Nhà thơ - MC Yên Khương: Lớn lên cùng con, đồng hành cùng con

Nhà thơ Yên Khương chia sẻ: 'Tôi thường nghĩ, dường như trẻ con được sinh ra trong cuộc đời này, chính là điều tuyệt vời nhất của tạo hóa, giúp cho mỗi người lớn nhận ra rằng, thế giới này, cuộc sống này đã được bắt đầu một cách xinh đẹp, trong trẻo, và thiện lương đến nhường nào. Khi thực sự trở thành một bà mẹ, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về điều đó'.

Nhà thơ Yên Khương.

Nhà thơ Yên Khương.

Với nhà thơ Yên Khương, bố mẹ nào cũng đều yêu thương con cái, mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất.

Chị và chồng cùng thống nhất với nhau về cách thức nuôi dạy con, chia sẻ cùng nhau mọi vấn đề trong cuộc sống từ công việc, tới cảm xúc, tư duy để từ đó đồng hành cùng con. “Thực ra, chúng tôi không quá cầu toàn, càng không khắt khe trong quá trình nuôi dạy con”, nhà thơ Yên Khương tâm sự và cho rằng, “khi các con còn nhỏ, mình cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể cho con, hành trình những đứa trẻ lớn lên cũng là hành trình bố mẹ hoàn thiện mình hơn nữa. Cuộc đời này tưởng dài lắm, thực ra cũng thật vô thường, chúng tôi muốn mỗi ngày bên nhau đều thật thoải mái và ý nghĩa.

Ở bên nhau, trò chuyện cùng nhau, chơi cùng nhau, nói lời yêu thương, nhìn nhận điểm tốt của nhau, cũng chia sẻ những khiếm khuyết của nhau để từ đó tốt hơn lên mỗi ngày.

Trong nhà tôi không có khái niệm tuyệt đối, chúng tôi luôn cho trẻ thấy rằng, ai cũng có thể mắc lỗi sai, quan trọng là mình nhìn ra lỗi sai ấy và quyết tâm điều chỉnh. Ba mẹ không phải lúc nào cũng đúng, cũng tốt, chúng tôi để lũ trẻ thấy rằng chúng được quyền sai nhưng khi chúng sai chúng có gia đình bên cạnh ôm ấp và chỉ ra, đồng thời giúp chúng thay đổi tích cực hơn”.

Theo nhà thơ Yên Khương, những bài học từ gia đình, từ cuộc đời, trong thiên nhiên là những bài học tự nhiên và cũng ý nghĩa nhất dành cho mỗi đứa trẻ. Thiên nhiên cũng giúp người lớn cân bằng hơn. Có những giai đoạn gần như cuối tuần nào gia đình chị cũng sắp xếp để cho trẻ hòa mình với thiên nhiên.

Về với rừng, chơi với suối, hòa mình với bao la của biển hay đơn giản là cùng nhau chơi ở những vườn hoa, những bãi đất trống, đi dạo dưới những tán cây xanh. Chị muốn cùng con lắng nghe âm thanh của thiên nhiên, tìm hiểu về cách mà thiên nhiên quanh mình đang vận hành, tận hưởng niềm vui với những thứ xung quanh mình như cỏ cây, hoa lá, dòng nước, viên đã hay những loài động vật mà không cần bất kỳ phương tiện công nghệ thông minh nào như điện thoại, ipad hay tivi…

“Những chuyến đi chơi như thế giúp tôi nhận ra nhiều điều, chúng ta bị lệ thuộc nhiều vào những phương tiện hiện đại mà quên đi rằng, mình hoàn toàn có thể hạnh phúc mà không cần quá nhiều yêu cầu vật chất. Vài chiếc lá tụi trẻ có thể chơi đủ trò, đắm mình trong dòng nước mát chúng có thể tưởng tượng ra cả một thế giới”, Yên Khương chia sẻ.

Gia đình chị sau nhiều suy nghĩ về việc có nên ra ở riêng hay không thì vẫn quyết định sống cùng ông bà nội. Yên Khương thấy, đó là cơ hội dành cho con mình:

“Không chỉ với ông bà nội ngoại mà với ngay cả với cụ nội ngoại của các con tôi, chúng tôi vẫn luôn kể cho chúng nghe về những thế hệ của gia đình, chúng lại rất thích nghe.

Trẻ con mà, chúng có sẵn sự tò mò về mọi thứ, chỉ là mình sẽ gợi như thế nào. Mỗi thế hệ là một câu chuyện có ở đó sự khác biệt, nhưng cũng có ở đó sự tiếp nối. Khi sống cùng trong một gia đình nhiều thế hệ các con đã được cùng lúc sống và tìm hiểu về mỗi thế hệ. Tôi thường sẽ không bỏ qua mọi cơ hội để chia sẻ cùng con cuộc đời của mình đã trải qua quãng thời gian như thế nào, gắn với giai đoạn lịch sử nào?

