Nhà thờ Đức Bà Paris dự kiến mở cửa trở lại vào năm 2024
Các quan chức Pháp cho biết tiến độ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà ở Paris đang gấp rút hoàn thành để có thể mở cửa đón du khách vào cuối năm 2024.
Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) không chỉ là biểu tượng của thủ đô Paris mà còn là một trong các biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo phương Tây. Trước khi bị "giặc lửa" tàn phá, Nhà thờ đón khoảng 12 triệu người mỗi năm và là địa điểm được ghé thăm nhiều nhất ở châu Âu.
Đến cuối năm nay, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, một trong những phần quan trọng nhất, trong quá trình hồi sinh tòa nhà sẽ hoàn thành, sau một thời gian thi công khá dài. Đội phục dựng đang tiến hàng việc lắp đặt khung dầm bằng gỗ sồi vững chắc của gác chuông cao vút. Đó là một kỳ quan được tinh chỉnh kết hợp các phương pháp xây dựng hiện đại và thời trung cổ. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khôi phục một trong những trung tâm Công giáo quan trọng nhất của Pháp.
Vụ cháy ngày 15/4/2019 kéo dài 15 giờ đồng hồ đã làm sập ngọn tháp và thiêu rụi một phần mái của di tích lịch sử này. Vụ hỏa hoạn đã khiến nhiều người như chết lặng. Sau đó, 340.000 nhà tài trợ từ 150 quốc gia đã quyên góp gần 844 triệu euro để phục hồi Nhà thờ Đức Bà Paris.
Thời gian dự kiến nhà thờ mở cửa trở lại vào tháng 12/2024 đúng với mục tiêu Tổng thống Emmanuel Macron đặt ra, ngay sau vụ hỏa hoạn, nhưng là quá muộn cho Thế vận hội Olympic Paris diễn ra hè năm sau.
Philippe Jost, giám đốc mới của tổ chức Rebâtir Notre-Dame de Paris giám sát dự án cho biết: “Bây giờ, chúng tôi cảm thấy tự tin rằng mình có thể hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên, có thể sẽ có nhiều chuyện không như mong muốn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện công trình mỗi ngày."
Trong khi chính quyền nỗ lực hồi sinh nhà thờ 856 tuổi, thì những khoản quyên góp lớn từ các tỷ phú quyền lực, các nhà tài trợ quốc tế và các tập đoàn cũng gây nên nhiều phiền toái trong việc quản lý công trình khổng lồ này.
Một ủy ban tài trợ gồm 21 thành viên đã giám sát công việc của công trình. Nó bao gồm Bernard Arnault, người giàu thứ hai thế giới và là người đứng đầu đế chế xa xỉ LVMH; Françoise Bettencourt Meyers, người thừa kế tài sản L'Oreál SA và là người phụ nữ giàu nhất; François Pinault, người sáng lập Kering SA, chủ sở hữu Gucci; và các giám đốc điều hành từ các công ty lớn của Pháp như tập đoàn dầu mỏ khổng lồ TotalEnergies SE, Sanofi và BNP Paribas SA.
Bên cạnh đó, ủy ban tài trợ còn có người đứng đầu nhiều tổ chức từ thiện khác như Friends of Notre -Dame de Paris. Tổ chức cho đến nay đã quyên góp được hơn 21 triệu USD, chủ yếu là từ những người ủng hộ ở Mỹ.
Việc cải tạo Nhà thờ Đức Bà Paris luôn có nhiều tranh cãi. Ngay từ đầu, nhiều kiến trúc sư, các nhà tài trợ lớn cùng các nhà lập pháp đã phản đối mạnh mẽ đối với lời kêu gọi của chính quyền Macron về một thiết kế hiện đại, sáng tạo cho ngọn tháp mới. Do đó, kế hoạch xây dựng nhà thờ hoàn toàn mới đã thất bại.
Và bây giờ, ngọn tháp mới được phục chế đã tái hiện chính xác phiên bản năm 1859 của Eugène Viollet-le-Duc, thay thế cho phiên bản gothic ban đầu. Bên trong, các cửa sổ kính màu đã được làm sạch và làm sáng màu như một phần của quá trình trùng tu. Các tác phẩm điêu khắc trên tường của dàn hợp xướng từ thế kỷ 14 cũng được xử lý khéo léo.
