nguyên bản và được sơn sửa lại nhiều lần.
Nằm tại cổng vào Vườn quốc gia Hohe Tauern và Khu dự trữ sinh quyển Nockberge, thị trấn thời trung cổ Gmünd còn được biết đến là "thị trấn nghệ thuật". Du khách đến đây có thể ghé thăm nhiều cuộc triển lãm, hội thảo, hòa nhạc và xưởng vẽ của các nghệ sĩ trong nước, quốc tế.