Nhà trưng bày hay Bảo tàng Di sản công nghiệp, văn hóa công nhân Biên Hòa
Thông tin trên Báo Đồng Nai điện tử ngày 29-9-2024 cho biết: 'Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa tôn vinh giai cấp công nhân Đồng Nai tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát vị trí, tính toán quy mô, diện tích phù hợp (đảm bảo đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch phân khu của thành phố Biên Hòa)'.
Đây là một chủ trương nằm trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh khi chuyển công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và di dời xây dựng trung tâm chính trị hành chính của tỉnh về đây.
Chúng ta biết Biên Hòa trong lịch sử có một vị trí chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng ở miền Đông Nam Bộ. Nơi đây có di chỉ khảo cổ Bình Đa, với đàn đá Bình Đa có tuổi trên 2 ngàn năm minh chứng cho sự hiện diện của người xưa trên đất Biên Hòa. Đây là nơi mà Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược năm 1698 để xây dựng thiết chế hành chính, quản lý vùng đất mới Nam Bộ.
Đây là vùng đất mở cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt khi những lưu dân Việt vào đây từ thế kỷ 17 và sôi động hẳn lên với cộng đồng người Hoa theo cùng Trần Thượng Xuyên vào cù lao xây dựng mở mang kinh tế từ năm 1679. Cù lao Phố đã từng là thương cảng xuất nhập khẩu thịnh mậu vào thế kỷ 18. Cù lao Phố và vùng phụ cận còn hiện hữu những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như: Thất phủ Cổ miếu, chùa Đại Giác, Long Thiền, Bửu Phong, Đình Nguyễn Hữu Cảnh, Tân Lân, Văn miếu Trấn Biên…; rạch Lò Gốm (Hiệp Hòa), làng gốm Tân Vạn, làng đá mỹ nghệ Bửu Long… là những minh chứng cho nhận định này.
"Khi di dời các nhà máy trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để giải quyết vấn đề môi trường, bảo vệ sông Đồng Nai, theo tôi nên giữ lại nhà máy Cogido và cải tạo, chuyển nơi đây thành nhà trưng bày di sản công nghiệp và văn hóa công nhân Biên Hòa - Đồng Nai là hoàn toàn thích hợp và khả thi. Bởi nhà máy này hình thành sớm và nơi đây có phong trào công nhân trước năm 1975. Trong khu trung tâm hành chính của tỉnh, thêm một nhà trưng bày như vậy, chúng ta lưu giữ được những hiện vật, hình ảnh, tài liệu (công nghiệp, công nhân, các khu công nghiệp…), những thước phim, mô hình vừa thể hiện được quá trình hình thành - phát triển công nghiệp và truyền thống của công nhân ở địa phương, sẽ là điểm kết nối, điểm đến của khách tham quan để biết được nét đẹp, bản sắc của con người và vùng đất công nghiệp Biên Hòa."
Biên Hòa đặc biệt là nơi hình thành sớm những cơ sở công nghiệp như: Nhà máy cưa BIF (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, phường Thống Nhất), Nhà máy giấy Cogido (1959), Nhà máy Eternit (1959) nay nằm trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Với việc xây dựng xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn (nay là xa lộ Hà Nội) và nền đất tốt phù hợp cho xây dựng và sông Đồng Nai, đội ngũ công nhân tại chỗ và có khả năng thu hút nguồn nhân lực, năm 1963 chính quyền Sài Gòn cho xây dựng Khu Kỹ nghệ Biên Hòa, mà trong đó Công ty giấy Cogido đã hiện hữu. Không quá khi nói những năm 1963-1975, Biên Hòa cùng với Sài Gòn đã từng là thủ phủ công nghiệp ở miền Nam. Khu Kỹ nghệ Biên Hòa khi giải phóng (ngày 30-4-1975) có 94 nhà máy công nghiệp đã hoạt động và chuẩn bị đưa vào sản xuất với hàng chục ngàn công nhân.
Khu công nghiệp Biên Hòa trong kháng chiến giành độc lập dân tộc (1954-1975) là nơi có phong trào công nhân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang (cùng Đặc công Biên Hòa đánh vào Tổng kho Long Bình - nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và Loteco) và phong trào đấu tranh công nhân ở Sài Gòn. Như vậy, Khu công nghiệp Biên Hòa là một chứng nhân lịch sử cho thấy sự phát triển của nền công nghiệp địa phương và miền Nam; đồng thời là một chứng nhân của phong trào yêu nước và đấu tranh cho độc lập dân tộc.
Theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 22-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, thiết nghĩ việc bảo tồn và phát triển các giá trị di sản công nghiệp và văn hóa công nhân, mà Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là một chứng nhân là việc làm cần thiết.