Sự chậm trễ trong quá trình phục hồi tòa tháp cũng xuất phát từ việc dọn sạch cặn chì từ đám cháy, gây nguy cơ ngộ độc tốn nhiều thời gian và quyết định tiến hành một cuộc khai quật khảo cổ bên trong nhà thờ.
Vào tháng 8, hoạt động này đã bị đình trệ do Tổng giám đốc dự án Jean-Louis Georgelin qua đời trong một tai nạn đi bộ đường dài. Việc mở cửa trở lại vào cuối năm 2024, sẽ đánh dấu sự gần hoàn thành các công việc bên trong nhà thờ. Tuy nhiên, giàn giáo sẽ vẫn ở bên ngoài và việc cải tạo khu vực lân cận dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2028.
Trước đó, việc sử dụng quỹ xây dựng nhà thờ không minh bạch, đã khiến các nhà tài trợ phải can thiệp vào các quyết định và thuê chuyên gia bên ngoài để tiết kiệm chi phí. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Philippe Jost khẳng định những vấn đề trên đã được giải quyết và mối quan hệ với các nhà tài trợ vẫn rất tốt.
"Chúng tôi đã cũng cấp nhiều phương tiện để các nhà tài trợ theo dõi tiến độ công trình và các khoản chi tiêu trong quá trình thi công", ông Philippe Jost cho biết thêm.
Chi phí tu sửa nhà thờ sau vụ hỏa hoạn và sửa chữa thiệt hại lên tới khoảng 700 triệu euro. Điều này đã đặt ra câu hỏi cho ủy ban các nhà tài trợ rằng liệu số tiền khoảng 170 triệu euro còn lại vẫn tiếp tục được sử dụng để sửa chữa các khu vực lân cận hay không.
Một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được tiến hành, mặc dù việc chơi xấu gần như bị loại trừ. Thay vào đó, các báo cáo đã chỉ ra các biện pháp an ninh không đầy đủ trong nhà thờ. Và có khả năng các tia lửa ở khu vực mái nhà - có thể do sự bất cẩn của nhà thầu - đã nhanh chóng bắt lửa và thiêu rụi các thanh xà gỗ từ thế kỷ 13 trên gác mái.
Theo dự kiến của các nhà chức trách, sẽ có khoảng 14 triệu du khách sẽ đổ về nhà thờ trong năm đầu tiên sau khi mở cửa. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội, vì tòa nhà vẫn sẽ đóng cửa và bị che khuất một phần bởi giàn giáo nên du khách có thể xem triển lãm thực tế ảo về dự án và triển lãm ảnh tập trung vào tác phẩm thủ công.
Đối với Philippe Villeneuve, kiến trúc sư trưởng của dự án phục sinh Nhà thờ Đức Bà, những năm vừa qua ông vô cùng tiếc nuối khi không thể thực hiện những việc như dự tính. "Quyết định không treo lại chiếc đèn chùm khổng lồ 'vương miện ánh sáng' do Viollet-le-Duc thiết kế theo phong cách gothic sẽ vẫn là hối tiếc lớn nhất của tôi. Tôi muốn được phục hồi như nguyên bản nhưng các vị giáo sĩ lại không ủng hộ điều này. Tôi không thể hiểu lý do tại sao", vị kiến trúc sư trưởng ngậm ngùi.
Vết thương từ vụ hỏa hoạn đã lành dần và kế hoạch mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà đang được tiến hành. Chính quyền Pháp đã mở rộng sửa chữa nhiều di tích trên cả nước như nhà thờ Vieux Saint-Vincent ở Mâcon ở trung tâm xứ sở rượu vang Burgundy hay Château de la Grève ở Saint-Martin-des-Noyers, một trong những lâu đài hiếm hoi vẫn còn tồn tại từ thời Trung cổ ở vùng Vendee.
Pháp đang gặp khó khăn trong khoản tài trợ cho việc bảo trì 44.540 dinh thự lịch sử được chỉ định, bao gồm lâu đài, biệt thự và nhà thờ. Khoảng một phần tư trong số đó được đánh giá trong tình trạng tồi tệ hoặc đặc biệt nguy hiểm.
“Pháp có một lượng di sản to lớn. Việc bảo trì những di sản ấy chưa được như mong đợi bởi cần một khoản tài chính khổng lồ. Ngọn lửa từ vụ cháy nhà thờ Đức Bà đã bộc lộ nhiều tấm lòng rộng lượng. Chúng tôi phải khuyến khích các hoạt động từ thiện và cũng cần quan tâm đến các tượng đài nhỏ hơn", ông Jost nói.