Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ: Phụ nữ làm thơ thường dễ đồng cảm với nhau

Chạm tuổi 40, nhà thơ Trần Ngọc Mỹ đồng thời ra mắt một trường ca và một tập thơ đánh dấu 10 năm hành trình sáng tác. 10 năm với gần 10 ấn phẩm giới thiệu tới bạn đọc, chị cho thấy năng lượng và hơn cả là tình yêu với văn chương và thơ ca.

 Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ

Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ

+ Đầu năm 2025, chị đã ra mắt tới 2 tác phẩm: Trường ca "Xuyên qua giấc mơ" và tập thơ "Ngày sẽ trôi". Dường như thơ luôn bầu bạn với chị những năm qua?

Sau 5 tập thơ, 2 tập văn xuôi thì đây là tập sách thứ 8 và thứ 9 của tôi. Thực ra tôi hoàn toàn có thể phát hành vào năm 2024 nhưng tôi đã chọn dấu mốc chào đời của hai cuốn sách này vào mùa xuân 2025. Tôi đã làm thơ từ bao giờ tôi không nhớ, bởi đó là phút ngẫu hứng, bài thơ lẻ tẻ nhưng năm 2015 tôi mới bắt đầu xuất hiện trên văn đàn với tập thơ đầu tiên, tức đến năm nay tôi đã chính thức đằm mình với văn chương được hơn 10 năm. Chặng đường đó, có thể nói thơ như người bạn song hành với tôi, lúc đầu thì chắc do duyên mà gặp, chơi hợp với nhau thì chơi. Nhưng về sau này, nhìn nhận một cách rõ nét và trả lời được cho chính mình câu hỏi "Tại sao mình lại làm thơ?" thì tôi biết, tôi cần rèn giũa, nâng niu và trách nhiệm với thơ hơn. Trên con đường viết, tôi hạnh phúc khi gặp được những người đồng điệu, đồng cảm tâm tư, suy nghĩ, quan điểm của tôi. Và tôi cảm ơn thơ vì thơ đã mở cho tôi con đường đó.

+ Chị có cảm thấy mình bị ảnh hưởng bởi tác giả nào, những tiếng thơ nào?

Tôi luôn luôn tự hào khi nhắc đến cả nơi mình sinh ra và nơi mình đang sinh sống, cả hai vùng đất Hải Dương và Hải Phòng đều nổi danh với nhiều văn nhân, thi nhân kỳ tài. Trong tâm khảm, tôi không bao giờ quên nhắc nhở mình phải nhớ điều đó, để cố gắng hơn mỗi ngày, để viết xứng đáng hơn, dẫu tôi biết, viết đôi khi cũng là thứ trời cho, không phải cứ cố là được. Tôi đã sinh sống và làm việc lâu năm ở thành phố Hải Phòng nên đương nhiên, tôi tiếp xúc nhiều nhà văn ở đây hơn. Tôi kính nể nhiều nhà văn Hải Phòng, với tài năng, năng lượng viết của họ, như nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Thi Hoàng, nhà văn Đình Kính, nhà văn Bão Vũ… Tôi theo dõi, đọc thường xuyên các bài viết trên trang riêng của nhà thơ Mai Văn Phấn vì bị hấp dẫn bởi những quan điểm có chiều sâu, trí tuệ và góc nhìn rộng của ông đối với văn chương. Nhưng tôi nghĩ mình không bị ảnh hưởng bởi tác giả nào, tôi toàn hoàn độc lập khi bắt đầu gõ chữ, mọi thôi thúc viết, kiểu cách viết, giọng điệu viết đều bắt đầu trong chính tôi.

+ Trang thơ Trần Ngọc Mỹ ghi lại một cách đầy cảm xúc những biến động cuộc sống, nhưng gần hơn cả vẫn là những rung động về những điều rất gần gũi thường ngày với chị. Đó có phải là cách chị vượt qua sự vô thường, chai sạn của nhịp sống lặp đi lặp lại?

Tôi nghĩ điều này chính xác với tôi. Như tôi đã chia sẻ chút tâm sự khi ra mắt độc giả tập thơ "Ngày sẽ trôi" và trường ca "Xuyên qua giấc mơ" trên trang cá nhân: "Tự dưng ngồi ngẫm lại những lúc tôi cặm cụi gõ chữ chẳng khác gì tôi cặm cụi, tỉ mẩn kết những cánh hoa. Tôi cứ loay hoay, thỏa sức, say mê nhặt nhạnh, đan xen, cắt tỉa, thêm thắt biết bao bông hoa cô đơn và hạnh phúc. Mỗi người qua tôi, nhìn tôi với ánh mắt khác nhau. Dẫu thế nào thì tôi vẫn cứ kết hoa, bởi bản thân thấy mình phù hợp, muốn làm và phần nào đó, làm tốt được việc này. Không hẳn vì niềm vui khi có được bông hoa đẹp, cài lên đầu, rồi đợi người khác tới khen ngợi hay để ghi dấu nơi đâu, mà thực sự, quãng thời gian kết hoa như một phương pháp trị liệu với bản thân, đã làm thế giới nội tâm của tôi vững vàng hơn, đủ đầy hơn, tự do hơn".

+ Đọc tập thơ "Ngày sẽ trôi", bạn đọc dễ bắt gặp những khoảnh khắc lặng yên trong tâm trạng của chị, một góc nhớ của Hải Phòng và những ghi chép về các vùng đất Trần Ngọc Mỹ đã đi qua - Và đều là những trang thơ giàu nữ tính nhưng cũng không kém phần sâu đằm, cho thấy những hành trình nhiều suy tư?

