Nhà văn, dịch giả Phạm Thu Hà: 'Ai không thích sách là rất phí'
Yêu thích sách và việc đọc từ nhỏ, nhà văn, dịch giả Phạm Thu Hà luôn đánh giá cao và trân trọng những giá trị mà sách đem lại.
Phạm Thu Hà (sinh năm 1996) là một trong những cây bút trẻ được đánh giá cao trong văn đàn Việt, từng đoạt một số giải thưởng uy tín như "Văn học tuổi 20", cuộc thi truyện ngắn "Lửa mới".
Cô còn là dịch giả của hơn hai mươi đầu sách đã xuất bản: Không nhà (Tommy Orange, 2019); Giữa hai chúng ta (Sally Rooney, 2020); Tuổi trẻ rực rỡ (Reene Watson, 2020); Hoàng tử rơm (Nhiều tác giả, 2021)...
Thời gian gần đây, Thu Hà tập trung nhiều hơn cho công việc dạy tiếng Anh. Cô dành thời gian chia sẻ với Tri thức - Znews nhiều điều về sách, về sở thích đọc.
Luôn đọc sách một lèo cho xong mới thôi
- Trước khi trở thành một nhà văn, dịch giả, hẳn Phạm Thu Hà là một cô gái yêu sách, thích đọc? Bạn đến với sách và sau đó là văn chương như thế nào?
- Tôi lớn lên ở vùng núi phía bắc (Yên Bái - PV), hồi nhỏ sách quý lắm. Những ấn phẩm đầu tiên tôi đọc chắc là báo Hoa học trò, mỗi thứ hai hàng tuần đạp xe hơn 2 km ra bưu điện mua về truyền tay các chị trong xóm cùng nhau đọc.
Sau đó thư viện huyện mở cửa, sách vở hầu hết thuộc chương trình tài trợ cho trẻ em vùng sâu vùng xa của các nhà xuất bản lớn như Trẻ và Kim Đồng. Tôi nhớ đã xin mẹ 2.500 đồng làm thẻ thành viên thư viện, rồi cứ đến đó mượn hết cuốn này đến cuốn khác về đọc thôi.
Sau này lớn lên, tôi quyết định thi vào khoa Viết văn của trường Đại học Văn hóa Hà Nội, vì đây là cái nôi của nhiều tác giả thành danh ở Việt Nam. Và tại đây, dưới sự dìu dắt của thầy cô, tôi mới nghiêm túc theo đuổi công việc văn chương.
- Cuốn sách hay tác giả nào ảnh hưởng nhiều đến quan điểm sống, việc sáng tác của bạn?
- Tôi thích nhiều tác giả và nhiều sách. Nếu để kể tên đích danh thì có lẽ hơi tràn lan, ví dụ văn học Việt thì thích Thạch Lam, Đoàn Minh Phượng, văn học phương Tây thì mê Ian McEwan, văn học Trung Quốc thì là Thập Tứ Khuyết, Lâm Ngữ Đường,... tóm lại là rất nhiều. Tất cả cùng nhau hình thành nên quan điểm Đông Tây lẫn lộn của tôi (cười).
- Gu đọc sách của Thu Hà là gì? Và mỗi khi đọc, bạn có thói quen nào không?
- Tôi cũng không có gu cụ thể gì, tôi đọc tương đối tạp, từ hư cấu đến phi hư cấu. Hồi nhỏ, tôi đọc nhiều văn học hơn, còn giờ thì lại đọc phi hư cấu nhiều hơn.
Tôi cũng không có thói quen đọc nào cụ thể, chỉ có một vấn đề mà chồng tôi hay miêu tả là “ridiculous" (buồn cười, lố bịch - PV), đó là mỗi khi đọc, tôi gần như không thể làm gì đến khi đọc xong. Ví dụ cuốn sách đó cần 8 tiếng để đọc hết, thì tôi sẽ đọc một lèo 8 tiếng đồng hồ, kể cả bận việc thì cũng chỉ chăm chăm làm qua loa cho xong rồi ngồi đọc cho bằng hết. Chồng tôi hay bảo có lẽ tôi bị một hội chứng ám ảnh cưỡng chế nào đó.
