Nhà thơ ng. anhanh mở triển lãm 'Làm màu'

'Làm màu' là triển lãm thứ 2 của nhà thơ ng. anhanh (Nguyễn Thanh Anh, SN 1984), cũng là một nghệ sĩ thị giác.

Nghệ sĩ ng. anhanh đã sáng tác thơ được hơn 16 năm với các bút hiệu: Tiểu Anh, Anh Anh… và đã in một tập thơ song ngữ “Đã là một phiền toái” (2019) - tập thơ được đánh giá cao trong giới chuyên môn vì đã thể hiện một cá tính mạnh mẽ không che đậy với lối thơ tự thú lần đầu xuất hiện trong thơ tiếng Việt.

Nhà thơ - nghệ sĩ thị giác ng. anhanh.

Nhà thơ - nghệ sĩ thị giác ng. anhanh.

Thơ của ng. anhanh cũng được dịch và giới thiệu ở Thụy Điển, Séc… ng. anhanh đến với hội họa mỗi khi muốn bộc lộ hoặc diễn đạt một trạng thái khác thường mà ngôn ngữ đã hoàn toàn trở nên bất lực.

Cô cũng mở triển lãm đầu tiên vào tháng 12/2021 tại Sài Gòn, với tên gọi “Theo đuổi những phiền toái”.

Cây bút mỹ thuật Trang ps nhận định: “Đúng như tên gọi triển lãm, ng.anhanh chơi với mực tàu, oil stick, chì, bút lông... trên chất liệu giấy mộc mạc để cảm nhận tính trong veo từ bên trong khi bản thân không đặt nặng việc mình đang vẽ điều này cho ai xem, và mục tiêu của quá trình là gì.

Cô không vẽ cho một sự trưng bày, mà trưng bày chỉ đơn giản là hệ quả. Nhiều người phản biện “nếu không có mục đích vẽ, thì làm sao vươn tới sự hoàn hảo? Làm sao có thái độ nghiêm túc trong đó?”.

Nhưng vốn dĩ, khi bạn trọn vẹn với mỗi giây vẽ, thì cả quá trình vẽ đó chính là sự trọn vẹn. Lúc này, rõ ràng, bạn không cần đặt ra một chí hướng, nhưng vẫn cảm nhận sự thư thái và uyển chuyển xuyên suốt thực hành.

Trong khi đó, không ít người tự gây ra áp lực cho chính mình, và cũng chính áp lực đó khiến họ đánh mất đi sự mềm mại, uyển chuyển lẫn nguồn sáng tạo bản năng vốn vượt thoát ra ngoài tầng lý trí, toan tính nông cạn”.

Trang ps cũng nhấn mạnh, vì sao người lớn đôi khi cảm thấy rất bất ngờ trước một bức vẽ của một đứa trẻ? Kiểu tô, kiểu đưa bút cùng tạo hình ngô nghê và không giống ai cả. Vì trong sự trong sáng, thì không có sự bắt chước và sự sắp đặt.

Chính lý trí khiến tác phẩm đánh mất đi dòng chảy uyển chuyển và mềm mại của chính nó. Nhưng khi một nghệ sĩ chỉ đơn giản hiện diện với quá trình sáng tạo, chính dòng chảy nội tại này “đưa đường dẫn lối” cho những sắc màu được nhịp nhàng, truyền cảm và lôi cuốn như nước.

Trong hội họa của ng.anhanh, có khi là vẽ, có khi là tô, có khi như đang phá phách, có khi như đang uốn nắn, có khi lại ngạo nghễ, có khi chấm phá và có khi viết nguệch ngoạc... Một kiểu chơi không theo lề thói.

Những sắc màu cứ thế va chạm vào nhau, nương tựa, và luồn lách qua nhau. Nhưng ta vẫn cảm nhận tính hòa nhập mà không bị hòa tan, đa sắc mà không rơi vào trạng huống hỗn mang. Sự trật tự một cách tự nhiên, với những khoảng trống giấy là sự cân bằng và cũng là khoảng thở cho tác phẩm.

Nghệ sĩ ng. anhanh nói rằng, thà làm màu, chứ không gây chiến. Kiểu như nhại lại câu Make paint - Not War mà Yoko Ono - John Lennon từng nói ở thập niên 1960 Make love - Not war.