Ông bà của mình cũng vậy, và cùng một vấn đề ông bà có cách nhìn và cách giải quyết khác, tại sao bố mẹ mình lại có cách nhìn khác, và bản thân các con lại có chính kiến riêng. Việc không đưa ra quan điểm tuyệt đối đúng, tuyệt đối sai giúp chúng tôi không phủ nhận nhau mà ngược lại, cùng nhau tìm về thế mạnh để có thể dung hòa”.

Hai bé gái của Yên Khương đều vui thích khi được về quê ngoại, vì có nhiều câu chuyện tuổi thơ của mẹ được chị kể lại. Chúng vẫn không ngừng tò mò về nơi mà mẹ chúng được sinh ra, lớn lên, trải qua rất nhiều chuyện mà đôi khi chúng thấy buồn cười khi được nghe. Quê ngoại của hai bé là vùng thôn quê miền trung du, có ruộng đồng, ao hồ, sông suối…

Mỗi lần về quê, chúng sẽ được trải nghiệm đủ thứ. Ở quê ngoại, cũng có những chị em họ mà bọn trẻ có thể dễ dàng hòa đồng nhập cuộc…

“Ông bà ngoại của lũ trẻ cũng là những người rất trẻ trung, vui vẻ và đương nhiên là yêu chiều các cháu nên chúng lại càng mê. Mùa hè nào cũng là những chuỗi ngày dãi nắng cùng bà ngoại chạy bộ, đạp xe quanh xóm. Hay những buổi thưởng thức “đặc sản” tắm ao cùng ông ngoại… đều là những kỷ niệm đặc biệt với tụi nhỏ”, nhà thơ Yên Khương kể lại, “qua đó, các con học được thêm rất nhiều kỹ năng từ mỗi người.

Ví như khi chơi cùng dì của chúng, chúng sẽ được học thêm về nấu nướng, khi ở cùng ông ngoại chúng được truyền cảm hứng may vá, thiết kế vì bố tôi là một thợ may. Ở với bà ngoại thì chúng sẽ thỏa sức hát ca nhảy múa, vì bà rất yêu đời và đam mê văn nghệ. Thực ra, vì tôi đã được bố mẹ nuôi dạy và truyền những cảm hứng sống rất tự nhiên và tích cực như thế nên tôi cảm thấy cực kỳ yên tâm và hạnh phúc khi con cái mình có nhiều thời gian ở cạnh ông bà”.

Yên Khương chia sẻ thêm, việc chăm lo cho đời sống vật chất, cảm xúc và tri thức của mỗi gia đình đều phải dựa trên sự phù hợp. Chị luôn tin rằng là cha mẹ ai cũng sẽ yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp cho con cả… không có mẫu số chung cho yêu thương ấy:

“Mục tiêu bạn muốn con mình trở thành người như thế nào, sẽ có những phương pháp tương ứng được áp dụng. Với gia đình tôi, tôi luôn nói với hai cô con gái, chúng tôi cùng phấn đấu để trở thành những người tử tế và tỉnh táo. Muốn tử tế hạt mầm yêu thương cần được chăm bón, để tỉnh táo tri thức là điều không thể thiếu.

Yêu thương dẫu sẵn có nhưng vẫn cần được bày tỏ, chia sẻ hàng ngày và vì thế tôi nghĩ rằng ba mẹ dẫu bận rộn tới đâu cũng nên dành những khoảng thời gian chất lượng cùng con cái, chia sẻ về cuộc sống của mình, cùng nhau đọc sách, tìm kiếm những sở thích chung, những mối quan tâm chung để có thể trò chuyện cùng con cái, từ đó cùng con khám phá thế giới cảm xúc của mình và của cuộc sống xung quanh.

Để làm được điều ấy, lại cần cha mẹ dụng tâm. Bố mẹ không cần và cũng không nên dành trọn thời gian cho con, vì con cái cần không gian riêng, chính bố mẹ cũng cần những khoảng riêng ấy, nhưng dù một ngày bố mẹ dành bao nhiêu thời gian cho con thì đó nên là khoảng thời gian chất lượng, bố mẹ dẫu bận rộn cũng nên tìm cách để kết nối với con”.

Mùa hè là dịp bố mẹ dành thời gian cùng các con, đưa các con về quê thăm ông bà họ hàng, tham gia các chuyến đi dã ngoại hay chương trình hoạt động xã hội ý nghĩa, đây cũng là thời gian gia đình được quây quần sum họp bên nhau. Tuy nhiên, ngày nay, mùa hè đang mất dần ý nghĩa khi các con phải tập trung vào việc học thêm, hay vùi đầu ngày ngày chơi game trên máy tính, điện thoại…

VIỆT QUỲNH (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-tho-mc-yen-khuong-lon-len-cung-con-dong-hanh-cung-con-10285985.html