Nhà văn chịu ảnh hưởng từ ai?

Có lẽ câu hỏi này quá tế nhị và nhiều người không muốn trả lời. Nhưng có đúng là người viết không chịu ảnh hưởng từ một ai và điều ấy đáng xấu hổ khi phải né tránh câu hỏi này.

Thực tế là bất cứ ai khi viết cũng chịu ảnh hưởng của một người hay nhiều người nào đó, dù anh ta có công nhận hay không. Tôi đã nhiều lần tra cứu trang từ điển mở Wikipedia để tìm tư liệu. Trong những dòng tiểu sử và giới thiệu về các nhà văn, thường có một mục là anh ta chịu ảnh hưởng của ai, và người bị ảnh hưởng là ai. Thôi thì hãy làm một ví dụ với một nhân vật được coi là một trong những đại biểu ưu tú nhất của văn học Mỹ La tinh: J.Borges.

Trong từ điển mở Wikipedia ghi rằng J.Borges ảnh hưởng bởi Kierkegaard, Jammes Joyce, Franz Kafka... và đến lượt J.Borges ảnh hưởng tới Carlos Fuentes, Paul Auster, Umberto Eco, Orhan Pamuk... Tôi nghĩ danh sách này còn tiếp tục. Những “học trò” của J.Borges sẽ lại tiếp tục ảnh hưởng tới thế hệ khác và quá trình này sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Ở văn học tiếng Việt, bậc thầy thơ trào phúng Tú Xương đã có những hậu duệ như Tú Mỡ, Cử Nạc, Bút Tre...

Trong quá trình viết, sự ảnh hưởng bởi một ai đó, một trào lưu văn học nhất định là điều không tránh khỏi. Bất cứ nghề nào cũng có một ông tổ nghề và quá trình ảnh hưởng từ người khởi nguồn trực tiếp hay gián tiếp là đương nhiên. Vấn đề là sự ảnh hưởng này mờ nhạt, thoang thoảng hay đậm đặc, rõ nét mà thôi. Một vài người bảo rằng một số đoạn đối thoại trong tiểu thuyết “Sương mù tháng Giêng” của tôi khá dài dòng và tôi đã không giấu rằng, những đoạn đó tôi chịu ảnh hưởng bởi Dostoievsky vì có một thời tôi đã rất thích ông.

Chính cái từ “một thời” này sẽ mở ra một ý mới. Tại sao lại là “một thời” mà không phải “vĩnh viễn.” Vì quá trình trưởng thành của nhà văn, từ lúc sơ khởi khi đến độ chín, nhận thức của anh ta sẽ thay đổi rất nhiều. Có thể giai đoạn đầu anh ta chịu ảnh hưởng bởi một người hay một trào lưu nào đó nhưng đến một giai đoạn khác, anh ta viết khác và có thể ảnh hưởng bởi những nhân tố khác. Cho nên ta thường thấy sự phân chia thời kỳ của các nhà văn và các giai đoạn sáng tác khác nhau ở người viết. Ở Việt Nam, có hai mốc tiêu biểu được nhiều người công nhận là năm 1945 và 1986. Rất nhiều người viết đã có những thay đổi đáng kể từ hai mốc lịch sử này, từ nhận thức, cảm quan, phong cách nghệ thuật. Sự ảnh hưởng bởi một cá nhân nào đó đối với người viết cũng vậy, ban đầu ảnh hưởng có thể rất lớn, sau mờ nhạt đi hoặc ngược lại. Rõ ràng nhất là sự ảnh hưởng bởi nhiều người lên cùng một đối tượng, vì quá trình tìm kiếm kinh nghiệm và cảm xúc thường bị ảnh hưởng bởi nhiều người và có thể không có một đối tượng đủ lớn để gây dư chấn.

Nhưng vì sao chúng ta chịu ảnh hưởng? Chẳng phải viết văn là hoàn toàn do trí tưởng tượng sao? Không phải. Sự tưởng tượng ở đây là dựa trên những cái nền đã có sẵn. Sự viết là một quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài, nhất là với văn xuôi. Nên ta thường hiếm thấy thần đồng hoặc không tồn tại thần đồng trong lĩnh vực này. Sự viết đòi hỏi quá trìnhnghiền ngẫm, suy nghĩ, những trải nghiệm cuộc sống và nhất là nuôi dưỡng cảm xúc cùng với việc đọc các tác gia lớn, những tác phẩm yêu thích. Sự ảnh hưởng này ngấm ngầm, từ từ, có khi người viết không ý thức về nó, gần như một dạng vô thức và khi viết, những kinh nghiệm học được, trí nhớ, suy nghĩ, tiềm thức, trải nghiệm, tất cả bật ra thành chữ...

