Nhà thơ Lê Minh Quốc: Lịch sử luôn là đề tài hấp dẫn công chúng

'Không riêng gì phim 'Đào, phở và piano' mà những phim tương tự lấy chất liệu từ lịch sử, không ít đạo diễn, nhà biên kịch ngại 'đụng tới'. Không phải họ không làm được, cái chính vẫn là do rào cản của quan niệm, đề tài về lịch sử khó thu hút công chúng.

Không phải là vậy. Đề tài nào cũng hấp dẫn công chúng, nếu bộ phim làm đâu ra đó, có tấm, có miếng, chứ không phải là những thước phim “minh họa” cho lịch sử”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

PV: Ý anh muốn nói, vấn đề không phải chúng ta làm phim gì, viết gì, vẽ gì, diễn gì… mà điều cốt lõi “xưa như trái đất” vẫn là cách thể hiện, thực hiện như thế nào?

Nhà thơ Lê Minh Quốc.

Nhà thơ Lê Minh Quốc.

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Yếu tố “như thế nào” rất quan trọng, chứ không phải đề tài gì. Để tài gì cũng thế, cũng là sự lựa chọn của người hưởng thụ văn hóa. Vấn đề đặt ra, dù vẫn đề tài đó nhưng làm “có tới” hay không? Có thể do nghĩ khác quan niệm này, bạn thấy đấy, xưa nay đã có nhiều bộ phim cho rằng muốn đánh trúng thị hiếu người xem thì phải thế này, thế kia… Nhưng rồi thế nào? Có thể ồn ào trong chốc lát, rồi chìm nghỉm, nếu có xem, có hào hứng đi nữa nhưng rồi nay mấy ai còn nhớ tới?

Một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, không có truyền thông quảng cáo, không họp báo, được công chiếu tại rạp lặng lẽ, “Đào, phở và piano” bỗng dưng trở thành hiện tượng truyền thông ngay từ khán giả, sau khi đã xem phim, phần nào cho thấy nhu cầu của công chúng về những tác phẩm nghệ thuật có đề tài dân tộc, đất nước.

Khi xem phim “Đào, phở và piano”, chúng ta có thể phát hiện ra một vài tiểu tiết nọ kia, không sao cả, có sai thì có rút kinh nghiệm để lần sau không va vấp nữa. Qua đó, dám khẳng định một lần nữa, lịch sử non sông nước Việt mãi mãi là một đề tài hấp dẫn công chúng. Do yếu tố lịch sử bên cạnh chính sử còn có “góc khuất”, kể cả góc nhìn cũng khác nên đề tài này không “dễ ăn”. Thế thì làm như thế nào để lôi cuốn và đáp ứng nhu cầu giải trí lẫn bổ sung kiến thức về lịch sử? Mỗi người sẽ có câu trả lời nhưng tôi nghĩ đề tài lịch sử luôn là một thử thách hấp dẫn đối với các nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên…

Từ bộ phim này để thấy nhu cầu của công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, về những tác phẩm nghệ thuật có đề tài dân tộc, đất nước, ra sao thưa anh?

- Tôi nhìn thấy đây là một tín hiệu tích cực, nhất là ở thế hệ trẻ. Có thể các bạn trẻ ấy chưa thấu hiểu hết những sự kiện lịch sử đang diễn ra như những người có nghiên cứu chuyên sâu, nhưng tôi tin sau khi xem phim vẫn còn đọng lại ở họ một điều gì đó như tự hào, khâm phục thế hệ cha anh đã sống và chiến đấu trong một giai đoạn của lịch sử. Chỉ cần như thế đã là một sự thành công của bộ phim này.

Chúng ta không ngây thơ khi đòi hỏi, bắt buộc bộ phim phải như thế này, như thế kia mới là phim lịch sử. Mà cần đặt nó trong bối cảnh chung của thị trường điện ảnh hiện nay. Theo tôi đây cũng là một “phép thử” thành công khi khảo sát đề tài lịch sử ở thế hệ trẻ.

Thơ của anh cũng thường được lựa chọn làm đề thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, anh chia sẻ sao về điều này?

- Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất vẫn là được chia sẻ về những giá trị nhân văn mà mình đã và đang nỗ lực hướng tới. Nếu các bài thơ, đoạn văn chọn in trong sách giáo khoa, chọn thi trong các kỳ thi tuyển sinh là những hạt mầm, tôi nghĩ, ít ra cũng đã được neo giữ lại trong trí nhớ của thế hệ trẻ.

Một khi hạt đã gieo, ta có quyền mong đợi mùa vàng ngày sau, từ suy nghĩ của các bạn trẻ. Nghĩ thế, khiến lòng tôi ấm áp vì đã cùng với hàng triệu, hàng triệu tấm lòng khác, bản thân mình cũng có đóng góp, dẫu nhỏ nhoi nhưng có ích.

Qua nhiều tác phẩm thơ của anh, có thể thấy anh kỹ lưỡng trong việc lựa chọn ngôn ngữ làm sao vừa ẩn tàng được tính chất bản sắc của văn hóa Việt, nhưng cũng rất hiện đại, gần gũi với bạn đọc, nhất là giới trẻ?

- Câu hỏi này khiến tôi bất ngờ, thật lạ, đây cũng chính là điều tôi tâm niệm để luôn cố gắng. Ngay cả lúc mới làm thơ và sau này tập trung cho công việc nhọc nhằn “tìm về linh hồn tiếng Việt”, tôi cũng đã tự giao cho mình “trách nhiệm”: Viết cho các bạn trẻ. Thế là tôi lại bắt tay vào viết bộ sách “Lắt léo tiếng Việt” (NXB Trẻ), “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” (NXB Tổng hợp TPHCM). Công việc này vẫn đang tiếp tục mỗi ngày, từng ngày, như một cách chia sẻ với bạn đọc những gì mình đã đọc, đã học.

Là người có kinh nghiệm lâu năm làm việc trực tiếp với các tác giả trẻ cũng như độc giả trẻ, anh thấu hiểu ngôn ngữ nghệ thuật nói chung và ngôn ngữ văn học nói riêng có thể ăn sâu vào tiềm thức của khán giả ra sao, khi muốn truyền đạt tư tưởng, trong đó có tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đâu là kinh nghiệm của anh?

- Khi biên soạn những bộ sách tìm hiểu tiếng Việt, như đã nói, với tôi là một trách nhiệm. Một khi đã nói đến “trách nhiệm”, khiến ai cũng cảm thấy “nặng nề”, tôi cũng thế thôi.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy nhẹ lòng, luôn hào hứng vì có một câu đọng lại trong đầu mà tôi vẫn nhớ mãi, dặn lòng chớ quên, nếu bạn đồng ý, cho phép tôi nhắc ra ở đây, nhắc ra cũng là lúc tôi muốn tâm tình với thế hệ trẻ: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được” (Tagore). Tâm đắc với câu nói này, vì ngày 30/10/1926, nhà thơ Đông Hồ đã mở Trí Đức học xá tại Hà Tiên chỉ để dạy tiếng Việt.

Dù loại hình nghệ thuật gì, phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: Của người Việt, dành cho người Việt, vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của bản sắc Việt/ tinh hoa Việt thì mới có thể hòa nhập vào trong dòng chảy văn hóa của nhân loại.

Xin cảm ơn chia sẻ của anh!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-tho-le-minh-quoc-lich-su-luon-la-de-tai-hap-dan-cong-chung-10275481.html