Nhà thơ Giang Nam: Cánh chim bằng đã bay về trời
Tuổi 95, nhà thơ Giang Nam đã rời 'Cỏi tạm' nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng khi nghe tin ông qua đời, tôi vẫn không khỏi bồi hồi xúc động và tiếc nuối. Nhà thơ Giang Nam sinh năm 1929 (tên thật là Nguyễn Sung) quê Thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, sau khi đỗ bằng Thành Chung trường Quy Nhơn, ông đã cùng với hai người anh ruột của mình đi theo tiếng gọi của cách mạng.
Nhà thơ Giang Nam tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, lúc mười sáu tuổi ông đã làm cán bộ thông tin tuyên truyền ở xã. Sau đó, ông được điều chuyển lên tỉnh và được đề bạt làm Phó phòng Văn hóa thông tin, ty Văn hóa tỉnh Khánh Hòa. Sau 1954, nhà thơ Giang Nam vào hoạt động ở chiến khu Nam bộ, ông lần lượt được đề bạt Phó tổng thư ký Hội văn nghệ giải phóng miền Nam, Ủy viên tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục và nhiều chức danh khác. Năm 1975, ông được tín nhiệm là Đại biểu Quốc hội khóa VI, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa II, khóa III, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Điểm xuyết về thân thế sự nghiệp ông, để mọi người hiểu thêm nhà thơ Giang Nam là cán bộ được cách mạng nuôi dưỡng, giáo dục và rèn luyện trưởng thành. Thời đại đã sinh ra nhà thơ Giang Nam, mỗi bài thơ, mỗi trang văn, mỗi bài báo của ông đều là vũ khí sắc bén cổ vũ, khích lệ lòng yêu nước, yêu nhân dân, góp phần làm nên thắng lợi hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông đã để lại cho đời khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, với 11 tập thơ: từ tập thơ “Tháng tám ngày mai” đến “Người đi mở đất”. Trong đó có tới 3 trường ca (2 trường ca đã in và 1 trường ca chưa xuất bản). Về văn xuôi nhà thơ Giang Nam đã xuất bản 5 tác phẩm truyện ký, 1 tác phẩm hồi ký. Nhìn vào số lượng tác phẩm thơ và văn ông viết, đủ cho người đời khâm phục sự đam mê đến trọn đời, sự lao động bền bỉ nghiêm túc đến trọn đời của nhà thơ Giang Nam.
Trong cuộc đời của người cầm bút, để lại cho đời một áng văn hay một bài thơ hay, đó là niềm hạnh phúc nhất của họ. Nhà thơ Giang Nam, đã để lại trong lòng công chúng nhiều bài thơ hay, mà đỉnh cao nhất là bài thơ “Quê hương”.
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.
Hình bóng quê hương được tác giả gợi mở ra bằng những kỷ niệm sâu sắc nhất, gần gũi nhất từ nhà tới lớp đến buổi chăn trâu cắt cỏ, và cả:
“Những ngày trốn học đuổi bướm cạnh cầu ao
Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc
Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi”.
Với giọng tâm tình thủ thỉ ấy, bài thơ hay này tiếp tục dẫn dắt mọi người đi từ ngạc nhiên này, tới ngạc nhiên khác. Khi cách mạng bùng lên, nhân dân đứng lên cứu nước để giành lấy tự do và độc lập, nhà thơ Giang Nam đã “từ biệt mẹ tôi đi” và nhập vào dòng thác cách mạng. Lúc này, tác giả đã không còn là cậu bé ngây thơ như tuổi học trò nữa. Tác giả đã ý thức được lòng yêu quê hương, đất nước từ trái tim mình. Nhưng tác giả lại không ngờ, cô bé nhà bên với “tiếng cười khúc khích” với “đôi mắt đen tròn” ngày ấy cũng ý thức được lòng yêu nước và đã trở thành du kích. Dầu hai nửa vầng trăng đang đi về hai phía, dầu hai người đang ở hai đầu nỗi nhớ, nhưng họ đã cháy lên ngọn lửa tình yêu. Một tình yêu chan chứa nồng hậu như nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”.
Tình yêu của họ đẹp như vậy, khi hai người cùng chung lý tưởng và chiến đấu cho lý tưởng. Càng xa nhau càng khao khát, tình yêu càng rờ rỡ như ánh trăng rằm, với bao nhiêu ước nguyện riêng chung chưa thành. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra đối với đôi trai gái này:
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc giết em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi.