- Ngoài sáng tác, dịch thuật, Hà còn bận rộn với công việc giáo viên tiếng Anh, bạn phân chia thời gian đọc như thế nào? Bạn có mẹo nào để đọc hiệu quả không, nhất là cho những người bận rộn?
- Thú thật là mấy năm nay kể từ khi đi dạy, tôi cũng không có nhiều thời gian để đọc nữa, một tháng chỉ đọc được một, hai cuốn sách. Có đợt tôi còn không dám động vào sách vì thói quen “phải đọc xong cho bằng được" đó, tốn rất nhiều thời gian.
Về mẹo cho người bận rộn thì có lẽ tôi không thể khuyên gì. Đọc sách, theo tôi là một thú vui khá tốn kém về mặt thời gian, mà không phải ai cũng có thể chi trả, hơn nữa tôi cũng không quan trọng hóa việc đọc. Nếu mọi người cảm thấy sách thực sự quan trọng thì cứ ưu tiên thời gian cho nó thôi, còn không thì lên mạng đọc báo, tin tức cũng rất thú vị mà.
- Có cuốn sách nào gần đây bạn đọc hay đặc biệt ấn tượng và muốn chia sẻ?
- Cuốn gần đây tôi đọc và ấn tượng thì chắc chính là cuốn tôi mới dịch, Thế giới tươi đẹp, người ở đâu của Sally Rooney. Đó là một câu chuyện rất đáng suy ngẫm về “thế hệ trẻ tan vỡ” ngày nay.
Trân quý người mê đọc, viết
- Trong quan điểm của Hà, sách có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống hàng ngày và sự phát triển của cá nhân?
- Tôi không quan trọng hóa vai trò của sách, và nếu có ai tuyên bố rằng họ không đọc thì tôi cũng hiểu được. Nhưng với tôi, sách là niềm vui bất tận, là sự nghiệp, công việc, và là nơi ẩn náu yên bình. Người nào đọc nhiều đều thích nghĩ ngợi và giàu tình cảm, đây là tính cách đáng quý.
Hơn nữa, sách là một công cụ vô cùng hữu ích trong việc phát triển tư duy ngôn ngữ. Ai viết hay nói hay, đều chăm đọc cả. Tôi thấy rất hạnh phúc và mãn nguyện vì có sách. Còn nữa, ngày xưa nhờ xuất bản một cuốn tiểu thuyết đầu tay mà tiền nhuận bút và tiền giải thưởng thừa để tôi trả học phí bốn năm đại học đó. Đấy, sách với tôi còn có lợi ích về cả kinh tế nữa. Nên ai mà không thích sách, theo tôi là rất phí.
- Là một người viết trẻ, Hà có chia sẻ hay lời khuyên nào cho những bạn trẻ đam mê đọc sách và viết lách?
- Vì công việc, tôi tiếp xúc với người trẻ nhiều lắm, và phải công nhận là đa số các bạn sinh sau năm 2000 không thích đọc sách lắm đâu. Nên gặp ai đam mê đọc viết, tôi thấy vui và quý trọng lắm.
Nói là khuyên thì không hẳn, nhưng tôi nhớ mãi hồi lớp 5, đọc được lời chia sẻ của anh tổng biên tập báo Hoa học trò như thế này: “Trong sách có vàng có bạc”. Lớn hơn và trải qua nhiều chuyện, tôi thấy đúng là có kho báu ẩn chứa trong sách đó. Vậy nên mong các bạn tiếp tục kiên trì đọc và viết, các bạn sẽ thấy mình sống một cuộc sống rất khác.
- Vậy còn đối với những bạn trẻ chưa thích sách và chưa đọc nhiều lắm, Hà có muốn chia sẻ điều gì?
- Với các bạn chưa thích sách, tôi muốn nói thế này: Nếu có lúc bạn cảm thấy chông chênh, lạc lõng, muốn nói một điều gì đó nhưng không thể tìm ra từ ngữ, không biểu đạt được tình cảm với những người xung quanh, bị ai đó chỉ trích năng lực của bản thân, thì hay là, bạn thử tìm đọc sách xem?