Nhà Trắng bình luận về việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine

Moscow đã cảnh báo rằng việc chuyển giao những vũ khí như vậy cho Kiev sẽ được coi là một cuộc tấn công hạt nhân.

Một tên lửa đạn đạo tầm trung SS-20 thời Liên Xô được trưng bày tại Bảo tàng Không quân Ukraine ở Vinnitsa, Ukraine. Ảnh: Wiki.

Một tên lửa đạn đạo tầm trung SS-20 thời Liên Xô được trưng bày tại Bảo tàng Không quân Ukraine ở Vinnitsa, Ukraine. Ảnh: Wiki.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ không cân nhắc việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Tháng trước, một báo cáo của tờ New York Times tuyên bố rằng một số quan chức ở Washington muốn trang bị vũ khí hạt nhân cho Kiev.

Phát biểu với ABC News hôm 1/12, ông Sullivan cho biết ý tưởng này "không được xem xét".

"Những gì chúng tôi đang làm là tăng cường nhiều năng lực thông thường khác nhau cho Ukraine để họ có thể tự vệ hiệu quả và chiến đấu với người Nga, chứ không phải [trao cho họ] khả năng hạt nhân", ông nói với kênh truyền hình.

Chưa đầy 2 tuần trước, tờ New York Times tuyên bố rằng Tổng thống Joe Biden "có thể cho phép Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân một lần nữa, như trước khi Liên Xô sụp đổ", trích dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ.

Tờ báo mô tả viễn cảnh Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân là "một biện pháp răn đe tức thời và to lớn" đối với Nga, nhưng lưu ý rằng "một bước đi như vậy sẽ phức tạp và có những tác động nghiêm trọng".

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nêu rõ một số tác động, cảnh báo rằng "việc chuyển giao những vũ khí như vậy có thể được coi là hành động phát động một cuộc tấn công vào đất nước chúng ta" theo học thuyết hạt nhân mới được sửa đổi gần đây của Nga.

Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này, hoặc nếu chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa nghiêm trọng bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Phiên bản học thuyết mới nhất cũng cho phép Moscow coi một cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn là tương đương với hành động tấn công hạt nhân trực tiếp.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ báo cáo này là "những cân nhắc hoàn toàn vô trách nhiệm của những người có lẽ hiểu biết kém...về thực tế, và không cảm thấy có một chút trách nhiệm nào" đối với hậu quả của các đề xuất của họ.

Ukraine còn lại khoảng 1.700 đầu đạn hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ. Mặc dù kho vũ khí này về mặt kỹ thuật đã biến Ukraine trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới, nhưng bản thân các loại vũ khí này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga và đã được giao nộp theo Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Thỏa thuận này liên quan đến việc Mỹ, Anh và Nga cung cấp các đảm bảo an ninh cho Kiev để đổi lấy việc loại bỏ vũ khí.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự hối tiếc khi đất nước ông từ bỏ vũ khí hạt nhân, tuyên bố vào năm 2022 rằng Kiev có "mọi quyền" để đảo ngược quyết định đó.

Trong tháng 10, ông tuyên bố rằng chỉ có hai lựa chọn để đảm bảo an ninh của đất nước: gia nhập NATO hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân. Sau đó, ông làm rõ rằng ông coi tư cách thành viên NATO là lựa chọn duy nhất.

Tuy nhiên, một tháng sau, một nhóm nghiên cứu quân sự Ukraine đã kêu gọi ông Zelensky đột kích các lò phản ứng hạt nhân trên cả nước để lấy lượng plutonium cần thiết để chế tạo một "quả bom nguyên tử đơn giản", giống như quả bom mà Mỹ đã thả xuống Nagasaki trong Thế chiến II. Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố rằng Kiev sẽ không nghe theo lời khuyên này và không có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nha-trang-binh-luan-ve-viec-cung-cap-vu-khi-hat-nhan-cho-ukraine-post180621.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat