Nhà trường cần tiền làm gì mà nhiều thế?
Những cuộc tiếp khách khi trường có thanh tra, những món tiền cảm ơn cho những thành viên đi cùng, những bữa tiệc ở nhà hàng sang trọng…
Bất kể trường công lập nào thì hằng năm ngân sách nhà nước cũng đều cấp về một số tiền nhất định. Ngoài tiền chi về con người còn có khoản tiền chi cho các hoạt động giáo dục.
Số tiền chi cho các hoạt động nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng lớp với sĩ số học sinh.
Số tiền hoạt động được cấp này cũng tùy thuộc vào từng tỉnh thành. Những địa phương còn khó khăn thì kinh phí hoạt động được cấp về trường cũng ít hơn những tỉnh thành có điều kiện kinh tế phát triển.
Thế nhưng, một trường tiểu học với gần 400 em học sinh ở nơi còn nhiều khó khăn như địa phương chúng tôi thì số tiền hoạt động được cấp cũng vào khoảng 200 triệu đồng/năm học.
Với số tiền ấy trang trải cho một năm học cũng không nhiều nhưng nếu hiệu trưởng biết vun vén, chi tiêu hợp lý thì chắc chắn cũng sẽ không thiếu.
Chi tiêu khéo thì tiền cấp từ ngân sách cho trường vẫn đủ
Bạn tôi là hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết, ngân sách trên cấp về tuy ít nhưng nhà trường tiết kiệm, khéo chi tiêu cũng đủ mà không cần phải xin ủng hộ từ phụ huynh.
Bạn cũng cho biết bao năm nay trường bạn không thu một khoản tiền nào ngoài quy định, không kêu gọi phụ huynh ủng hộ dù trên tinh thần tự nguyện.
Tất cả chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa nhỏ về cơ sở vật chất hay thuê người quét dọn nhà vệ sinh…đều dùng đến khoản tiền ngân sách.
Do tiền ngân sách ít nên cái gì cần thiết nhất mới mua và lên kế hoạch mua sắm hay tu sửa cơ sở vật chất một cách từ từ (mỗi năm làm vài thứ chứ không làm ồ ạt sẽ dẫn đến bội chi).
Thế nhưng tại sao vẫn có nhiều trường lạm thu? Nhiều người thắc mắc: “Nhà trường làm gì mà cần nhiều tiền thế?”
Có nhiều tiền, nhà trường sẽ có bao việc để làm. Ví như cái cổng trường tuy không còn đẹp, còn tân thời nhưng vẫn còn khá chắc chắn thì người ta vẫn cho đập đi để xây lại cái cổng trường to đẹp, hoành tráng hơn.
Những cái ti vi còn khá mới nhưng kiểu cũ cũng bị thanh lý để mua sắm lại dàn ti vi khác.
Những phòng không cần thiết vẫn mua ti vi vài chục inh chỉ với chức năng trang trí, để làm cảnh.
Hay phòng Ban giám hiệu xây thêm toa lét riêng và lắp máy lạnh sang như khách sạn…những cái quạt hư không cần sửa nữa mà sắm mới cho đẹp mắt.
Rồi những cuộc tiếp khách khi trường có thanh tra, những món tiền cảm ơn cho những thành viên đi cùng, những bữa tiệc ở nhà hàng sang trọng…
Nhà trường có tiền, giáo viên cũng được thơm lây như thi thoảng hội họp gì đó cũng có bữa tiệc nho nhỏ.
Ngày lễ, ngày kỉ niệm cũng được đi nhà hàng ăn uống, được nhà trường thưởng cho cái phong bì ít nhất là dăm trăm.
Hằng năm, nhà trường cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho giáo viên đi du lịch.
Thường thì những trường chỉ chi tiêu bằng tiền ngân sách, cuối năm giáo viên sẽ không bao giờ còn một đồng tiền thưởng hoặc có cũng chỉ gọi là cho đỡ tủi.
Thế nhưng trường có tiền từ việc ủng hộ của phụ huynh thì tiền thưởng cuối năm sẽ tỉ lệ thuận với số tiền nhà trường thu được.
Những trường hiệu trưởng có tiền đã chi tiêu rất hào phóng, không chỉ lợi trường còn lợi mình.
Đã thế, còn được "tiếng thơm" trong ngành vì được nhiều người khen hiệu trưởng giỏi, năng động, biết ngoại giao, thương giáo viên…
Có lẽ vì những điều ấy nên không ít hiệu trưởng vẫn bất chấp quy định mà buộc hoặc kêu gọi phụ huynh đóng góp theo kiểu tự nguyện gây nên sự lạm thu trong nhiều trường học hiện nay.