Vâng, tôi cũng nhận thấy, trong tâm trí mình luôn chất chứa quá nhiều ưu tư. Tôi không có duyên nói chuyện ở đám đông nhưng lại là người quan sát những biến chuyển xung quanh, dù trạng thái động hay tĩnh, một cách tỉ mẩn. Càng quan sát thì ý nghĩ càng đâm chồi nhiều hơn. Đến mức, nếu tôi không viết thì biết đâu, khoảnh khắc nào đó tôi sẽ "nổ tung" mất. Dù là những lúc nhâm nhi ly cà phê bên hè phố, dòng chảy của cuộc sống xô bồ ập vào mắt hay khi ngồi lặng một mình trước ánh nến, cảm xúc đều sục sạo trong tôi. Đến vùng đất mới nào, bằng góc nhìn của riêng mình, tôi thường ghi chép lại bằng thơ. Thường ngày, tôi lái xe khoảng 4 lần trên đường phố Hải Phòng, từng khoảng trời thành từng vệt nhớ. Không khó để nhận ra, không khí của Hải Phòng đẫm đầy trong hơi thở của thơ tôi. Tôi viết ra một cách tự nhiên và làm thơ với tôi, thực sự không khó. Trước trang giấy, cứ cảm xúc tôi nuôi dưỡng đủ chín là chữ sẽ sinh sôi. Khi những bài thơ đã chào đời, thì tôi xong phần việc của mình, còn cảm nhận về chúng như thế nào, là quyền từ phía độc giả.

+ Từ những tập thơ với các bài thơ lẻ đến một trường ca, cảm xúc và câu chuyện đầy đặn và liền mạch hơn. Là phụ nữ, bộn bề với công việc, gia đình, dường như thơ vẫn là một ưu tiên với chị?

Thỉnh thoảng, tôi có nhận được lời khen, rằng mình thật giỏi khi dung hòa được công việc, gia đình và văn chương. Tôi thì thấy, mình làm được điều đó một phần vì cố gắng và phần nhiều vì may mắn. Công việc ở cơ quan của tôi tất nhiên không liên quan đến thơ, tôi làm việc cho một đơn vị tư nhân. Chúng tôi xây dựng, duy trì, phát triển hoạt động một chuỗi bệnh viện. Tôi tự hào vì là một mắt xích nhỏ trong đó. Làm cho đơn vị tư nhân nên tôi xác định "có làm thì mới có ăn" và tôi luôn biết ơn công việc của mình. Với gia đình, tôi chỉ tròn vai, chứ không phải người vợ, người mẹ xuất sắc nhưng thật may mắn, vì tôi vẫn đang được gia đình "chấp nhận". Tôi viết đều đặn, coi viết như công việc của mình. Đã nhiều năm, tôi có thói quen dậy rất sớm, gõ chữ khi mọi người trong nhà còn đang ngủ. "Ngày sẽ trôi" và "Xuyên qua một giấc mơ" giống như những tác phẩm khác, lần lượt ra đời trong quá trình miệt mài lao động, sáng tạo với chữ nghĩa của tôi. Ngẫm nghĩ lại, tôi không hối hận khi mình đầu tư nhiều thời gian, tâm sức cho viết, bởi thơ làm cho thế giới nội tâm của tôi đủ đầy hơn, vững vàng hơn, tự do hơn. Tôi cần sức mạnh đó, để sống và làm việc.

+ Thơ của những cây viết là nữ, trẻ tuổi ở Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung những năm gần đây có nhiều khởi sắc, với nhiều cây bút, lối viết mới. Đó phải chăng là động lực để Trần Ngọc Mỹ viết một cách có ý thức hơn, vừa viết vừa lắng nghe và chuyển mình?

Tôi thích đọc thơ nữ, có vẻ như phụ nữ làm thơ thường dễ đồng cảm với nhau hơn. Thật kỳ diệu là nhờ có thơ, tôi gặp được người chị, người em rất thân tình. Tôi phải công nhận, hiện nay có nhiều thơ nữ trẻ thật xuất sắc. Họ xuất sắc từ lối viết đến nhãn quan sâu sắc, biên độ chạm rộng. Tôi đọc để nắm bắt được biến chuyển của văn chương nói chung, thơ ca nói riêng và cũng là cho mình cơ hội, để chạm vào, thưởng thức các tác phẩm hay. Từ đó, tôi biết mình đang ở đâu. Nhưng mỗi người có một điểm xuất phát và đích đến khác nhau, tôi viết trước tiên là vì thôi thúc bên trong, không hướng tới "ngọn núi" nào quá cao, nên chắc vì vậy, tôi ít bị ảnh hưởng hay cuống cuồng vì sự đột phá hoặc thành công của người khác.

+ Cảm ơn nhà thơ Trần Ngọc Mỹ! Chúc chị luôn vững bước cùng thơ trên hành trình phía trước!

Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ sinh năm 1985 ở Hải Dương, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trần Ngọc Mỹ đã xuất bản 1 tập truyện ngắn, 1 tập tản văn và các tập thơ như: Khát những mùa yêu, Ban mai của bé, Bài thơ vỗ cánh, Quay chậm, Những ngày không quên…

Võ Hà (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-tho-tran-ngoc-my-phu-nu-lam-tho-thuong-de-dong-cam-voi-nhau-hon-20250507103728803.htm