Nha Trang cười, Nha Trang đẹp…

“Nha Trang cười/Nha Trang đẹp/... Tôi lim dim cặp mắt/Không thấy nơi nào không đẹp/Không giàu”. Đó là mấy câu trong bài thơ nổi tiếng “Tình sông núi” của nhà thơ Trần Mai Ninh viết khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, cả nước bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng như nhà thơ Trần Mai Ninh, từ xưa đến nay, đến Nha Trang không ai không bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của thành phố biển. Đặc biệt, với các nhà văn, nhà thơ, Nha Trang không chỉ là điểm đến, điểm dừng chân thưởng ngoạn, mà còn là nơi khơi dậy nguồn cảm hứng để sáng tác.

Năm 1976, một năm sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Sóng Hồng (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh) khi đến đây đã không giấu được cảm xúc trước bức tranh thiên nhiên tuyệt vời, để rồi viết nên bài thơ “Nha Trang” với những câu thơ tựa như khúc ca dao chan chứa tình cảm, in đậm trong lòng bao thế hệ người Việt: “Đẹp thay non nước Nha Trang/Người đi hồn cứ mơ màng đâu đây”. Cũng từ đó, tên của thành phố biển đã thành điệp khúc nối tiếp nhau vang lên trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là ở lĩnh vực thơ ca.

TP. Nha Trang bên bờ vịnh xanh. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

TP. Nha Trang bên bờ vịnh xanh. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Thật khó kể hết được tên tuổi của các nhà văn, nhà thơ đến với Nha Trang trong gần nửa thế kỷ qua. Chỉ riêng các nhà thơ cũng rất nhiều! Ngoài những “cây đại thụ” như: Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Hữu Loan, Phùng Quán…, hay thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ hơn như: Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bùi Minh Quốc, Bằng Việt, Thanh Thảo, Thanh Quế, Ngân Vịnh, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Vũ Thuật, Lâm Thị Mỹ Dạ… còn có hàng trăm người khác thuộc các lứa tuổi tiếp theo. Đến tham quan, nghỉ dưỡng, đến để tham gia các hoạt động về văn học nghệ thuật. Nha Trang còn có nhà sáng tác. Hơn bốn mươi năm kể từ khi ra đời đến nay, mỗi năm, cơ sở này đã mở hơn chục trại sáng tác, đón hàng trăm văn nghệ sĩ từ mọi miền đất nước.

Có thời gian khá lâu công tác trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Khánh Hòa, cùng với anh chị em văn nghệ sĩ của địa phương, tôi may mắn được gặp gỡ nhiều tác giả trong đội ngũ nhà thơ đông đúc ấy. Niềm vui cũng là điểm chung ở tất cả các vị khách, đó là ai cũng yêu thích Nha Trang, thích cảnh quan thiên nhiên nên thơ; thích những di tích văn hóa lâu đời cũng như sự hiếu khách của người dân. Còn nhớ, năm 1999, lần cuối cùng ghé thăm Khánh Hòa, trong buổi giao lưu với các nhà văn, nhà thơ của tỉnh ở Khách sạn Ban Mê trên đường Trần Quang Khải, nhà thơ Tố Hữu lúc này đã 79 tuổi tâm sự: “Nha Trang là một trong những thành phố đẹp nhất nước, với mình mỗi lần đến là một lần thích. Chỉ đi dạo trên công viên bờ biển đã thấy thú vị lắm rồi…”. Năm 2005, nhà thơ Hữu Loan từ Thanh Hóa vào Khánh Hòa chơi, khi đi tắm biển với anh em, đứng trên bãi cát, ông đùa: “Biển Nha Trang đẹp, cứ như bài thơ, xuống tắm thấy uổng cho biển quá”. Tuy là câu nói đùa, nhưng ai cũng biết tác giả của 2 bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim”“Đèo Cả” rất yêu Nha Trang.

Qua gặp gỡ, giao lưu, qua những lần đi thực tế, tình cảm của những người bạn văn, bạn thơ từ xa tới dành cho Nha Trang cũng được nhân lên, và tình yêu ấy như một mạch nguồn lan tỏa qua các vần thơ. Nhà thơ Trần Nhật Thu trong bài thơ “Nha Trang, Nha Trang” đã thể hiện tình cảm nồng nàn của mình sau khi đến thành phố và mơ ước được quay trở lại, theo một chuyến tàu ra biển đánh bắt cùng các ngư dân: “Nha Trang ơi, xin tha thiết lại về/Nhìn thành phố từ ngoài biển gió/Em cao đẹp sau mọi điều tôi kể/Khi tay mình cùng kéo lưới khơi xa”. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã có sự cảm nhận rất riêng về Nha Trang khi viết những câu đầy chất liên tưởng trong bài thơ “Có một Nha Trang”: “Tôi lặng lẽ cảm nhận Nha Trang/Như một tài năng thơ quý mến/Vôznhêxinxki! Vôznhêxinxki!/Sao tôi lại gặp anh ở đây cùng biển”. Qua bài “Cái nắng Nha Trang”, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanhđã nói lên lòng mình, trong đó có mấy câu mở đầu: “Yêu vô cùng cái nắng Nha Trang/Lớt phớt nghiêng đầu gió lúa vàng…/Mặc dù nắng chạy trên đường phố/Có lúa đâu, mà vẫn reo vang?”. Và đây, nhà thơ nữ Lâm Thị Mỹ Dạ trong bài “Trước Nha Trang” với những câu thơ chứa đầy khát vọng: “Ta đứng trước Nha Trang/Không có gì để nói/Biển xanh đến tận sắc trời/Ta bỗng như người có lỗi/Hỡi chiếc thuyền khơi/Trên bãi úp mình đợi chờ con nước/Ước chi ta như người/Nỗi khát ra khơi còn có được!”.

Thật khó kể hết tên những bài thơ đầy dấu ấn viết về Nha Trang trong những năm qua, kể cả thơ của các tác giả là người Khánh Hòa và tác giả từ các miền đất khác của Tổ quốc. Mỗi bài thơ như một nhịp cầu kết nối, giới thiệu thành phố biển với hàng triệu bạn bè, du khách gần xa.

Nha Trang vừa tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024). Mới đây, nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên từ Đà Nẵng vào chơi, ngồi trò chuyện với tôi, ông khoe mình vừa đi thăm nhiều nơi ở Nha Trang. Ông khen thành phố bây giờ quá đẹp, quá lộng lẫy. Tôi cũng nói cho ông nghe những điều về khát vọng phát triển của thành phố trong những năm tới mà mình biết. Nói sang chuyện thơ văn, ông say sưa kể về các nhà văn, nhà thơ gắn liền với Nha Trang - Khánh Hòa như: Nhà thơ Quách Tấn, nhà văn Võ Hồng, nhà thơ Giang Nam… Cuối cùng khi bàn về những bài thơ hay, ông bảo: Đọc mấy câu thơ “Nha Trang cười/Nha Trang đẹp/... Tôi lim dim cặp mắt/Không thấy nơi nào không đẹp/Không giàu” trong bài “Tình sông núi”, tôi có cảm giác như Trần Mai Ninh mới viết cho Nha Trang gần đây thôi ông ạ!

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/nha-trang-ky-uc-va-khat-vong/202410/nha-trang-cuoi-nha-trangdep-95c12fc/