Khi nhà văn viết thì thế giới xung quanh anh ta định hình từ lâu lắm rồi và đã có sẵn những nhân vật đầy ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp phủ bóng đậm hay nhạt trên con đường của anh ta. Không những ảnh hưởng bởi những người cùng nghề, những ông tổ, những bậc tiên phong mà người viết có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Từ hoàn cảnh gia đình, người thân, bạn bè, biến cố lịch sử, môi trường làm việc, thậm chí cả thiên nhiên. Người em trai của nhà vănPatrick Modiano (nhà văn Pháp đoạt giải Nobel 2014) chết rất trẻ và điều này đã ảnh hưởng lớn đến những tác phẩm của ông với những trang viết u buồn, có xu hướng đi tìm lại quá khứ đã mất. Hoặc Nam Cao khi viết những tác phẩm của mình ông đã bị ảnh hướng rất lớn bởi chính công việc và nghề viết của mình.

Tất nhiên nhà văn có thể tạo ra một thế giới hoàn toàn mới, chưa từng tồn tại. Nhưng ngay cả cái thế giới dường như mới tinh của anh ta, nguồn cội đã có thể tồn tại từ gen di truyền, vô thức tập thể, ngôn ngữ và những câu chuyện dân gian. Rất nhiều người đã công nhận rằng những lời ru, lời kể của mẹ, bài học ở trên trường, kỷ niệm ấu thơ, hồi ức về bạn bè đã ảnh hưởng ít nhiều đến người viết. Người ta không thể tạo ra một thế giới khác biệt hoàn toàn mà không dính dáng gì đến bất cứ ai hoặc chịu tác động của bất cứ thứ gì. Sự sáng tạo luôn có tính kế thừa và anh ta lớn lên từ một lịch sử có trước bằng sợi dây rốn với gia đình và những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy từ việc lao động, học và thực hành nghề. Tôi rất thích bức tượng đồng của Kafka đặt ở thủ đô Praha, nước Séc, bức tượng tạc Kafka ngồi trên lưng một người khổng lồ. “Kafka ngồi trên lưng một người khổng lồ”, hãy nhắc lại câu ấy lần nữa và sẽ thấy ý nghĩa của nó. Sự vĩ đại của Kafka một phần ông đã thừa hưởng những tinh hoa của người đi trước và rồi đến lượt Kafka lại tỏa bóng xuống các thế hệ sau ông.

Shakespeare đã sử dụng câu chuyện dân gian về một hoàng tử Đan Mạch để viết nên kiệt tác “Hamlet”. Nguyễn Du cũng đã sử dụng cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để viết thành “Truyện Kiều.” Đó là những ví dụ tiêu biểu về sự kế thừa, phát triển, ở góc độ nào đó đấy cũng là những ảnh hưởng lớn đến mức Shakespeare hoặc Nguyễn Du không thể không viết ra được. Ta đặt một giả thuyết, nếu không có câu chuyện dân gian Đan Mạch hoặc không có câu chuyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì những kiệt tác kể trên có được ra đời?

Ở những ví dụ phổ biến hơn, nhà văn thường bị ảnh hưởng bởi tư tưởng, phong cách, hoặc cảm hứng về một giai đoạn hoặc một thời kỳ nào đó. Quay lại nhân vật ở đầu bài, nhờ những người tiên phong như Juan Fulro, Borges mà sau này có một dòng văn học huyền ảo đầy chất Mỹ Latin với những nhân vật sáng chói như M.Marquez. Nếu không có những bậc thầy đi trước và những ảnh hưởng lớn lao của họ, liệu sẽ có “Trăm năm cô đơn”? Và chính M.Marquez đã thú nhận rằng, để viết được “Trăm năm cô đơn”, chính ông đã học từ Franz Kafka. Và theo suy đoán của tôi, có lẽ chính từ truyện ngắn “Hóa thân” của Franz Kafka với một anh chàng một ngày thức dậy bỗng thấy mình biến thành côn trùng mà M.Marquez đã dám cho nhân vật của mình mọc đuôi, bay lên được...

Sự ảnh hưởng của các nhà văn lớn là rất mạnh mẽ và nhiều khi không tránh khỏi. Khi Haruki Murakami rất thành công với những tác phẩm bán chạy trên toàn thế giới thì đã có rất nhiều ra văn trẻ Nhật học theo ông. Hoặc dòng văn học ý thức với những người tiên phong như Marcel Proust, W.Faulkner... đã tạo ra rất nhiều môn đệ trên toàn thế giới.

Ảnh hưởng không có gì xấu và cũng không ngại phải đề cập đến nó. Bất cứ quá trình sáng tạo nào cũng cần những điểm tựa nền tảng và những thành tựu có trước đó. Sở dĩ chúng ta giống với tổ tiên bởi chúng ta được di truyền và được truyền dạy về lịch sử của cha ông. Sự sáng tạo càng lớn cùng với việc “đứng được lên vai nhiều người khổng lồ” thì thành quả nghệ thuật càng có giá trị và có sức ảnh hưởng dài lâu.

HÀ NINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nha-van-chiu-anh-huong-tu-ai-582161