Nhà văn Hồ Phương: Về với cánh đồng 'cỏ non'
Hồ Phương là một người lính. Và trong những bước đi của một người lính, ông đã trở thành nhà văn với những tác phẩm nổi tiếng
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết nhà văn - Thiếu tướng Hồ Phương, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội vào tối 2-1, hưởng thọ 94 tuổi.
Nhà văn cách mạng tiêu biểu
Nhà văn Hồ Phương ra đi để lại nhiều thương tiếc cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. "Khi nghe họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, cháu của nhà văn, thông báo, tự nhiên trong tôi hiện lên một vùng cỏ non mênh mông. Có lẽ bởi tác phẩm đầu tiên của ông đã hằn sâu trong ký ức tôi là tác phẩm "Cỏ non" được trích trong sách giáo khoa hồi tôi còn đi học" - ông Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động viết: "Hồ Phương là một người lính. Và trong những bước đi của một người lính, ông đã trở thành nhà văn với những tác phẩm nổi tiếng như: "Thư nhà", "Lá cờ chuẩn đỏ thắm", "Cỏ non", "Kan Lịch", "Những tầm cao", "Biển gọi", "Chúng tôi ở Cồn Cỏ" và nhiều tác phẩm khác. Lúc nào nghĩ đến ông là trong tôi hiện lên một vùng cỏ non da diết và bất tận với nụ cười đôn hậu của ông. Và với tôi, ông không bay về trời. Ông ở lại mặt đất này trong màu cỏ xanh mãi tận chân trời".
Nhà văn Hồ Phương, tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh ngày 15-4-1930 tại Hà Đông, Hà Nội. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Năm 16 tuổi, ông gia nhập lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu, rồi gia nhập quân đội, trở thành "Chiến sĩ Quyết tử" trên các chiến lũy ở Hà Nội để đánh giặc Pháp. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà văn trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, ông là một trong những chính trị viên xuất sắc thuộc Đại đoàn 308 trong kháng chiến chống Pháp.
Nhà văn Hồ Phương bắt đầu viết một số truyện ngắn đầu tay về hình tượng người bộ đội từ năm 17 tuổi. Năm 1949, ông phụ trách một trong những tờ báo đầu tiên của quân đội là Báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308. Trưởng thành từ người chiến sĩ, Hồ Phương làm phóng viên, cán bộ phụ trách Báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308, rồi làm Chính trị viên đại đội.
Với truyện ngắn "Lưỡi mác xung kích" năm 1948, Hồ Phương được đánh giá là nhà văn trẻ tài năng. Nhà văn Nguyễn Tuân lúc đó từng nhận xét về ông: "Đây chính là tương lai của nền văn học nước nhà". Sau này, 2 truyện ngắn làm nên tên tuổi Hồ Phương là "Thư nhà" (1948), "Cỏ non" (1960)…
Truyện ngắn "Cỏ non" từng đoạt giải ba của Báo Văn Nghệ, sau đó được chọn in trong sách giáo khoa môn văn lớp 9. Truyện ngắn gây xúc động khi xây dựng nhân vật Nhẫn - anh chăn bò giản dị, giàu tình cảm. Nhà văn Hồ Phương từng chia sẻ tác phẩm được ông viết từ những chuyến đi thực tế nông trường ở Ba Vì và Mộc Châu. Trong những chuyến đi này, nhà văn gặp anh Hồ Giáo, sau này là Anh hùng lao động và đó là một trong những cảm hứng giúp ông sáng tác truyện ngắn này.
Để lại dấu ấn đậm nét
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - người đảm nhận trách nhiệm viết điếu văn cho nhà văn Hồ Phương, chia sẻ Hồ Phương là nhà văn tiêu biểu cho thế hệ những nhà văn đi theo cách mạng. Ở ông có 2 phương diện nổi bật, một là phương diện nhà văn, hai là phương diện người lính. Ông đã đi qua cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với nhiều mặt trận gian khổ để lấy thực tế sáng tác.
Nhà văn viết đều đặn, bền bỉ và có một sự nghiệp bề thế. Ông cũng là một trong những nhà văn là thế hệ đặt nền móng hình thành nên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội vào năm 1957, trở thành một trong "Ngũ hổ" của tạp chí này bên cạnh các nhà văn Nguyên Ngọc, Hữu Mai, Xuân Thiều, Nguyễn Khải.
Trong sự nghiệp văn học của mình, nhà văn Hồ Phương đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ở thể loại truyện và truyện ngắn, nổi bật là "Thư nhà" (1948), "Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ" (1956), "Lá cờ chuẩn đỏ thắm" (1957), "Cỏ non" (1960), "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" (1965), "Phía Tây mặt trận" (1978), "Ông trùm" (1992)…
Ở thể loại tiểu thuyết, ông ghi dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả với "Những tiếng súng đầu tiên" (1955), "Kan Lịch" (1967), "Những tầm cao" (1974), "Biển gọi" (1978), "Cánh đồng phía Tây" (1994), "Yêu tinh" (2001), "Ngàn dâu" (2002), "Những cánh rừng lá đỏ" (2005), "Cha và con" (2007)...
Ngoài ra, ông còn xuất bản nhiều tập ký, ký sự như "Chúng tôi ở Cồn Cỏ" (1966), "Số phận lữ dù 3 Sài Gòn" (1971), "Đại đoàn đồng bằng" (ký sự in chung 1989), "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" (ghi chép, 1964)...
Nhà văn Hồ Phương từng nhận nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Văn học của Báo Văn Nghệ (năm 1958, truyện ngắn "Cỏ non"); giải thưởng của Bộ Quốc phòng (năm 1994, tiểu thuyết "Cánh đồng phía Tây"), giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2003, tiểu thuyết "Ngàn dâu"), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - Bộ Công an với tác phẩm "Yêu tinh" (2001). Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm "Cỏ non", "Những tầm cao", "Kan Lịch"; "Cánh đồng phía Tây".
Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm "Ngàn dâu", "Những cánh rừng lá đỏ".
Lúc sinh thời, nhà văn Hồ Phương từng tâm sự, may mắn của đời ông là được sống trong những thời khắc quan trọng của đất nước. Còn ý nghĩa nhất của đời ông là những lần gặp được Bác, điều đó đã làm nên những bước ngoặt trong cuộc đời ông. Đây chính là động lực để ông viết thành công tiểu thuyết "Cha và con" năm 2007 về cuộc đời, sự nghiệp Bác Hồ. Tác phẩm là lòng yêu kính của ông dành cho vị cha già dân tộc mà ông hằng ngưỡng mộ và biết ơn.
Tang lễ nhà văn Hồ Phương được Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức, sẽ diễn ra vào 7 giờ 30 phút ngày 8-1 tại Nhà Tang lễ quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nha-van-ho-phuong-ve-voi-canh-dong-co-non-196240103213654931.htm