Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải: Địa chỉ đỏ ở đảo Lý Sơn

Đầu năm 2023, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 - Hải quân đã đến thăm, tặng quà và chúc tết quân dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Dịp này, chúng tôi với hơn 30 phóng viên của các cơ quan báo chí trên khắp mọi miền đất nước tham gia cùng đoàn và có dịp đến thăm nhiều địa chỉ đỏ ở Lý Sơn, trong đó có Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải.

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 - Hải quân thắp hương trước tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ảnh: THANH HỘI

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 - Hải quân thắp hương trước tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ảnh: THANH HỘI

Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn đón chúng tôi từ Đà Nẵng để đưa đến đảo Lý Sơn. Trong suốt hải trình, chúng tôi như quên đi mệt mỏi bởi những thông tin thú vị mà ông Trí cung cấp về nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa ở Lý Sơn và được hòa mình vào dòng chảy lịch sử với những câu chuyện cảm động về đội hùng binh Hoàng Sa mà những chứng tích, hiện vật lịch sử vẫn còn lưu lại trên đảo.

Hơn 100 hiện vật của người lính Hoàng Sa

Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải là địa chỉ tham quan đầu tiên ngay sau khi đến đặt vòng hoa viếng Nghĩa trang liệt sĩ Lý Sơn trong ngày chúng tôi đến đảo. Giới thiệu với đoàn công tác, ông Nguyễn Minh Trí cho biết, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải được xây dựng vào năm 2010. Nơi đây trưng bày hơn 100 hiện vật cũng như sử liệu về chủ quyền, hoạt động của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cùng nhiều bản đồ và tư liệu cổ để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Nhà trưng bày nằm trên khuôn viên khá rộng, ngay phía trước sân nổi bật là tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải hiên ngang, sừng sững thể hiện ý chí kiên cường của những người con đất Việt trong hành trình chinh phục biển Đông. Cụm tượng đài cao 4,5m, làm bằng đá, nặng gần 40 tấn, phác họa hình ảnh 3 tráng sĩ. Đứng giữa là cai đội trưởng mặc quân phục triều đình, một tay chỉ thẳng ra biển hướng về Hoàng Sa, còn tay kia đặt lên cột mốc có khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên là hình ảnh 2 người lính thể hiện rõ nhiệm vụ của mình trong chuyến hải trình, một người cầm giáo mặc quân phục triều đình ý chỉ nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi của Tổ quốc, một người mặc áo chùm vác lưới, thể hiện công việc mưu sinh và đánh bắt hải sản trong quá trình làm nhiệm vụ trên biển.

Mặt sau của tượng đài có khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” tạm dịch là Hoàng Sa có vị trí cực kỳ hiểm yếu đối với biên giới của quốc gia. Đây được xem là chiếu của vua Minh Mạng ra năm 1936 (năm Minh Mạng thứ 17).

Theo ông Trí, sử sách đã ghi lại, vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, để tăng cường quản lý vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chúa Nguyễn đã lập ra Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải do triều đình quản lý. Hằng năm, khoảng 70 trai tráng được lựa chọn từ cư dân vùng biển Trung Bộ, chủ yếu là vùng Lý Sơn (Quảng Ngãi) để điều ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt, thu lượm sản vật và thường xuất phát từ cửa biển Sa Kỳ. Về sau, họ đảm nhận thêm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền. Sử ghi: “Tháng Giêng năm Ất Hợi 1815, vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Năm Minh Mạng thứ 17, vua cử Phạm Hữu Nhật đem theo binh thuyền và 10 bài gỗ ra đảo Hoàng Sa dựng làm dấu ghi nhớ…”.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 3 - Hải quân cùng đoàn công tác tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải. Ảnh: THANH HỘI

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 3 - Hải quân cùng đoàn công tác tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải. Ảnh: THANH HỘI

