Nhà trường được thu những khoản gì đầu năm học?

Năm học mới đã bắt đầu, nhiều phụ huynh muốn biết những khoản tiền nào sẽ phải nộp theo quy định hiện hành?

Liên quan đến quản lý thu chi cũng như việc mua đồng phục để các nhà trường thực hiện cũng như phụ huynh giám sát, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra những quy định cụ thể như sau:

Về khoản thu học phí, các cơ sở giáo dục công lập thu học phí theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2023 - 2024.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định; công khai mức thu học phí theo quy định.

Về khoản thu khác, ngoài các nội dung từ Điều 3 đến Điều 12 Chương 2 (trừ Điều 11 - Thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường) của quy định ban hành kèm theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định thu, sử dụng khoản thu khác trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội (trừ cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao), các cơ sở giáo dục công lập không được thu bất kỳ khoản thu nào khác.

Cụ thể, 9 khoản tiền được phép thu bao gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; Thu, chi học 2 buổi/ngày; Thu, chi học phẩm; Thu, chi nước uống học sinh; Thu Bảo hiểm y tế học sinh; Thu chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; Thu chi tài trợ; Các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu.

Học sinh lớp 1 ở Hà Nội trong ngày đầu tới trường. Ảnh minh họa

Học sinh lớp 1 ở Hà Nội trong ngày đầu tới trường. Ảnh minh họa

Các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi các khoản thu khác phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.

Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành.

Đối với việc dạy thêm, học thêm, cần thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 22/2013/QĐ-UBND ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản liên quan khác.

Theo quy định của pháp luật, các trường được phép tiếp nhận các nguồn viện trợ, quà biếu, tặng, cho. Các nguồn thu hợp pháp này phải được ghi chép, quản lý thống nhất qua hệ thống sổ sách kế toán và được chi tiêu theo thỏa thuận với các đơn vị viện trợ, tặng, biếu và Quy chế chi tiêu nội bộ của trường theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhà trường thanh, quyết toán tiền học thêm đúng quy định hiện hành; mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua hội đồng trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.

Ngoài ra, đối với khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu, nhà trường thực hiện theo Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên.

Năm học mới này, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được Hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận.

Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Các trường không được để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.

ĐV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-truong-duoc-thu-nhung-khoan-gi-dau-nam-hoc-169230907080908054.htm