Nói về triển lãm lần này, ng. anhanh chia sẻ: “Làm màu” theo nghĩa lóng của tiếng Việt hàm chỉ một người thích tô vẽ bản thân, thể hiện cái tôi cá nhân và hiện nay thì từ ngữ này dần chuyển hướng không còn nghĩa tiêu cực hàm ý dè bĩu nữa, mà như một lời chấp nhận sự khẳng định thể hiện bản thể, dù cho có thể gây chướng mắt đối với những định kiến. Với tôi, “làm màu” trong hội họa đi theo đúng nghĩa đen của nó, chính là chơi đùa và thực hành với màu sắc”.

Nhà nghiên cứu Hà Trọng nhận định về triển lãm lần này: “Tuy tiếp nối “Theo đuổi những phiền toái” (2021), nhưng lần thứ hai này bằng chất liệu màu acrylic trên giấy, thay cho những bức acrylic trên bố khổ lớn của lần trước, đầy tràn sắc thái trừu tượng trữ tình. Lần này là nỗ lực thử nghiệm phong cách tachist (achisme, tạm dịch: Vệt màu), kết hợp trừu tượng biểu hiện hành động và được thể hiện trực quan hơn.

Đây là sự bùng nổ trên những trang giấy, một cuộc bạo loạn của màu sắc, những hành vi tự phát, nhưng không thiếu sự kiểm soát cả chất liệu lẫn kỹ thuật. Những khối màu nguyên thủy hơn, rực rỡ và có vẻ lạc quan hơn, đôi khi có những ký hiệu, hoặc hình tượng ẩn giấu, nhưng chỉ là cái cớ để ban cho màu sắc và nét cọ có đời sống riêng của chúng”.

Ngoài ngôn ngữ thơ của ng. anhanh, có thể xem sự biểu đạt trong những tác phẩm “Làm màu” như một tiếng nói khác, một nghệ thuật khác - xuất phát từ nhu cầu tự thân, đánh thức một “nghệ sĩ nội tại”, mà trong đó tinh thần trẻ thơ là cần thiết cho mọi trò chơi sáng tạo.

Hà Vũ Trọng khẳng định: “Với “Làm màu”, họa sĩ g. anhanh đã hoán chuyển ngữ nghĩa của cụm từ này, hàm ý mỉa mai về sự phô trương màu mè vị kỷ thành một uyển ngữ tích cực của một homo ludens (người chơi), đi vào sân chơi nghệ thuật của đời sống, như trẻ em trong trò chơi tô màu cầu vồng, để khám phá thế giới và bản ngã, mỗi biểu hiện là một hành vi tồn tại như hơi thở.

“Thế giới này chỉ là một khung vải bố dành cho trí tưởng tượng của chúng ta” - như Henry Thoreau nhắc lại theo cùng thể điệu trong kinh Hoa nghiêm “tâm như họa sĩ khéo, vẽ thế giới muôn màu”.

Bài thơ mà ng. anhanh nói rằng mình dựa vào để “Làm màu”:

Câu hỏi tháng 3

Phải chăng

chúng mình chẳng bao giờ có thể

lớn lên

vì oằn trên lưng

cõng

dăm thằng khổng lồ và hàng vạn nỗi đau

chẳng thể chờ

khi loay hoay với cơm áo

không vui như trò đánh đáo

nhưng vẫn phải bày cuộc

anh ra đi tháng ba

quẳng lại sau lưng lời chia tay cũ rích

dòng đời ngắn ngủi

em về soi bóng mình

dưới sông một con hủi

đầy đủ 10 ngón tay dài, thon, nhọn

nhưng không thể cầm nắm bất cứ thứ gì

vậy mà vui

mọi người đều thành gù

mọi người đều phải chơi

mọi người như là hủi

em không khóc, lâu rồi, không khóc

chỉ ngồi hát ca

sao tháng ba

mưa giăng giăng thế?

Triển lãm ‘Làm màu’ sẽ khai mạc lúc 18h ngày 6/3 tại Chu Artspace (33/1B Đặng Văn Ngữ, Phú Nhuận, TPHCM).

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-tho-ng-anhanh-mo-trien-lam-lam-mau-post628602.html