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản quốc gia

Các thành viên Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đều xác định một đi không trở về. Thực tế là nhiều người, nhiều đội binh như vậy đã để lại thân xác tại biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cho nên người thân của họ chỉ đắp mộ chiêu hồn, còn gọi là mộ gió. Những người lính Hoàng Sa khi đi cũng xác định khó trở về cho nên trước khi xuất phát, mỗi người đều chuẩn bị sẵn một đôi chiếu, nẹp tre, dây mây, thẻ tre. Nếu gặp chuyện bất trắc, chiếu sẽ dùng để bó xác, nẹp tre dùng để nẹp dây mây quần lại, thẻ tre dùng để ghi phiên hiệu, quê quán rồi kẹp cùng xác và được đồng đội của họ thả xuống biển.

Đưa đoàn khách từ mô hình ghe câu, đến từng bài vị được bài trí trang trọng, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí đọc cho đoàn khách nghe về câu ca dao được người dân đất đảo Lý Sơn lưu truyền: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa.

“Ngày nay để tưởng nhớ công lao của những hùng binh Hoàng Sa, hằng năm trên đảo Lý Sơn, vào tháng 3 âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ðây luôn được coi là hoạt động tâm linh quan trọng đối với người dân đảo Lý Sơn”, ông Trí cho biết và khẳng định nguồn gốc sâu xa của hoạt động này là nghi lễ cúng thế lính xưa của người dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ.

Theo Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa - Trường Sa cùng thủy quân Hoàng Sa - Trường Sa. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản văn hóa này, tháng 4/2013, Bộ VH-TT-DL đã quyết định đưa lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Tham gia cùng đoàn công tác đến thăm đảo Lý Sơn, nhà báo Yên Khương, phóng viên TTXVN, cho biết trước khi đến Lý Sơn, chị đã từng nhiều lần nghe về lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhưng lần này đến đảo tận mắt nhìn những hiện vật liên quan mới thấy sự sống động của lịch sử nước nhà. “Được nhìn những hiện vật và nghe những thông tin, câu chuyện lịch sử về hải đội Hoàng Sa, cũng như những bằng chứng xác thực chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa tại nhà trưng bày, tôi thấy xúc động khó tả. Qua chuyến thăm đảo lần này, tôi thấy thêm yêu biển đảo quê hương và càng thấy có trách nhiệm hơn trước những hy sinh to lớn của ông cha, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, nữ nhà báo chia sẻ.

Cùng chung mạch cảm xúc, anh Nguyễn Tiến Trường, Phó Trưởng văn phòng đại diện Ngân hàng NN-PTNT khu vực miền Trung cho biết, anh đến với đảo 2 lần và lần nào cũng có cảm xúc dâng trào khi đến thắp hương trước tượng đài hùng binh Hoàng Sa. “Đến thăm Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải, tôi càng tự hào, thêm yêu biển đảo quê hương và thấy có trách nhiệm hơn đối với chủ quyền Tổ quốc”. Anh Trường cũng cho biết nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn công trình nhà trưng bày nên gần đây, đơn vị đã hỗ trợ chi phí thuê nhân công quét sơn, làm mới toàn bộ di tích, góp phần bảo vệ di tích, phục vụ du khách tham quan.

Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, với nguồn tư liệu, hiện vật sinh động, xác thực và khoa học, nhiều năm qua, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải đã trở thành địa chỉ đỏ để người dân cả nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, giáo dục truyền thống, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Các hiện vật được trưng bày tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải theo 3 nội dung: Phần một là “Lý Sơn - Tịnh Kỳ - quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa” nói về lịch sử hình thành Lý Sơn gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa. Phần hai là “Quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa, Trường Sa” tái hiện nhiều hình ảnh hoạt động với các đồ dùng thiết yếu của binh phu Hải đội; ảnh chụp nhà thờ cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh, mộ gió Phạm Hữu Nhật, lễ Khao lề thế lính... Phần ba là “Tư liệu, bản đồ trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”.

THANH HỘI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/367/293013/nha-trung-bay-hai-doi-hoang-sa-bac-hai--dia-chi-do-o-dao-ly-son.html