Bài thơ thấm đẫm bi thương, khiến người đọc, người nghe rơi nước mắt cùng tác giả “đau xé lòng anh chết nửa con người”. Không ít người cảm thụ bài thơ “Quê hương” của Giang Nam, đã bình luận rằng nó có cấu tứ gần giống như bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao, tuy ở hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đấy là cả hai người con gái đều hy sinh trong lúc chiến đấu, để lại một mối tình nồng thắm, dầu chưa đạt tới đỉnh cao hạnh phúc. Nhưng những giọt nước mắt khóc hai người con gái này, không mềm yếu mà nuôi dưỡng thêm sức mạnh, thêm niềm tin để đứng lên chiến đấu và chiến thắng quân thù. Ở phần kết bài “Núi Đôi” Vũ Cao viết:
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
Còn bài thơ “Quê hương” Giang Nam viết:
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Đọc thơ Giang Nam người ta dễ nhận thấy đằng sau chất trữ tình sâu lắng “Rất tự do, nên tươi nhạc tươi vần” ấy là sự truyền dẫn về tư tưởng thời đại, nhịp sống thời đại, tầm vóc thời đại. Khi thơ là lăng kính hiện thực soi thời đại, thơ Giang Nam là lăng kính sáng trong nhất, hiện thực nhất, bởi ông là người vừa có cảm xúc nội tâm mãnh liệt, vốn sống phong phú, vừa tư duy sâu sắc.
Những năm tháng hoạt động gian khổ trong vùng chiến khu, trái tim nhà thơ Giang Nam luôn hướng về miền Bắc. Ông lắng nghe ngày đêm từng nhịp thơ của đồng bào miền Bắc, qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã gửi niềm tin mãnh liệt của mình rằng: cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến thắng nhất định sẽ về ta, vì có miền Bắc là hậu phương kề vai sát cánh, có bạn bè quốc tế luôn ủng hộ Việt Nam. Bài thơ “Tiếng nói Việt Nam” đã bộc lộ rất rõ cảm xúc chân thành của ông:
Đây tiếng nói Việt Nam!
Đây Hà Nội
Xa muôn trùng vẫn thì thầm bên tai
Rút lại cách ngăn, đẩy lùi bóng tối
Thắp niềm tin cháy sáng giữa tim người.
Niềm tin ấy chính làniềm khao khát và ước vọng hàng ngày, giúp tác giả thêm sức bền chiến đấu. Từ trong căn hầm sâu bí mật, được đồng nghiệp mình chia sẻ niềm vui khi nhận được bức thư của người em gửi về, báo tin mừng cho người anh, em đã thành sinh viên trên trường đại học ở miền Bắc. Nhà thơ Giang Nam đã trải cảm xúc của mình qua bài thơ “Nghe em vào đại học”. Bài thơ này, sau khi được đăng trên báo Văn nghệ giải phóng đã nhanh chóng được lan truyền trong công chúng. Bài thơ như một lời giáo huấn của người anh cho đứa em trai mình, về nhiệm vụ của sinh viên trên giảng đường, ấy là phải học thật tốt, để phụng sự Tổ quốc, bởi có hàng triệu người đang hy sinh máu xương vì tự do độc lập, nhưng cánh cửa trường đại học vẫn rộng mở: "Chế độ cho em đôi cánh chim bằng/ Và vinh dự được làm người đi trước”. Để rồi ngày mai khi nước nhà thống nhất: “Em lại về dạy chữ cho anh”.
Niềm ao ước của nhà thơ và niềm ao ước hàng triệu người dân Việt Nam đã hóa thành hiện thực. Trong ngày vui thống nhất non sông, bài thơ “Mùa xuân ơi rất tuyệt vời” nhà thơ Giang Nam đã thốt lên khi được làm một công dân tự do trong màu xanh rười rượi hòa bình của quê hương đất nước:
Tự do nên má em hồng
Trời xanh nên mắt em trong lạ lùng
Người thủy chung, đất thủy chung|
Tình yêu bỗng đẹp vô cùng hỡi em.
Mùa xuân năm 2023 này nhà thơ Giang Nam đã ngừng bút viết khi khép lại cuộc đời. Nhưng những cống hiến cho cách mạng và sự nghiệp văn thơ của ông, vẫn rực rỡ một màu trời hồng cách mạng, tỏa nắng đẹp trong lòng nhiều thế hệ.